Thừa Thiên - Huế vinh dự là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước trong khoảng thời gian 10 năm với hai giai đoạn 1895 - 1901 và 1906 - 1909. Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Thừa Thiên - Huế là tình yêu thương bao la cùng hệ thống di tích lưu niệm vô cùng quý giá đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Địa phương luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Người để lan tỏa và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Dấu ấn của Người trên đất Cố đô
Nếu như Nghệ An là quê hương - nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thì Cố đô Huế được xem là quê hương thứ hai - nơi in đậm dấu ấn về thời niên thiếu của Người. Nơi đây đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch, để từ đó Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Năm 1895, rời Làng sen xứ Nghệ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Bác Hồ) theo gia đình vào Huế để cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia kỳ thi Hội. Vào đây, gia đình Nguyễn Sinh Cung thuê được một gian nhà nhỏ tại đường Đông Ba, nay là nhà số 158, đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế.
Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ, nay thuộc xã Phú Dương, thành phố Huế. Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình và cũng để ông Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện dạy cho hai con đã đến tuổi học chữ. Ở đây, ông Nguyễn Sinh Sắc được gia đình ông Nguyễn Sĩ Độ giao cho ngôi nhà tranh làm chỗ ở, đồng thời cũng là nơi mở lớp dạy học. Tại ngôi nhà này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học chữ Hán đầu tiên.
Hai năm theo học cùng cha tại đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành học trò thông minh xuất sắc của lớp. Những kiến thức mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung tiếp thu được trong thời gian này là nền móng vững vàng cho sự phát triển về học vấn sau này.
Kỳ thi Hội khoa Tân Sửu 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng. Tháng 5/1906, ông vào Kinh nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ, là thuộc quan của triều đình. Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm lại theo cha vào Huế sinh sống và học tập từ năm 1906 - 1909. Trong giai đoạn này, Nguyễn Sinh Cung học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và là một trong 10 học trò giỏi nhất của Trường được thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại Trường Quốc học Huế, niên khóa 1908- 1909.
Những năm tháng chàng trai Nguyễn Tất Thành học tại Trường Quốc học Huế đã giúp nhận thấy rõ hơn sự mục nát của chế độ phong kiến nhà Nguyễn; hiểu rõ bản chất của bọn thực dân Pháp ẩn nấp dưới mỹ từ "khai hóa thuộc địa" và nuôi dưỡng khát khao muốn đi tìm đường cứu nước. Cũng trong thời gian này, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân Thừa Thiên - Huế trước Tòa Khâm sứ Trung kỳ vào năm 1908. Sau khi rời mái Trường Quốc Học Huế, Nguyễn Tất Thành đã vào Nam, rồi sang phương Tây tìm đường cứu dân, cứu nước năm 1911.
Tại Thừa Thiên - Huế còn nhiều địa điểm ghi dấu ấn của Người như: Tòa Khâm sứ Trung kỳ, di tích Tam Tầng, di tích Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Am Bà, Bến Đá, địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan…
Niềm tự hào của Trường Quốc học Huế
Những ngày tháng 5 lịch sử, hòa chung không khí với đồng bào cả nước hướng về kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy và trò Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học tích cực thi đua, tổ chức hội trại "Thanh niên làm theo lời Bác" nhằm giáo dục truyền thống và cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người.
Trường Quốc học Huế (nay là Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học) luôn tự hào đã góp phần bồi đắp nên một nhân cách lớn, một bản lĩnh lớn, một lãnh tụ thiên tài cho dân tộc. Nhà lưu niệm về Bác Hồ và truyền thống của trường và bức tượng cậu học trò Nguyễn Tất Thành giữa sân trường là những biểu tượng nhắc nhở các thế hệ học sinh nâng cao tinh thần hiếu học, nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng.
Thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học cho biết, Quốc Học Huế là một trong bốn di tích đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nhà trường đang nỗ lực triển khai kế hoạch xây dựng trường trở thành điểm đến trong các hành trình du lịch của du khách đến với Huế. Mỗi học sinh của trường sẽ là một hướng dẫn viên du lịch với mục tiêu khắc sâu thêm truyền thống, cuộc đời cách mạng và tư tưởng của Bác Hồ đối với mỗi học sinh và lan tỏa những giá trị tư tưởng đó đến với du khách.
Những ngày này, tại các điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đông đảo khu khách và người dân đã đến tham quan, dâng hương và báo công. Dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về kỷ niệm ngày sinh nhật Bác như Triển lãm "Những tấm gương điển hình mà cao quý". Đây là điểm đến được nhiều trường học lựa chọn trong dịp này để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Những di tích ghi đậm dấu ấn của Người trên đất Cố đô đã trở thành những di sản quý giá, làm giàu thêm truyền thống lịch sử, văn hóa đáng tự hào của người dân xứ Huế.
Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 20 di tích và điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2021, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế (gồm 4 di tích) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm: Nhà lưu niệm Bác Hồ (ở đường Mai Thúc Loan), Trường Quốc học, Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở làng Dương Nỗ) và đình làng Dương Nỗ (tại thành phố Huế).
Nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trân trọng gìn giữ, trùng tu, tôn tạo.
Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế, hàng năm có khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng và các điểm di tích nơi Bác và gia đình từng sinh sống tại Huế. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, khoảng 75.000 lượt khách đã đến tham quan những địa điểm này.
TTXVN
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/theo-dau-chan-thuo-nien-thieu-cua-bac-ho-tren-dat-co-do-a4356.html