Ra trường thời khó
Cùng chung nỗi lo với những người phải nghỉ việc vì cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là những tân cử nhân tốt nghiệp trong hai năm qua. Họ không chỉ phải cạnh tranh với nhau như những năm trước, mà còn phải cạnh tranh với những người đã có kinh nghiệm trong thị trường việc làm.
Đoàn Thanh Hùng, 23 tuổi, tốt nghiệp khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) với tấm bằng khá nhưng ra trường đúng đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát nên tìm việc làm rất khó khăn. Hùng kể, do không muốn bố mẹ lo lắng nên đành xin gia đình ở lại Hà Nội tìm việc làm tạm thời. Trong thời gian đó, Hùng sẽ đợi cơ hội tìm việc làm đúng chuyên ngành mà mình tốt nghiệp.
Còn Nguyễn Bảo Nhi, tân cử nhân Trường Đại học Lao động - Xã hội, chuyên ngành Quản trị nhân lực, lại tâm sự cô không dám ở lại thành phố làm việc vì chi phí sinh hoạt cao trong khi công việc khan hiếm. Nhi chia sẻ: “Vừa ra trường, tôi đã nộp đơn xin việc tại nhiều công ty nhưng có công ty thì từ chối luôn, có công ty lại hẹn chờ. Đặc biệt, các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tổ chức sự kiện dành rất ít cơ hội cho những sinh viên vừa mới ra trường như tôi. Dịch Covid-19 bùng phát, giao dịch bất động sản nhiều nơi đóng băng, các hoạt động tổ chức sự kiện chỉ hoạt động cầm chừng nên đa phần các công ty này không dám thuê một người mới ra trường không có kinh nghiệm”.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch, khách sạn gần như không hoạt động, khiến sinh viên mới tốt nghiệp như Phùng Khánh Linh (sinh viên ngành Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội) không rõ sắp tới liệu có thể tìm kiếm được công việc hay không. Không còn sự lựa chọn nào khác, Linh đành làm tạm một công việc trái ngành nghề để chờ cơ hội.
Câu chuyện của Hùng, Nhi và Linh chỉ là đại diện cho bức tranh toàn cảnh, sự khó khăn khi tìm việc làm của những tân cử nhân dưới những tác động của dịch Covid-19. Theo Adecco (công ty cung cấp nguồn nhân lực và nhân sự tạm thời lớn thứ hai thế giới), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện có gần 39% doanh nghiệp giảm nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới ra trường. Họ còn chỉ ra rằng, hiện có hơn 59% các tân cử nhân tin rằng hiện nay có ít cơ hội việc làm hơn trước, 41,8% lo ngại về việc thiếu kiến thức thực tế và 40% nói rằng họ có ít cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng hơn; 43% tân cử nhân xem tình huống này là cơ hội để nâng cao kỹ năng và kiến thức, 33,6% xem xét lại mục tiêu nghề nghiệp, và một tỷ lệ tương tự sử dụng thời gian này để cân nhắc sự nghiệp trong lĩnh vực khác...
Biến thách thức thành cơ hội
Có thể thấy, trước những ảnh hưởng do dịch Covid-19 để lại, một cuộc khủng hoảng nghề nghiệp cho các tân cử nhân đang đến gần. Thị trường việc làm được dự đoán sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn bởi nguồn cung nhân lực từ phía các trường cao đẳng, đại học luôn ở mức ổn định trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động từ phía các doanh nghiệp đang có chiều hướng chững lại do phải cân đối nhân sự, điều đó kéo theo hệ quả là thị trường việc làm có sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Tiến sĩ Phạm Hoàng Hưng, Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Khó khăn trong việc tìm việc làm là khó khăn chung của người lao động, đặc biệt là một trở ngại lớn đối với các bạn trẻ vừa mới ra trường. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự gian nan khi tìm việc làm tăng lên gấp bội. Chính vì thế, các tân cử nhân phải bình tĩnh, tỉnh táo để trước mắt không vì áp lực kiếm tiền mà sa đà vào những con đường làm giàu bất chính hoặc tham gia thị trường tín dụng đen... Chúng ta nên đối mặt với khó khăn bằng một tinh thần lạc quan bởi theo nhiều chuyên gia dự đoán, thời điểm hậu Covid-19 sẽ diễn ra sự bùng nổ về nhu cầu tuyển dụng. Các bạn sinh viên hãy coi đây là một lần tập dượt cho tương lai, dành khoảng thời gian này để học hỏi, bổ sung kiến thức để khi cuộc sống trở lại bình thường là có thể bắt kịp với nhịp sống mới. Hãy tìm cách nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, kiến thức tin học, thái độ ứng xử đối với công việc trong tình hình mới, trang bị kỹ năng làm việc online...".
Còn ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH) khẳng định: “Thị trường lao động tại thời điểm nào cũng có sự cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tiếp nhận lao động chưa có kinh nghiệm vào làm việc và điều đó phụ thuộc vào vị trí tuyển dụng, mức lương người lao động mong muốn... Không ít doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường để về đào tạo lại sao cho phù hợp với yêu cầu và phương thức hoạt động của họ. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với các tân cử nhân chính là họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của lực lượng lao động mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua”.
Đối với lực lượng lao động trẻ, chuẩn bị ra trường, để thích ứng với hình hình mới, ông Vũ Quang Thành cho rằng, đầu tiên các bạn cần xác định rõ công việc mà mình mong muốn, tìm hiểu sâu hơn về tính chất công việc xoay quanh vị trí việc làm sẽ ứng tuyển và sẵn sàng bước chân vào thị trường lao động. Bên cạnh đó, lao động trẻ cần nắm chắc Luật Lao động, chế độ, quyền lợi và nâng cao trình độ bản thân, nhất là các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống... để tự tin đón nhận và hoàn thành tốt công việc.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/viec-lam-cho-tan-cu-nhan-trong-dai-dich-covid-19-co-hoi-trai-nghiem-bo-sung-kien-thuc-cho-tuong-lai-a483.html