Khẳng định ý nghĩa quan trọng của giám sát và phản biện xã hội

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

85da4c14-3e87-4270-b3aa-1818f4f-1653452449881-1653469455.jpeg
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Vinh Diệp)

Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2013-2021, làm cơ sở xây dựng đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, 

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách, là hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và kể cả một số cán bộ trực tiếp làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất, chưa đúng bản chất của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đôi khi, chưa phân biệt được về chủ thể, nội dung, tính chất giữa giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và mối liên hệ mật thiết giữa việc triển khai tốt công tác giám sát, phản biện xã hội đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị mình...

68294def-e153-47e4-be01-a188718-1653452593051-1653469518.jpeg
Các đại biểu chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Vinh Diệp)

Từ thực tế triển khai, các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng đưa ra ý kiến nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, nâng cao lực, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chủ động, chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức, chính quyền xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; đồng thời tập trung giám sát, phản biện xã hội những chính sách pháp luật liên quan quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; liên quan quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các chương trình, dự án, đề án về kinh tế, xã hội của địa phương...

Đặc biệt trong quá trình hoạt động giám sát, Mặt trận các cấp phải huy động sự tham gia của nhân dân, đoàn viên, hội viên, phóng viên của các cơ quan truyền thông nhà nước, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát. Để làm được điều này cần kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, am hiểu nhiều lĩnh vực công tác; năng lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá vấn đề; kỹ năng thực hành công tác giám sát và phản biện xã hội...

Có đại biểu đề nghị, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần xác định các chương trình triển khai sao cho vừa sức, không dàn trải, lấy chất lượng làm chính. Theo đó, ở cấp Trung ương mỗi năm chỉ triển khi 2-3 chương trình giám sát; cấp tỉnh triển khai 1-2 chương trình/năm; cấp huyện: 1 chương trình/năm; cấp xã: tập trung hướng dẫn chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát. Phạm vi giám sát cũng chỉ nên tập trung vào các chương trình, dự án, đề án được đầu tư xây dựng trực tiếp tại cộng đồng, liên quan trực tiếp đời sống nhân dân ở cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãng đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó, cấp ủy các cấp cần có quy định cụ thể về quy chế làm việc giữa cấp ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về công tác giám sát, phản biện xã hội; có Nghị quyết về công tác lãnh đạo chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp thu và thực hiện các kiến nghị giám sát của mặt trận; cần thiết cụ thể hóa bằng việc xây dựng Luật Giám sát, phản biện xã hội.

Có ý kiến đề xuất, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, đề xuất sớm ban hành Luật về hoạt động giám sát của nhân dân, trong đó có quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì hiện nay các văn bản của Đảng, Nhà nước phần lớn chỉ quy định chung về phạm vi, đối tượng, phương pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, còn thiếu các quy định cụ thể về cách thức tổ chức thực hiện các hình thức giám sát và phản biện dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là việc giám sát tổ chức đảng và người đứng đầu, cũng như xác định dự thảo văn bản cần phản biện xã hội và trách nhiệm của các bên trong phản biện các dự thảo văn bản...

Song Linh

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khang-dinh-y-nghia-quan-trong-cua-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-a4500.html