Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 15/12 cho rằng, cần kết nối giá trị từ nền tảng chính sách đến các câu chuyện của doanh nghiệp (DN) để thúc đẩy nỗ lực đổi mới sáng tạo, vượt qua thách thức đại dịch và tiếp tục phát triển.
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển.
Các DN Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Trên bình diện doanh nghiệp, năm 2021 cũng là năm ghi nhận số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, rời khỏi thương trường tăng cao kỷ lục: khoảng 150.000 doanh nghiệp. Thực tế này đặt lên vai mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp có trách nhiệm một câu hỏi lớn: Làm cách nào để vượt qua thách thức đại dịch và góp sức thực thi các mục tiêu dài hạn mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta ngày càng nhận thấy rằng, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho khát vọng phát triển dài hạn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý đã chia sẻ quan điểm, chủ thể chính thực hiện đổi mới sáng tạo chính là cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tạo ra việc làm và tạo ra tăng trưởng. Với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo chính là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn.
Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ rất nhanh. "Trong bối cảnh này, đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu. Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu", ông Huy nói.
Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch HĐTV Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết, Quỹ mong muốn hỗ trợ tài chính cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị. Mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Tối đa không quá 07 năm.
Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Nhằm đảm bảo định hướng chung trong công tác hỗ trợ, Bộ cũng đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong DN, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
VOV
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/doi-moi-sang-tao-la-chia-khoa-giup-doanh-nghiep-phat-trien-dai-han-a448.html