Để cho bài không quá dài, và thật sự là có ích, tôi xin không nói đến những thành tựu mà giới trí thức Việt Nam đã thu được trong cách mạng và chiến tranh, trong cải tạo và xây dựng đất nước sau hai phần ba thế kỷ qua; nói cách khác, những thành tựu mà giới trí thức trong đồng tâm nhất trí với Đảng đã thu được, đương nhiên là rất lớn, có thế hai cuộc kháng chiến mới đi đến thắng lợi và công cuộc Đổi mới đã có thể diễn ra, với những thành tựu lớn trong hơn 35 năm qua. Tôi chỉ xin dừng lại ở những mặt là bất cập và đáng tiếc, có thể đã không xảy ra và không gây thương tổn cho cộng đồng, và làm chậm bước đi của lịch sử.
*Số phận của văn hóa - khoa học, văn học - nghệ thuật (sản phẩm của tầng lớp trí thức) phụ thuộc biết bao vào một nền chính trị tiến bộ. Và số phận một nền chính trị cũng lại phụ thuộc vào những người lãnh đạo anh minh.
Chuyện chúng ta thường được nghe là thái độ của V. Lênin đối với P. Páplốp - nhà sinh lý học vĩ đại Nga. Páplốp khác biệt về tư tưởng với cách mạng vô sản; thậm chí còn chỉ trích gay gắt những người lãnh đạo; nhưng Lênin đã dành một sự ưu đãi đặc biệt, để cho nhà khoa học vĩ đại trong hoàn cảnh khó khăn gay gắt sau Cách mạng tháng Mười có thể tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình. Khẩu phần lương thực dành cho chó, động vật thí nghiệm của Páplốp được tuyệt đối bảo đảm; và một người bạn của Páplốp - nhà khoa học A.N. Crưlốp, trong một lần trò chuyện với Páplốp đã nửa đùa nửa thật yêu cầu ông cho mình một đặc ân là gia nhập vào đàn chó của ông. Một nhà khoa học khác, nhà luyện kim tài năng D.K. Sécnốp, quan thị vệ của Nga hoàng, vào những năm nội chiến, khi tướng Bạch vệ Vrăngghen bỏ chạy, đã không theo Vrăngghen, mà ở lại Crưm. Lênin đã ra chỉ thị phải bảo vệ sự an toàn cá nhân và toàn bộ biệt thự của Sécnốp ở Crưm; và sau này Sécnốp đã có đóng góp đắc lực cho ngành luyện kim Liên Xô.
Khỏi phải kể thêm cách Lênin đánh giá L. Tônxtôi, và quan hệ của Lênin với M. Gorki...
Cần chú ý đây là cách cư xử đối với các trí thức có khác biệt về tư tưởng, thậm chí có thái độ không đồng tình với cách mạng.
Ở Việt Nam chúng ta, có thời, cũng không ngắn lắm, khó tìm ra có trí thức nào khác biệt về tư tưởng mà đi cùng được với cách mạng, được cách mạng sử dụng và tin cậy. Không nói đến khác biệt về tư tưởng, có khi, như hồi Cải cách ruộng đất, chỉ bị mang danh là trí thức, hoặc sinh ra từ gia đình trí thức, có thể bị liên lụy. Chủ nghĩa Mao, do nhiều lý do lịch sử, chúng ta chịu ảnh hưởng khá nặng, may mà kịp sửa, nhưng vẫn còn nhiều di hại...
Đội ngũ trí thức của ta, gồm nhiều thế hệ, hầu hết, nếu không nói là tất cả đều đi theo cách mạng. Khỏi phải kể, đó là một danh sách dài. Tất cả đều chờ đón, hoan nghênh cách mạng dân tộc - dân chủ và cùng nhất trí đi theo cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều yêu nước, yêu dân, mong mỏi cho hạnh phúc của nhân dân. Nếu có những khác biệt ở một số cá nhân tài năng nào đó với các quan niệm chính thống, thì chỉ là khía cạnh, và thường không ở cấp độ lập trường - tư tưởng - nếu lấy thái độ đối với Tổ quốc và Nhân dân làm căn bản; cũng không hẳn đối lập với giới lãnh đạo. Thế nhưng cũng đã diễn ra không ít những điều đáng tiếc trong thái độ ứng xử, và trong việc sử dụng cái vốn chất xám chưa lấy gì làm giàu có này. Hãy thử điểm lại xem, chẳng hạn trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, các cuộc đấu tranh tư tưởng đã diễn ra như thế nào, qua không ít vụ - việc lớn nhỏ; và những người có ý kiến khác với hệ chính thống đã bị xử lý ra sao!
Cho đến hôm nay, mỗi dịp nhìn lại thành công của Đại hội VI, với hai khẩu hiệu lớn: “Lấy dân làm gốc”, và “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, chúng ta sẽ thấy chính Đảng cũng đã thấy sai, và đã quyết sửa sai thì những tìm tòi về khoa học, văn học, nghệ thuật, vốn là công việc của cá nhân, làm sao lại không thể có sai. Mà sự thật thì trên một số vụ việc cụ thể trong văn hóa - văn nghệ lại chẳng phải là những sai lạc gì ghê gớm về tư tưởng. Có khi chỉ là sự khác ý với một vài bậc bề trên, hoặc một vài kiểu “phạm húy” do sơ suất hoặc do suy diễn.
Cũng cần chú ý một tình hình khó tránh do hoàn cảnh chiến tranh gây ra: Suốt cả một thời gian dài, những trên 30 năm, ngót 40 năm nền nếp sinh hoạt tư tưởng và học thuật của chúng ta thường nặng về sự nhất trí, phải chăm lo đi tìm sự nhất trí, mà ít có sự khuyến khích, thậm chí e ngại sự khác nhau, không nói đến sự đối lập nhau. Mà chính trên sự khác nhau này, mới là động lực thúc đẩy sự phát triển học thuật và tiến bộ xã hội. Quán tính nhất trí trong sinh hoạt tư tưởng và tình trạng bao cấp, kể cả bao cấp về tư tưởng kéo dài, đã đưa đến tình trạng độc thoại, hoặc sự lấn át của một vài giọng điệu. Từ hoàn cảnh đó làm sao có đất cho sự nẩy nở những ý kiến hay và táo bạo.
Viện sĩ Piotr Kapitxa(1) trong một bức thư gửi I. Andrôpôp - Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô, vào ngày 11-11-1980 đã viết: “Sự khác biệt tư tưởng gắn bó chặt chẽ với hoạt động sáng tạo có lợi ích, còn hoạt động sáng tạo trong bất cứ lĩnh vực nào của văn hóa cũng sẽ bảo đảm sự tiến bộ của nhân loại”... “Mọi hoạt động sáng tạo của con người đều chứa đựng sự bất bình với cái đang tồn tại”. “Để có lòng mong muốn sáng tạo thì khởi đầu, về cơ bản, phải có sự bất bình với cái hiện hành, tức là cần phải là những người khác biệt về tư tưởng”... “Sáng tạo lớn đòi hỏi cả nhiệt huyết lớn, và điều ấy dẫn tới những hình thức bất bình gay gắt, do đó, những tài năng, như ta nói, thường “khó tính”(1).
Xin được dẫn lại các ý này để chúng ta hiểu thêm một ít đặc thù và cũng là “chỗ yếu” của giới trí thức; và để cho giới trí thức cũng phải tự biết những chỗ yếu và sơ hở của mình. Biết để mà tránh, nhưng làm sao mà tránh được; và nếu tránh thì sao còn được gọi là trí thức chân chính!
*Có lúc ta đổ oan cho người nông dân về sự kỳ thị trí thức, những dân tộc nông dân không coi trọng trí thức; còn trí thức nông dân thì không tránh khỏi sự hẹp hòi, thiển cận. Nhưng sự thật thì sự không coi trọng trí thức, tôi nghĩ có nguyên nhân ở tầm bao quát và có nguồn cội sâu xa hơn, nằm trong một ý niệm chung và định hướng chung về cách mạng vô sản, đòi hỏi sự triệt để, sự không khoan nhượng trong nhiệm vụ lật đổ mọi cái cũ. Tất cả những gì gắn với giai cấp tư sản, gắn với tầng lớp hữu sản, gắn với các hoạt động tự do, mang đặc trưng cá nhân, đều trở thành đối tượng phê phán của giai cấp vô sản ở những mức độ khác nhau. Dẫu vậy vẫn có một nghịch lý khó tránh, đó là: Những người lãnh đạo cách mạng vô sản và thiết kế nên sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nhiều nơi đều có nguồn gốc xuất thân là trí thức, hoặc sớm được trí thức hóa, kể từ Mác, Ăngghen, và Lênin, rồi Plêkhanốp, Bukharin, Lunasacxki ở Nga; như Bác Hồ và một số các đồng chí lãnh đạo thuộc thế hệ tiền bối của Đảng ta. Thế nhưng rồi đã diễn ra, trong quá trình cách mạng và xây dựng xã hội mới, cái nhận thức về trí thức là đội ngũ cần được cải tạo, vì tập quán hoài nghi, hay nghiêng ngả, dao động, thiếu trung thành; vì tư duy nghiêng về phê phán, ít bằng lòng với thực tại; vì hoạt động tự do, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật; vì thói quen tự cao tự đại... Chính từ những điều gọi bằng “nhược điểm” và “thói tật” hoặc “thói xấu” này vốn thường gắn với đặc trưng của lao động trí óc, gắn với hoạt động khoa học và nghệ thuật mà một số người trong giới trí thức thường gặp phải không ít khó khăn hoặc hiểm họa.
Tôi nghĩ, một động tác cần thiết cho sự nghiệp Đổi mới và Hội nhập hôm nay, là cần thay đổi cách nhìn nhận đối với văn hóa và khoa học; với trí thức là các chuyên gia và nghệ sĩ; cần hiểu những đặc thù của lao động trí tuệ, tôn trọng sự độc lập suy nghĩ, tạo không khí dân chủ trong thảo luận, tranh luận, không vội vàng phê phán.
Phải chăng chủ nghĩa xã hội trong hai phần ba thế kỷ tồn tại của nó từ sau Cách mạng tháng Mười - 1917 ở Nga đến 1990 - khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ đã phải trả giá đắt cho sự lạc hậu về khoa học - kỹ thuật, công nghệ; mà sự lạc hậu này lại có nguyên nhân không ít ở sự thiếu coi trọng văn hóa, trí thức và sự hụt hẫng không khí dân chủ.
*Không phải cho đến hôm nay mà ngay từ đầu, nhưng cũng phải đến hôm nay ta mới thấm thía bài học về cách cư xử của Lênin. Cách mạng xã hội chủ nghĩa, muốn một năng suất lao động cao hơn, và một khí hậu dân chủ - nhân đạo hơn chủ nghĩa tư bản, cần biết bao một cách quản lý thông minh các hoạt động ở lĩnh vực tinh thần tế nhị và phức tạp này; cần biết bao những người lãnh đạo kiểu Lênin. Muốn vậy, và được vậy, bởi lẽ bản thân Lênin là một bản lĩnh văn hóa, có nhãn giới rộng, có kiến văn và học vấn uyên bác.
Cố nhiên vấn đề không phải ở các cá nhân mà là cơ chế, là thể chế; nhưng muốn có thể chế phải có con người, và hạt nhân của thể chế vẫn là con người.
Cần những thể chế và những cách thức quản lý mở đường cho tri thức, cho sáng tạo khoa học và nghệ thuật, cho sự nhận thức tri thức là tài sản chung cho nhân loại. Cần sử dụng tri thức không phải như công cụ của đấu tranh giai cấp, mà là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Một thời dài, với quan niệm đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy thế giới phát triển, chúng ta đã đẩy về phía đối lập - thù địch tất cả những gì thuộc về hoặc gắn với giai cấp thống trị và hệ ý thức thống trị - trong đó giai cấp tư sản và hệ ý thức tư sản cùng với các thành phần có liên quan với chế độ tư hữu, trong đó có các tầng lớp trí thức tiểu tư sản là đối tượng phải đấu tranh để cải tạo. Khẩu hiệu công nông hóa trí thức một thời dài phải được quán triệt, chính vì mục tiêu này. Thế nhưng nếu “Tư tưởng thống trị của thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị”, thì mọi sản phẩm văn hóa và tinh thần của thời đại lại là đóng góp của nhân dân, và các tầng lớp trí thức của nhân dân, hoặc đứng về phía nhân dân. Tất cả những tên tuổi lớn trong số các danh nhân văn hóa và lịch sử của dân tộc và nhân loại đều thuộc tầng lớp trí thức, và do vậy mà thuộc về nhân dân. Còn giai cấp tư sản là giai cấp đã làm nên các cuộc cách mạng tư sản, đưa nhân loại vào một thời đại mới - thời đại của phát triển tư bản chủ nghĩa; thời đại mà những người khai sáng của nó, đều thuộc tầng lớp trí thức; và chính họ, những người khai sáng này - “những người đã đặt cơ sở cho nền thống trị hiện đại của giai cấp tư sản” - theo Ăngghen “có thể được xem bất cứ là những người như thế nào, nhưng quyết không phải là những người có tính hạn chế tư sản...” 1). Có nghĩa là, họ vẫn có đủ tư cách là phát ngôn, là đại diện cho lợi ích chung của nhân loại. Như vậy là thành tựu của khoa học, nghệ thuật, sản phẩm của các tầng lớp trí thức, vào bất cứ thời nào, cũng không phải là sở hữu của một giai tầng thống trị nào mà là thành tựu chung của văn minh nhân loại. Mỗi giai cấp đang lên đều được thừa hưởng các thành tựu đó, và cần biết cách sử dụng và phát huy vai trò của tri thức để gia tăng của cải vật chất và cải thiện đời sống tinh thần của xã hội.
Đáng tiếc là sau thành công của cách mạng vô sản, thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở nhiều nơi, đã sử dụng không tốt, hoặc không triệt để thứ của cải này. Không nói đến thái độ kỳ thị trí thức có ở một phân số tầng lớp lãnh đạo nào đó, kể từ cấp Trung ương đến các địa phương, và trước hết là các địa phương, vì những nguyên nhân khác nhau, như cho rằng chính trị là thống soái, có thể làm thay được tất cả; trí thức là đồng nghĩa với cá nhân chủ nghĩa, là có lợi ích gắn với giai cấp bóc lột nên không đáng tin; trí thức là “cục phân”, quần chúng mới là lực lượng sáng tạo và quyết định, “ba ông thợ da bằng ông Gia Cát”... Cả một thời gian dài tồn tại và đối sánh hai khái niệm “hồng” và “chuyên” (cũng là một dạng chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mao) dẫu trên lý thuyết có bàn bạc thế nào vẫn không thay đổi được trong thực tế cục diện lấy “hồng” làm cơ bản làm đẻ ra bao tình huống hài hước hoặc bi thảm cho nhiều số phận khoa học; hoặc làm nẩy nở thói xấu khiếp nhược và cơ hội trong giới trí thức, bên cạnh sự chuyên quyền vô lối của những người lãnh đạo tự cho mình cái quyền phán quyết tất cả.
Không nói đến chủ nghĩa bình quân, tạo được nhiều phong trào quần chúng, nhưng thật khó mà có nhiều nhân tài; hoặc nếu có nhân tài thì cũng khó mà nhân nhanh lên được.
Nghịch lý khó tin mà lại là sự thật: Chủ nghĩa xã hội được thiết lập ở khu vực các nước có nền kinh tế và văn hoá lạc hậu, hoặc chậm phát triển, đáng lẽ phải gấp rút chăm lo văn hoá, khoa học, kỹ thuật... thế nhưng nhiều chục năm qua lại phải chịu đựng một sự phát triển có phần chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là coi nhẹ vai trò của trí thức.
*Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở thời kỳ đầu cách mạng vô sản, khi đang phải chiến đấu để giành và giữ chính quyền, là một tất yếu của lịch sử. Vì Đảng tập hợp được trí tuệ, và là tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc; vì Đảng có đội ngũ những người ưu tú, giàu tài năng và đức hy sinh. Đảng có trí tuệ nên định được chiến lược, sách lược để lãnh đạo nhân dân làm cách mạng. Nhưng dần dần trong điều kiện Đảng cầm quyền, từng có lúc Đảng đã dần dần xa dân, và do nhiều lý do, Đảng không theo kịp trí tuệ của dân. Nhiều chủ trương sai lầm vì không phát huy được trí tuệ của dân, hoặc không nghe dân. Sự suy thoái hoặc thấp thua về trí tuệ ở nhiều bộ phận trong bộ máy lãnh đạo của Đảng là do chủ nghĩa quan liêu - độc quyền, hoặc do những sai lầm và thiếu sót trong công tác tổ chức và phát triển Đảng: Nặng về xem xét thành phần, lý lịch, mà rất ít hoặc không cần chú ý đến năng lực và tư cách bản thân, hoặc chỉ nhấn mạnh tiêu chuẩn trung thành, chấp hành, nghe theo... Tình hình trên kéo dài, không kịp hoặc ít có sửa chữa, khiến uy tín của Đảng giảm sút, nhân dân mất lòng tin, và chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng...
Do vậy vấn đề đặt ra hôm nay, và không phải chờ đến hôm nay, là Đảng phải luôn luôn tự kiểm tra khả năng lãnh đạo của mình, để tự thanh lọc và thay đổi. Đảng phải được trí thức hoá và trong sạch hoá; có nghĩa là phải luôn luôn trở lại những bài học đặt ra từ cuộc đời hoạt động và tấm gương về nhân cách, đạo đức của Hồ Chí Minh. Trước đã vậy, bây giờ càng vậy. Kiên trì một chủ nghĩa xã hội đích thực vì lợi ích của nhân dân, đất nước vẫn cần và càng cần sự lãnh đạo của một Đảng tiên phong; và như vậy sự lãnh đạo của Đảng phải được cải tiến cho phù hợp với yêu cầu dân chủ, văn minh và nhân đạo là xu thế chung của thời đại.
*Trở lên là câu chuyện Đảng và trí thức, Đảng với việc sử dụng và xây dựng đội ngũ trí thức, xét trên một quá trình dài từ khi giai cấp vô sản bước lên vũ đài chính trị đến khi phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Còn bây giờ, khi đất nước sau hơn ba mươi năm Đổi mới, đang dấn sâu vào thời kỳ Hội nhập và Toàn cầu hoá, của Cách mạng khoa học và Kỷ nguyên thông tin, thời kỳ của nền văn minh trí thức, thời kỳ cái văn hoá trở thành vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Một thời kỳ mà cái nhìn thế giới trong sự chia đôi giữa hai phe, hai hệ thống chính trị, hai giai cấp, hai con đường, hai ý thức hệ, hai lối sống... khiến cho chính trị phải đóng vai trò thống soái, phải có địa vị lãnh đạo, phải đi đến cùng cuộc chiến nhằm xoá bỏ giai cấp, để giành quyền lãnh đạo cho giai cấp vô sản... là không còn thích hợp nữa. Để thay cho tình thế đó, bây giờ là mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ mục tiêu ấy mà nhìn, và trong xu thế hội nhập, thì cấu trúc xã hội hiện đại, bất cứ ở đâu, cũng đều được cấu thành bởi năm bộ phận cư dân (thay vì cách phân chia: Địa chủ (gồm cả phú nông và người có ruộng phát canh) - nông dân (gồm cố - bần - trung nông); tư sản (gồm tư sản dân tộc và tư sản mại bản) - vô sản; và tiểu tư sản là tầng lớp bị kẹt ở giữa; bóc lột - bị bóc lột). Năm bộ phận đó là: Những người hoạt động chính trị (được chọn tuyển rất gay gắt trong toàn cộng đồng); những người quản lý hành chính (được đào tạo ở các Học viện, như Học viện chính trị hành chính Quốc gia ở ta); các doanh nhân sản xuất và lưu thông (do vậy mà cần hợp nhất hai bộ Công Thương); tầng lớp trí thức là người lao động trí óc trên mọi lĩnh vực của khoa học và nghệ thuật; và người lao động chân tay thuộc tất cả các trình độ. Năm bộ phận trong quan hệ tương tác và hợp tác với nhau, không thể thiếu một bộ phận nào; cả năm đều có nhu cầu chuyên sâu để tạo nên một tầng lớp ưu tú được xem là đặc tuyển làm nên gương mặt xã hội.
Hoạt động của hai giới văn nghệ và khoa học làm nên tầng lớp trí thức, là lớp người sản xuất ra các ý tưởng, theo cách nhận dạng của nhà Xã hội học nổi tiếng Pháp Edgar Morin, để từ đó mà có các phát minh (thuộc giới khoa học), và sáng tạo (thuộc giới nghệ thuật), nhằm thúc đẩy thế giới phát triển, với các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hoá- tinh thần không dễ cân đong đo đếm như cách đo các sản phẩm vật chất; nhưng chính nó lại là tác nhân đưa đến các phát minh làm thay đổi thế giới; là tạo nên một sự sống rất gần cận, thiết thực, cụ thể và huyền diệu ở quanh ta - là văn thơ, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, điện ảnh... nếu thiếu nó con người khó tránh trở lại đời sống hoang dã, dẫu cái ăn và cái mặc có thừa thãi đến đâu.
Là trí thức với sản phẩm là các ý tưởng, nên nguyện vọng thiết thân và bức xúc của họ là được nói ra, được công bố, dưới dạng của những sáng chế, phát minh; của sáng tác và biểu diễn; của trước thư và lập ngôn, để đến với công chúng (rộng hoặc hẹp).
Trí thức, vào bất cứ lúc nào, cũng là sự kết tinh những năng lượng tinh thần của con người; trí thức trong thời đại của Văn minh Trí tuệ, của nền Kinh tế Trí thức; của Kỷ nguyên Thông tin; của Cách mạng số 4.0, rồi 5.0 như hôm nay càng hứa hẹn những khả năng chinh phục mới của con người đối với thế giới.
GS. Phong Lê
Tháng 5/2022
GS.Phong Lê
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ve-vai-tro-va-vi-tri-cua-gioi-tri-thuc-trong-su-nghiep-xay-dung-dat-nuoc-hom-nay-a4689.html