“Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng công nghiệp 4.0, cần một nền giáo dục 4.0”

Đây là quan điểm được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn nêu lên trong bài phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”, được tổ chức ngày 6/12.

Diễn đàn lần này có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Từ góc độ lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch cả ở tầm vĩ mô dài hạn và ngắn hạn đều cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

hoi-nghi-bo-gddt-40-1639631573.jpg
Quang cảnh phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 

Trong đó, việc phát triển con người là gốc rễ. Có con người phát triển nhân cách tốt, phẩm chất tốt thì mới có nhân lực tốt. Phát triển con người nhưng vẫn phải bảo đảm các năng lực, kĩ năng mà đất nước cần ở từng giai đoạn và đòi hỏi ở những thời điểm cụ thể. Làm được như vậy thì phát triển con người mới được thực hiện một cách bền vững.

“Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Nếu nền giáo dục không đạt được trình độ như vậy thì khó kỳ vọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không được toàn thể cho hệ thống giáo dục, đào tạo, thì cũng cần phải đạt đến trình độ đó ở những khâu quan trọng, đặc biệt là ở giáo dục đại học”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thách thức đối với giáo dục và đào tạo rất lớn, bởi vừa phải củng cố những yếu tố mang tính nền tảng, tối thiểu, vừa phải thực hiện hiện đại hóa toàn bộ nền giáo dục và chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. Trong chuyển đổi số, các khâu, yếu tố như con người, thể chế, tư duy là cực kì quan trọng và mang tính quyết định; nhưng tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy cơ sở vật chất đang là khâu cần phải ưu tiên trước tiên.

Nêu quan điểm này, Bộ trưởng đồng thời chia sẻ một số công việc ngành Giáo dục sẽ ưu tiên thực hiện trong năm 2022. Đó là, thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ, kĩ thuật, đặc biệt là nhóm đào tạo về IT và AI, để bảo đảm cả về số lượng, chất lượng.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kĩ thuật và công nghệ. Cần tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp với các trường đại học.

bo-truong-nguyen-kim-son-1639631625.jpg
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Diễn đàn.

“Trước mắt, ngành Giáo dục triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kĩ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là một giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Cần phải hỗ trợ kịp thời cho hơn 70.000 sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh và tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học đào tạo quay trở lại được bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho năm 2022, 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 là sự kiện được tổ chức hàng năm do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức. Năm 2021, Diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”.

Với chuỗi 10 phiên Hội thảo chuyên đề (diễn ra từ ngày 9/11-18/11/2021) tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn như: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số…

Phiên toàn thể tổ chức ngày 6/12, tập trung vào các báo cáo chính gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19; Công nghiệp 4.0: xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid -19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số và chia sẻ kinh nghiệm thành công của Bang Utah trong vấn đề phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/muon-dao-tao-nhan-luc-dap-ung-cong-nghiep-40-can-mot-nen-giao-duc-40-a443.html