Thế giới tự nhiên vẫn còn ẩn giấu nhiều điều bất ngờ và phát hiện này có thể được coi là một trong những minh chứng.
Cụ thể, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Khí quyển và Nước Quốc gia New Zealand (NIWA) đã sử dụng vòi nước nóng để làm xuyên thủng thềm băng Ross (được coi là thềm băng lớn nhất ở Nam Cực) và bất ngờ phát hiện ra một dòng sông bí ẩn ở bên dưới lớp băng, với chiều dài khoảng 10,5 km, rộng hơn 274 m và sâu 244 m.
Nhà Hải dương học Craig Stevens của NIWA, cho biết: "Hãy tưởng tượng nơi đây như Cảng Sydney nhưng ở dưới 600 m băng và tuyết. Ở dưới đó hoàn toàn tối vì quá sâu để ánh sáng mặt trời có thể chiếu tới và cũng cực kỳ lạnh".
Theo các chuyên gia đánh giá, đây không phải là nơi lý tưởng cho sinh vật sống. Thế nhưng khi thả một số thiết bị ghi hình xuống, các chuyên gia đã rất ngạc nhiên khi thấy dòng sông có chứa đầy sinh vật thuộc bộ Giáp mềm. Cụ thể, các loài giáp xác giống như tôm bơi tán loạn khắp nơi ngay bên dưới ánh sáng từ đèn camera.
Ban đầu các chuyên gia cho rằng có điều gì đó không ổn với camera, nhưng khi tiêu điểm được cải thiện, họ nhận thấy có nhiều động vật giáp xác với kích thước khoảng 5 mm.
Nhà Hải dương học Craig Stevens cho biết thêm: "Việc những loài động vật này bơi xung quanh camera của chúng tôi có nghĩa là có một quá trình sinh thái quan trọng đang diễn ra ở đó. Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu thêm bằng cách phân tích mẫu nước để kiểm tra những thứ chẳng hạn như chất dinh dưỡng".
Thế giới ngầm ở bên dưới Nam Cực vẫn còn là nơi bí ẩn vì việc tiếp cận dòng sông hay những cột nước dưới băng quả thực đặc biệt khó khăn. Theo đó, các nhà khoa học phải chiến đấu với thời tiết, khoan hoặc làm tan chảy lớp băng dày để có thể đưa drone hoặc camera xuống. Đây cũng là lý do tại sao Endurance, con tàu nổi tiếng của nhà thám hiểm Ernest Shackleton lại mất tích trong suốt hơn một thế kỷ ở Nam Cực.
Đối với các nhà khoa học, ở một mức độ nào đó, mọi thứ đều quá mới mẻ đến mức mà họ chỉ cần dùng dây thừng để thả camera xuống là có thể ghi nhận được những cảnh chưa từng thấy trước đây.
Theo ông Craig Stevens, một câu hỏi khiến các nghiên cứu băn khoăn và tò mò nhất, đó là thứ gì cung cấp chất dinh dưỡng cho các sinh vật được phát hiện ở dưới thềm băng Ross?
Theo các nhà khoa học, đây cũng là thời điểm thích hợp để tiến hành khám phá những "điểm nóng" chưa từng thấy về sự sống ở Nam Cực và đặt ra những câu hỏi như trên. Trên thực tế, các phần của Nam Cực đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Điều này có thể góp phần tạo điều kiện cho các loài ngoại lai chuyển đến và gây hại đến hệ sinh thái mong manh vốn bị cô lập từ lâu với phần còn lại của thế giới.
Nhà Hải dương học Craig Stevens cho rằng, bước đầu tiên để có thể hiểu được tầm quan trọng của các dòng sông băng ở dưới băng với Nam Cực là tìm ra những điểm giống và khác của chúng so với các dòng sông thông thường. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu dự định sẽ tiến hành phân tích mẫu nước và kiểm tra về chất dinh dưỡng. Điều này cũng có thể tiết lộ sự sống phát triển như thế nào ở nơi cách xa ánh sáng cũng như đại dương mở rộng.
Nam Cực - nơi tồn tại nhiều điều bí ẩn bất ngờ
Tìm thấy dấu hiệu của sự sống ở sâu bên dưới lớp băng lạnh giá không phải là điều bất ngờ đầu tiên ở Nam cực.
Vào tháng 2/2021, khi tiến hành khoan qua thềm băng ở Nam Cực xa ánh sáng, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh đã bất ngờ tìm thấy một tảng đá dưới đáy biển, nơi sinh sống của một số loài mà con người có thể chưa từng thấy trước đó.
Một số sinh vật này có thể sinh sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt ở Nam Cực.
Theo nhà sinh vật học Huw Griffiths tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, khám phá này cho chúng ta thấy rằng sinh vật biển ở Nam Cực vô cùng đặc biệt và có khả năng thích nghi đáng kinh ngạc với thế giới đóng băng.
Đối với các nhà khoa học, khám phá này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, như những sinh vật này đang ăn gì? Chúng ở đó bao lâu rồi? Đây có phải là những loài mà chúng ta nhìn thấy bên ngoài thềm băng hay đây là loài mới?...
Tuy nhiên, để trả lời được những câu hỏi này, theo nhà sinh vật học Huw Griffiths, các nhà khoa học sẽ phải tìm cách để có thể đến gần những loài sinh vật này và môi trường của chúng. Đó là lớp băng cách 260 km so với những con tàu thí nghiệm. Vấn đề đặt ra là các nhà khoa học có thể sẽ phải đầu tư vào công nghệ mới để nghiên cứu chính xác các loài động vật mà không gây hại cho chúng.
Vào đầu tháng 5/2022, các nhà khoa học cũng phát hiện sự tồn tại của một hệ thống nước ngầm lớn nằm sâu bên dưới lớp băng ở phía tây của Nam Cực.
Theo nhà nghiên cứu Chloe Gustafson tại Viện Hải dương học Scripps (Đại học California, San Diego), nhiều nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết về việc có nước ngầm ẩn sâu bên trong các lớp trầm tích dưới lớp băng của Nam Cực. Nhưng vẫn chưa có bất kỳ ảnh chụp chi tiết nào. Trong những năm gần đây, các chuyên gia đã phát hiện ra hàng trăm sông, hồ liên kết với nhau nằm ở trong lớp băng. Thế nhưng, phát hiện trên là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy sự tồn tại của một lượng lớn nước ngầm ở trong các lớp trầm tích bên dưới băng.
Nhà nghiên cứu Gustafson cho biết thêm: "Nam Cực có thể khiến cho mực nước biển dâng cao tới 57 m nếu tan chảy hoàn toàn. Vì vậy, chúng tôi muốn hiểu tất cả về các quá trình kiểm soát cách băng chảy ra khỏi lục địa cũng như đi vào đại dương. Nước ngầm hiện đang là một quá trình còn thiếu ở trong mô hình dòng chảy của băng".
Phó giáo sư về khoa học môi trường Kerry Key tại Đại học Columbia của Mỹ, cho biết, nhờ kỹ thuật thăm dò điện từ Tellur, các chuyên gia đã chụp được ảnh từ đáy băng đến độ sâu lên tới 5 km phía dưới và thậm chí là sâu hơn.
Trên thực tế, trong thời kỳ ấm áp cách đây 5.000 đến 7.000 năm, nước biển có thể đã tràn đến khu vực này và làm bão hòa trầm tích bằng nước mặn. Sau đó, khi băng dày lên, nước ngọt được tạo ra nhờ áp lực từ trên cao và ma sát ở đế băng bị ép vào các lớp trầm tích bên trên. Phó giáo sư Kerry Key cho rằng nước ngọt có thể tiếp tục chảy xuống và hòa vào nước ngầm ngày nay.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết rằng, cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để hiểu được những tác động của nước ngầm liên quan đến khủng hoảng khí hậu và mực nước biển dâng.
Theo các chuyên gia, có thể do sự thoát nước chậm từ băng vào lớp trầm tích sẽ ngăn nước tích tụ ở đáy băng và đóng vai trò giống như một cái phanh hãm lại chuyển động tịnh tiến của băng về phía biển.
Thế nhưng nếu lớp băng trên bề mặt mỏng đi, việc giảm áp lực cũng có thể khiến nước ngầm dâng lên. Do đó, sự chuyển động hướng lên này sẽ bôi trơn phần đế của băng và đẩy nhanh dòng chảy của nó.
Bài viết tham khảo nguồn: Cnet, CNN, CBC, Theguardian
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/camera-xuyen-bang-phat-hien-dong-song-co-day-sinh-vat-bi-an-chuyen-gia-chung-da-an-gi-a4825.html