Thúc đẩy quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như thể chế hóa kịp thời các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước trong Luật Tần số vô tuyến điện để thúc đẩy quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số…

nguyen-manh-hung-1654226810767-1654246328.jpg
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, sáng 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, và Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về tần số vô tuyến điện

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế.

Bộ trưởng cho biết, một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII của Đảng là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra mục tiêu “đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”.

Bên cạnh đó, sau khi Luật Tần số vô tuyến điện được thông qua đến nay, hệ thống pháp luật đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới có liên quan đến nội dung của Luật Tần số vô tuyến điện đã được ban hành, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Phí và lệ phí năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020)…

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như thể chế hóa kịp thời các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước trong Luật Tần số vô tuyến điện để thúc đẩy quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số…

dbqh-1654226873145-1654246328.jpg
 Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại hội trường sáng 3/6. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Về phạm vi điều chỉnh và nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều với những nội dung chủ yếu như: nhóm vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên.

Ngoài ra còn có nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; nhóm vấn đề về sửa các Luật có liên quan; và điều khoản chuyển tiếp.

Cần quy định rõ giới hạn tổng độ rộng băng tần phân bổ cho từng doanh nghiệp

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, đồng thời nhấn mạnh tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Về giới hạn tổng độ rộng băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, ông Lê Quang Huy nêu rõ tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp nào càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì doanh nghiệp đó sẽ càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không quy định về giới hạn phân bổ cho từng doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông và dẫn tới độc quyền doanh nghiệp.

le-quang-huy-1654226927908-1654246328.jpg
 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định về 3 phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gồm cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp.

Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt (bổ sung khoản 4 Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện), ông Lê Quang Huy cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.

Văn Toản

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thuc-day-quan-ly-su-dung-tan-so-vo-tuyen-dien-hieu-qua-a4693.html