Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc... Tại Việt Nam, Tết Đoan ngọ năm nay rơi vào thứ Sáu, ngày 3/6.
Tết Đoan ngọ còn được gọi với cái tên dân dã là ngày “giết sâu bọ", với quan niệm đây là giai đoạn thời tiết nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều. Vào ngày này, người dân trên khắp cả nước lại tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng dâng lên tổ tiên, thần linh với mong muốn cầu cho mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại và cầu sức khỏe, bình an.
Tùy theo quan niệm của từng vùng miền và điều kiện của mỗi gia đình mà các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan ngọ cũng có những sự khác biệt. Với nhiều gia đình miền Bắc, mâm lễ cúng Tết Đoan ngọ thường có đầy đủ các lễ vật gồm: một số loại hoa tươi như hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa hoàng lan; trái cây mùa hè như mận, vải, xoài và cơm rượu nếp như nếp cẩm, nếp cái hoa vàng hay bánh tro, xôi,...
Người miền Bắc có thói quen thắp hương vào buổi sáng, sau đó ăn rượu nếp và các loại quả chua, nóng để diệt sâu bọ. Theo quan niệm dân gian của người Việt, ăn rượu nếp có thể giết sâu bọ vì món này có vị nồng cay giúp loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.
Còn với những gia đình miền Trung, mâm lễ cúng Tết Đoan ngọ không thể thiếu hai món là chè kê và thịt vịt. Sở dĩ, người dân chọn thịt vịt mà không phải thịt lợn, bò hay gà là vì loại thịt này tính hàn, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể.
Riêng món chè được nấu từ hạt kê đã chà vỏ và đậu xanh, khi chín có màu vàng rất hấp dẫn. Người miền Trung thưởng thức món này bằng cách dùng miếng bánh tráng mè nướng xúc vào bát chè thay vì dùng muỗng, thìa. Cách kết hợp này giúp món ăn có hương vị lạ miệng, khó quên. Ngoài ra, họ cũng chuẩn bị tươm tất các lễ vật khác như bánh ú (không nhân), trái cây mùa hè cho mâm cúng ngày mùng 5/5 âm lịch.
Ở miền Nam, vào dịp Tết Đoan ngọ, người dân nơi đây thường chuẩn bị mâm lễ cúng với các món ăn đặc trưng như bánh ú tro, chè trôi nước, xôi gấc,… Ở miền Nam cũng có cơm rượu nhưng được vo thành viên tròn và thêm nước đường vào, ăn giống như xôi chè ở miền Bắc. Ở miền Nam, các gia đình thường chọn mua vải thiều quả đẹp, nhiều lá để trưng trên mâm cúng sẽ đẹp hơn.
Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng quây quần bên mâm cỗ để thưởng thức những món ăn này, cầu mong một năm thuận lợi, bội thu và dồi dào sức khỏe.
T.H
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tim-hieu-mam-co-cung-tet-doan-ngo-ba-mien-a4688.html