Chọn làm giờ hành chính
Dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chị Nguyễn Thị Thắm (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) vẫn quyết định chọn công việc chỉ làm giờ hành chính. “Nhiều công nhân khác thường tăng ca, thời gian làm việc đến 12 giờ/ngày hoặc làm cả chủ nhật, nhưng đặc thù vị trí công việc của tôi là làm giờ hành chính, không tăng ca. Tôi có thể xin sang vị trí công việc khác có tăng ca, nhưng tôi không muốn”- chị Thắm cho biết.
Lý do chị Thắm không muốn tăng ca là bởi muốn có thời gian chăm sóc các con. Chị Thắm có 2 con (14 tuổi và 7 tuổi). Sau khi ly hôn chồng cách đây 3 năm, chị Thắm ở cùng mẹ ruột. Không thể “phó thác” hoàn toàn các con cho bố mẹ, nên mặc dù rất muốn tăng ca, có thêm thu nhập, chị đành phải chọn làm giờ hành chính, có thời gian chăm các con. Nhiều bạn bè của chị thường xuyên tăng ca nên không có thời gian chăm sóc con; có người phải gửi con về quê.
Làm hành chính, nên thu nhập của nữ công nhân 36 tuổi này chỉ được 6 triệu đồng/tháng; trong khi đối với những công nhân tăng ca, mức thu nhập này có thể lên tới hơn 10 triệu đồng/tháng. Nữ công nhân đã có 10 năm gắn bó với nhà xưởng này cho biết, với thu nhập ít ỏi trên, hàng tháng, chị gửi ông bà 3 triệu đồng để mua đồ ăn cho cả gia đình. Chị bỏ tiền mua những khoản chi lặt vặt khác như mì chính, nước mắm, giấy vệ sinh… hết khoảng 1 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn phải trả nợ, trả tiền học thêm ở trường của con lớn 1 triệu đồng. “Số tiền lương còn lại chỉ đủ 3 mẹ con ăn sáng, đi lại…” - chị Thắm cho hay.
Thi thoảng kẹt tiền, chị Thắm đành phải vay mượn bạn bè, khi nào có lương thì trả. “Tôi phải vay nhiều nhất là khi con đau ốm, khoảng 3-4 triệu đồng; còn nếu vay chi tiêu thì chỉ 1 triệu đồng trở xuống” – chị Thắm nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những trường hợp chủ động không làm thêm như chị Thắm không phải là ít. Họ có điểm chung là đều đã có nhà ở ổn định (mặc dù có thể chỉ là ở nhà của bố mẹ), không phải thuê trọ như những công nhân ngoại tỉnh khác.
Chị Nguyễn Thị T (cũng trú tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh) có điều kiện kinh tế tốt hơn chị Thắm. Chị T đã có nhà riêng. Không phải quá áp lực về tiền bạc, chị T chọn phương án không làm thêm để có thời gian nhiều hơn cho gia đình, chăm sóc các con tốt hơn.
“Nếu nhiều việc, công ty tổ chức cho làm thêm. Công ty nơi tôi làm việc là một doanh nghiệp thực hiện các quy định của luật lao động rất nghiêm túc. Nếu công nhân muốn làm thì đăng ký, không thì thôi, không bắt buộc”- chị T nói.
Mặc dù biết làm thêm ngày nghỉ sẽ được hưởng lương gấp đôi, chị T vẫn không đăng ký. Những ngày nghỉ, chị muốn được gần gũi các con, bảo ban các con học tập.
Áp lực chăm sóc con của công nhân lao động
Theo Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch), đối với hộ gia đình công nhân có con dưới 6 tuổi, có 24,4% gửi con ở nhà trẻ, mẫu giáo công lập của nhà nước, 2,1% người gửi con ở nhà trẻ của doanh nghiệp hoặc công đoàn quản lý (Đồng Nai), 21,8% gửi con ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân, 40,2% gửi con về quê cho ông bà, người thân trông nom, 1,4% nhờ người giúp việc, còn lại là do công nhân lao động tự sắp xếp vợ, chồng hoặc con lớn trông trẻ.
Ngoài ra, nhiều trường hợp công nhân lao động phải gửi trẻ về quê cho ông bà trông nom nên việc gần con, chăm con là rất hạn chế. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm mẹ con, các em bé thiệt thòi vì không có bàn tay cha mẹ chăm sóc. Một số trường hợp gửi con ở các nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân với chi phí cao hơn nhà trẻ công lập và cơ sở vật chất, chất lượng chăm trẻ còn nhiều vấn đề đáng phải quan tâm.
Bên cạnh đó, cha mẹ thường phải đi làm; nhiều doanh nghiệp yêu cầu làm tăng ca dẫn đến cha mẹ ít có thời gian quan tâm chăm sóc, vui chơi cùng con cái. Từ đó, các mối quan hệ trong gia đình thiếu bền chặt, con cái bị thiệt thòi. Ngoài ra, người lao động ít có thời gian rảnh rỗi, nên đời sống văn hóa, tinh thần hoạt động luyện tập thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ hạn chế…
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cong-nhan-hy-sinh-tang-ca-lam-them-de-co-thoi-gian-cham-soc-con-a429.html