Thực trạng này được một số doanh nghiệp dệt may, nhất là ở khu vực phía Nam, nêu tại hội thảo phát triển bền vững ngành dệt may trong bối cảnh Covid-19.
Quay trở lại sản xuất hơn hai tháng nhưng thiếu lao động, chi phí tăng cao, cộng với các biện pháp phòng, chống dịch khiến phải đầu tư nhiều hơn... vẫn là những mối lo chính của các doanh nghiệp.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư và Thương mại Thành Công kể, nhà máy của Thành Công ở miền Tây quy định khi nhân công xét nghiệm test nhanh dương tính thì phải ở lại công ty, đến khi có test PCR khẳng định mới được đưa đi cách ly tập trung. Khoảng thời gian chờ đợi kết quả xác nhận mất 3-5 ngày, nên doanh nghiệp phải xây dựng khu lưu trú tạm thời để chăm sóc cho người lao động. Trong bối cảnh số lượng F0 đang tăng dần, đây là vấn đề khó cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, chi phí logistics cũng tăng rất cao. Trước đây mua nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc mua theo giá CIF (giao hàng tại cảng) thì nay chuyển sang bán theo FOB (giao hàng miễn trách nhiệm của người bán). Với mức chi phí "tăng bằng lần", doanh nghiệp hoàn toàn phải chịu chi phí này, khiến giảm lợi nhuận.
Thực tế, đơn hàng dệt may đã quay trở lại cùng sự phục hồi của nhu cầu thị trường thế giới nhưng doanh nghiệp không dám nhận nhiều vì lo không chủ động được sản xuất. Trường hợp không đảm bảo tiến độ sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải chuyển giao hàng bằng đường hàng không, chi phí sẽ rất lớn.
Ông Tùng lấy ví dụ, nhà máy của Thành Công ở Vĩnh Long chuyên sản xuất cho hãng thể thao Adidas, nhưng cũng không dám nhận nhiều. "Doanh nghiệp không sợ thiếu đơn hàng mà chỉ sợ không đủ lực lượng lao động để sản xuất, trong khi chi phí vận chuyển hàng không rất cao, mà không phải nhãn hàng nào cũng chia sẻ chi phí này", ông Tùng chia sẻ.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cũng cho thấy thực tế này. Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc ERC cho biết, 66,7% nhà mua hàng chấp nhận giao hàng chậm nhưng chỉ 16,7% đồng ý chia sẻ chi phí vận chuyển hàng không với nhà cung ứng quan hệ lâu dài. Các nhà máy làm trung gian rất khó đối thoại với nhà mua hàng để giảm thiểu thiệt hại. Chỉ 1/5 nhà mua hàng chấp nhận đưa một phần chi phí chống dịch vào đơn giá.
Hơn 29% nhà mua hàng cam kết không giảm giá nhưng thực tế chi phí FOB, ODM tăng mạnh nhưng nhà máy không thể tăng giá.
Đại diện một công ty may ở Bắc Giang than thở, nhãn hàng đòi giao hàng gấp để chuẩn bị cho mùa Noel, đơn giá bị khách hàng đòi nhà máy giảm 5-10% do sức mua yếu. "Mình không phải chủ cuộc chơi nên đành chịu", vị này nói.
Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch nhưng điều này không tác động tới chiến lược của các nhà mua hàng trong thời gian tới. Cho tới quý II năm sau, Việt Nam vẫn sẽ là nước sản xuất, cung ứng đơn hàng quan trọng của họ.
Thực tế dễ nhận thấy là các nhà mua hàng có phần e dè hơn trước, khi 50% nhà mua hàng cho biết họ sẽ tăng mua, nhưng 46% lại nói sẽ "xem xét tình hình". Sự dè dặt của các nhà mua hàng khiến đơn hàng vì thế nhỏ đi, giá không tăng trong khi chi phí tăng cao, nhất là chi phí chống dịch khó đưa vào đơn hàng.
Ở chiều ngược lại, bản thân doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước cũng e dè khi nhận đơn hàng trong bối cảnh chi phí tăng cao và thiếu lao động. Doanh nghiệp nào chủ động và kiên trì đối thoại với nhà mua hàng thì giảm được thiệt hại về đơn hàng.
Nhưng kết quả khảo sát của ERC cho thấy tính chủ động trong đàm phán, đối thoại của doanh nghiệp trong nước với đối tác xuất khẩu chưa cao. Chỉ một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nói họ chủ động đối thoại với nhà mua hàng; 63% nói "thỉnh thoảng đối thoại", còn 4% thì không bao giờ làm việc này.
Cũng theo bà Chi, vấn đề phục hồi lao động đang là trở ngại cho phục hồi chuỗi cung ứng. Khảo sát của ERC thực hiện vào tháng 11 cho thấy, tỷ lệ lao động quay trở lại sản xuất sau dịch với các nhà máy ở các tỉnh phía Nam là 75-80%. Nhưng sau một tháng tới 66% người lao động không nhận được lương từ doanh nghiệp; 63,8% được thông báo về lương ngừng việc.
Với những doanh nghiệp có trả lương và hỗ trợ người lao động trong giãn cách đã giúp phục hồi trên 80% người lao động trong hơn một tháng; còn với doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc không hỗ trợ, tỷ lệ người lao động ngừng việc lên tới 25-50%.
Theo bà Chi, các quy định phòng, chống dịch không phải là trở ngại lớn nhất khiến nhà mua hàng băn khoăn về việc đặt hàng, mà việc công ty có duy trì đối thoại với người lao động để duy trì lực lượng đảm bảo sản xuất hay không mới là vấn đề quan trọng.
"Doanh nghiệp cần chú trọng đến đối thoại với người lao động, hỗ trợ khi khó khăn để nhanh chóng phục hồi lao động, tìm cách sống chung với dịch. Đồng thời, cần xem xét lại các cản trở hoạt động doanh nghiệp trong duy trì sản xuất, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, giải quyết những áp lực kinh tế cho các nhà máy và công nhân bị F0", bà khuyến cáo.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/don-hang-nhieu-nhung-doanh-nghiep-det-may-khong-dam-nhan-a459.html