Gần bốn năm gắn bó với Công ty Samho Việt Nam (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), Châu Út Anh chưa năm nào thấy bí bách như năm nay. Đợt dịch thứ tư bùng phát, nhà máy không thể sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" nên tạm hoãn hợp đồng, ngưng trả lương cho hơn 10.000 lao động từ cuối tháng 7.
Gần ba tháng bó gối ngồi nhà, Út Anh nhận được một triệu đồng hỗ trợ từ chính quyền; 2,1 triệu đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; còn khoản 3,71 triệu đồng từ gói 26.000 tỷ đồng đến nay "không thấy đâu". Anh phải vay mượn khắp nơi để trả tiền phòng, phụ mẹ nuôi bốn đứa cháu.
Hai hôm nay, nam công nhân thấy nhẹ nhõm hơn khi nhà máy da giày tổ chức làm thêm ngoài giờ kịp cho đơn hàng cuối năm. Tăng ca thêm tiền, Út Anh tích cóp trả khoản nợ phát sinh trong thời gian nghỉ dịch, vừa để dành chút đỉnh cho cái Tết Nhâm Dần cách chỉ hơn một tháng.
"Tôi vẫn mong có thưởng Tết, dù ít hay nhiều", nam công nhân hy vọng. Song anh vẫn tính đến tình huống xấu nhất khi các ca nhiễm đang tăng, có thể sẽ phải ở lại Sài Gòn đón năm mới.
Thời điểm này, Ban giám đốc Công ty TNHH Samho Việt Nam vẫn chưa quyết định được chuyện thưởng Tết, dù công đoàn đã gửi đề xuất mức thưởng một tháng lương cơ bản cách đây nhiều ngày. Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Samho, nói rằng năm qua công ty ngưng trệ sản xuất nhưng người lao động cũng rất khốn đốn khi ngừng việc, nghỉ việc kéo dài vì cách ly, phong tỏa. "Thưởng Tết là cần thiết để chia sẻ và giữ chân công nhân", ông nói.
Năm thứ hai dịch bệnh kéo dài và chưa thể tăng lương cơ sở lẫn tối thiểu vùng, bức tranh thưởng Tết Nhâm Dần khó khởi sắc. Khảo sát của Anphabe trên 50 doanh nghiệp với 54.000 lao động cho kết quả chỉ một nửa có thể trả thưởng như dự kiến, còn lại thấp hơn. Khoảng 20% người lao động thuộc khối ngành hàng không, du lịch... bị cắt thưởng hoàn toàn sau hai năm chịu tác động của Covid-19.
Từng là tâm dịch cả nước hồi tháng 5 và phải tạm đóng cửa các khu công nghiệp, thời điểm này Bắc Giang gần như đã khôi phục hoàn toàn sản xuất. Số doanh nghiệp lẫn lao động còn tăng so với trước dịch, thêm 23 công ty và khoảng 41.000 công nhân.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, mức thưởng năm nay "rất khó nói" dù Tết đã cận kề. Thường sang đầu tháng Chạp, các doanh nghiệp mới báo cáo đầy đủ. Dù sản xuất khôi phục, các công ty vẫn phải duy trì kinh phí chống dịch, chi tiền hỗ trợ công nhân quay trở lại đi làm, chi xét nghiệm tầm soát định kỳ cho công nhân.
Bên cạnh những đơn vị đang "khó nói" về thưởng Tết, hiện nhiều doanh nghiệp đã có phương án và thông báo tới người lao động. Với khối ngành dệt may, đơn hàng đã quay trở lại cùng sự phục hồi của nhu cầu thị trường thế giới. Dù thiếu nhân công, chi phí tăng cao, không dám nhận nhiều đơn hàng, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay sở để có thưởng cho công nhân.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 (Hà Nội) cho biết dù khó khăn về chi phí sản xuất lẫn hiệu quả kinh doanh, đơn vị đã có kế hoạch thưởng Tết cho khoảng 13.000 nhân công, tính cả đơn vị liên doanh, liên kết. Mức thưởng bình quân khoảng 1,5 tháng lương mỗi người.
Dù đại dịch kéo dài, thu nhập bình quân của người lao động May 10 vẫn tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Các đơn hàng cuối năm từ Nhật Bản, châu Âu tới tấp nên sản xuất quý IV có thể bù đắp cho thời gian trước. Năm tới, công ty sẽ mở rộng kinh doanh ra một số tỉnh thành và thu hút thêm khoảng 3.000 công nhân.
"Khoản thưởng dành cảm ơn người lao động vì đã luôn chia sẻ, đồng hành cùng công ty. Sau dịch, công nhân lại làm việc hết mình để kịp các đơn hàng trong quý IV, bù đắp cho đơn bị trễ hồi quý III do giãn cách kéo dài", ông Việt nói.
Tại TP HCM, mức thưởng bằng 75% năm ngoái là lựa chọn của Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức). Quyết định nhận được sự đồng thuận của hơn 21.000 công nhân. "Đây là nỗ lực cực kỳ lớn của ban lãnh đạo công ty", ông Liêu Quang Vinh, Chủ tịch Công đoàn đánh giá.
Theo ông Vinh, nhà máy đang làm mọi cách để giữ chân công nhân, trong đó có duy trì lương suốt thời gian nghỉ dịch và thưởng Tết. Bởi hơn ba tháng tạm ngưng sản xuất, Công ty đều duy trì mức lương hơn 4,4 triệu đồng cho tất cả lao động với kinh phí mỗi tháng gần 95 tỷ đồng. Khi thành phố mở cửa, nhà máy cũng không thể hoạt động hết công suất, số công nhân nghỉ việc vẫn tiếp tục được hỗ trợ.
Ông Vinh kể, khi thương lượng về mức thưởng Tết giữa công đoàn và doanh nghiệp đưa ra nhiều phương án. Quyết định cuối cùng đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên và để công nhân có thâm niên không chịu thiệt thòi. Ngoài ra, công ty vẫn duy trì thưởng một chỉ vàng cho người lao động làm việc đủ 10 năm.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP Hồ Chí Minh, thông tin thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Khảo sát cho thấy nhiều nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn, số khác sản xuất cầm chừng, chi phí thực hiện phương án "vừa sản xuất vừa cách ly" tăng cao. Hiện đã có doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết cho người lao động, trong đó một số ít thưởng một tháng lương, còn lại giảm 50 - 70% so với mức thưởng năm ngoái.
Theo yêu cầu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp báo cáo lương, thưởng, các khoản trợ cấp Tết dương lịch và Tết Nhâm Dần về sở trước ngày 25/12. Song đến nay, đơn vị này chưa nhận được nhiều thông tin từ cơ sở. Cơ quan quản lý lao động TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các doanh nghiệp gặp khó khăn trong chi trả lương, thưởng cho người lao động dịp Tết cần sớm báo lại tình hình để cùng lên kế hoạch hỗ trợ.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nhận định "khó có thưởng cao đột biến như những năm trước, thậm chí khu vực phía Nam còn giảm sút 30 - 50%". Nhận định này đưa ra trên cơ sở các cấp công đoàn báo về, bởi sản xuất phía Nam vẫn đang phục hồi. Để giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ trích một phần lợi nhuận ít ỏi để có thưởng Tết cho công nhân. Khoản tiền này cũng chính là động lực giúp cho người lao động thêm gắn bó với công ty.
Theo ông Hiểu, Công đoàn đang cố gắng thương lượng với doanh nghiệp để nâng lương, thưởng Tết cho lao động. Trong bối cảnh nguồn xã hội hóa khó khăn, công đoàn sẽ trích 2.400 tỷ đồng từ tài chính tích lũy hỗ trợ cho 8 triệu đoàn viên, công nhân lao động với mức 300.000 đồng mỗi người.
Thưởng Tết không phải là khoản cứng có trong quy định của luật lao động, không bắt buộc phải có mà phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tết Nguyên đán 2021 - năm đầu tiên ảnh hưởng của đại dịch khiến việc làm, tiền lương, tiền thưởng của người lao động đều giảm sút. Mức thưởng Tết âm lịch chỉ bằng 95% năm trước đó, song vẫn đạt 6,36 triệu đồng, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trên hơn 30.000 doanh nghiệp cả nước.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xoay-xo-thuong-tet-de-giu-chan-lao-dong-a475.html