Miền Trung sơ tán hàng nghìn dân ứng phó với bão Rai

Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên sơ tán hàng nghìn người dân ra khỏi vùng sạt lở, triều cường xâm thực, để ứng phó với bão Rai và phòng tránh lũ lụt.

Sáng 18/12, nhiều địa phương ven biển và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) họp khẩn bàn giải pháp ứng phó với bão Rai.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, khả năng ngày và đêm 19/12, vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 11, 12, giật cấp 13; vùng ven biển có gió mạnh cấp 9, 10, giật cấp 11, 12; khu vực đất liền có gió mạnh cấp 7, 8, giật cấp 9, 10.

Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay Rai là cơn bão mạnh, bất thường và nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương hoàn thành việc kêu gọi tất cả các tàu, thuyền trong vùng nguy hiểm của bão về nơi an toàn trước 17h ngày 18/12; huy động lực lượng hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại khu neo đậu.

chong-bao-gui-den-1639803468.jpg
Người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giằng chống nhà cửa ứng phó với bão Rai

Các địa phương huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở để hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà ở; tổ chức di dời, sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; chuẩn bị sẵn sàng phương án, kịch bản xử lý với khu vực có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, bờ biển...

Theo ông Hiền, để ứng phó với bão Rai, Quảng Ngãi dự kiến sơ tán gần 8.000 người dân tại 22 xã ven biển và huyện đảo Lý Sơn đến nơi an toàn.

Huyện đảo Lý Sơn là địa phương đầu tiên của Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng của bão với sức gió cấp 9, giật cấp 10, cấp 12. Trước tình hình này, huyện lên phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, cơ số thuốc, y bác sĩ để kịp thời ứng cứu người dân khi xảy ra tình huống xấu.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho hay địa phương tập trung sơ tán người dân ở vùng nguy cơ triều cường xâm thực.

"Chúng tôi sẽ sơ tán 250 hộ dân với gần 600 nhân khẩu ở những khu vực xung yếu đến tránh bão Rai ở trường học, khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn", bà Hương nói.

nui-cam-gui-den-1639803468.jpg
Cơ quan chức năng Bình Định lo ngại ảnh hưởng cơn bão Rai, mưa lớn làm sạt lở núi Cấm, gây nguy hiểm cho người dân ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát

Trong khi đó, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, triển khai "phương án kép", vừa phòng tránh bão Rai, vừa ứng phó với nguy cơ lũ lụt có thể xảy ra do mưa lớn sau bão.

Ông Thế yêu cầu các thủy điện trên địa bàn và Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam theo dõi sát tình hình, thực hiện quy trình xả lũ để đón lũ phù hợp.

Hiện, 51 hồ chứa thủy lợi tại Phú Yên đã đầy nước, trong đó có ba hồ chứa lớn (dung tích hơn 10 triệu m3/hồ).

Tại Bình Định, các địa phương gấp rút khơi thông dòng chảy các sông, suối; sơ tán dân ra khỏi vùng nguy cơ bị ngập lụt, ảnh hưởng triều cường đến nơi an toàn. Lãnh đạo UBND xã Cát Thành cho biết địa phương sẵn sàng sơ tán hơn 100 hộ dân với gần 400 nhân khẩu sống bên dưới khu vực núi Cấm, nơi đã xảy ra hai vụ sạt lở lớn trong trận mưa lũ tháng 11 vừa qua, đến nơi an toàn.

 

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/mien-trung-so-tan-hang-nghin-dan-ung-pho-voi-bao-rai-a473.html