Gian nan 'cuộc chiến' trên mạng xã hội

Trong hành trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh  Quảng Bình đã lập nhiều thành tích trên các lĩnh vực công tác theo chức năng nhiệm vụ nhưng vẫn mãi không thể quên những năm đầu “cuộc chiến” trên mạng xã hội.  

Cùng với lực lượng An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB) cả nước, lực lượng ANCTNB Công an tỉnh Quảng Bình kỷ niệm ngày truyền thống của mình (10/5/1958 - 10/5/2022). Trong hành trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng ANCTNB Công an tỉnh  Quảng Bình đã lập nhiều thành tích trên các lĩnh vực công tác theo chức năng nhiệm vụ nhưng vẫn mãi không thể quên những năm đầu “cuộc chiến” trên mạng xã hội.  

nlntv-1652432054.jpg
Phòng An ninh chính trị nội bộ, công an tỉnh làm việc với đối tượng đăng tải thông tin thất thiệt trên mạng xã hội

Theo một số tài liệu, mạng xã hội xuất hiện ở nước ta từ đầu những năm 2000, sau đó nó đã phát triển với tốc độ nhanh, trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Đến nay, mạng xã hội đã thông dụng và phổ biến với đa phần người dân Việt Nam (theo thống kê của cơ quan chuyên môn có khoảng 65 triệu tài khoản). Tuy nhiên, đi liền với xu thế tất yếu thì đây cũng là “mãnh đất” để các loại đối tượng (cả trong nước và ngoài nước) lợi dụng hoạt động: tung tin bịa đặt, tin đồn thất thiệt, xuyên tạc, bóp méo sự thật gây hoang mang dư luận, tạo ngờ hoặc thiệt giả, làm giảm sút lòng tin đối với Đảng, Nhà nước; lừa đảo; hoạt động thù địch...

Từ ngày có mạng xã hội đến nay Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm coi trọng công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các loại đối tượng, ban hành nhiều quy định trên lĩnh vực này (Nghị định số 72/2013NĐ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-TW năm 2018, Luật An ninh mạng...), xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngay khi có mạng xã hội, cũng như một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các loại đối tượng ở Quảng Bình cũng không bỏ lỡ cơ hội, khai thác, đăng tải các  thông tin xấu độc, thù địch... nhất là khi có các sự kiện chính trị (Đại hội, bầu cử, biến động nhân sự...) hoặc xảy ra các sự kiện thiên nhiên, xã hội bất thường (mưa lũ, tụ tập đông người, hiện tượng lạ trong tự nhiên...)

Đến nay, công tác phòng ngừa, đấu tranh, phản bác, bóc gỡ, ngăn chặn thông tin xấu độc đã có những bước tiến quan trọng. Các cấp, các ngành (Tuyên giáo, Báo chí, Công an, Thông tin truyền thông...) ngày càng vào cuộc toàn diện, mạnh mẽ. Bộ Công an đã hình thành lực lượng trực tiếp, chuyên sâu từ Trung ương đến địa phương. Kiến thức, trình độ, kinh nghiệm của lực lượng chuyên trách; các quy định của pháp luật, trang thiết bị phục vụ công tác... được nâng cao, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

Những năm đầu mới có mạng xã hội (thập niên 2000, 2010) chỉ ở Bộ Công an có lực lượng chuyên sâu đấu tranh, phản bác hoạt động thù địch, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc... còn địa phương (cấp tỉnh) giao cho lực lượng ANCTNB chủ trì. Nhiệm vụ mới, công việc mới, bên cạnh những thuận lợi (sự quan tâm của Lãnh đạo Công an tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ của các ban ngành, các chuyên gia...) cũng đứng trước nhiều khó khăn, thực sự là lĩnh vực đầy gian nan đối với lực lượng ANCTNB Công an tỉnh Quảng Bình. Hiểu biết, kinh nghiệm hạn chế (cả đơn vị mới có vài cán bộ trẻ biết thao tác, tham gia mạng còn đa phần từ chỉ huy đến CBCS còn khá xa lạ); trang thiết bị phục vụ công tác cũng không đáng kể (1-2 máy tính có cấu hình thấp, một vài trinh sát có điện thoại kết nối interet...). Trong khi đối tượng hiểu biết sâu, thành thạo thao tác mạng, mánh khóe, ma mãnh trong hoạt động...

Có thể nói, đấu tranh với hoạt động của các loại đối tượng nói chung vốn đã khó, đấu tranh với đối tượng hoạt động trên môi trường mạng còn khó khăn hơn, có khi có lúc những tưởng “lực bất tòng tâm”. Mỗi lần tin báo hoặc trực tiếp phát hiện vụ việc, là cả chỉ huy và trinh sát đều bộc lộ tâm trạng lo lắng, nhiều khi dồn hết tâm trí, lực lượng, thời gian, công sức mà hiệu quả cũng chưa đâu vào đâu. Công tác đấu tranh phản bác thì loay hoay mãi mới tìm được một vài thông tin tài khoản, khi xác định được tài khoản, viết được bài phản bác rồi thì lại rất khó khăn để chia sẽ lên mạng xã hội, khó tiếp cận được tài khoản đối tượng... Việc ngăn chặn, bóc gỡ thông tin xấu độc còn khó khăn hơn, có tin báo, phát hiện, xác định được tài khoản đăng tải nhưng thu thập, xác minh thông tin từ tài khoản ảo đến thực tế là cả một hành trình đầy gian nan...

Vào khoảng các năm 2014 - 2016, trong lúc đang triển khai công tác đảm bảo ANTT trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp... trên các trang mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các thông tin liên quan đến Quảng Bình gây xôn xao dư luận, trong đó có những thông tin gây tác động ảnh hưởng nghiêm trọng:  Năm 2014, tài khoản X đăng tải hình ảnh hai chiếc xe ô tô dừng giữa đường, kèm theo nội dung mô tả một vụ án mạng rùng rợn về kẻ thủ ác dùng súng bắn chết 2 người rồi trốn chạy khỏi hiện trường; năm 2016, khi ngư dân được mùa cá bẹ xước, tài khoản H đăng tải hình ảnh kèm lời bình “cá nhiễm độc...”.

Ngay khi thông tin xuất hiện trên mạng xã hội, dư luận vô cùng hoang mang, bất an về tình hình ANTT, tiêu thụ hải sản... Lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh liên tục chỉ đạo xác minh làm rõ, đơn vị quyết liệt vào cuộc nhưng việc tìm chủ tài khoản, thu thập tài liệu chứng minh hoạt động của đối tượng là không phải dễ... Phần vì mạng xã hội lúc đó chưa phổ biến, liên kết tài khoản chưa nhiều, phần vì đối tượng sử dụng tài khoản ảo, nhóm nhỏ, che dấu danh phận...  Vụ tài khoản X, huy động lực lượng, không quản ngày hay đêm, xa hay gần, xác minh từng tình tiết liên quan, kể cả tình tiết chưa khả dĩ, xác định được chủ tài khoản nhưng đối tượng không dễ dàng thừa nhận...

“Cái khó ló cái khôn”, được sự chỉ đạo, động viên của Lãnh đạo Công an tỉnh, đơn vị với tâm thế, càng khó càng quyết tâm, vừa làm vừa học, quyết liệt xác minh, kiên trì thu thập tài liệu... chỉ sau một thời gian ngắn đã buộc đối tượng thừa nhận sai phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vụ xác minh, làm rõ và xử lý chủ tài khoản X là vụ việc nổi bật mà lực lượng ANCTNB Công an tỉnh Quảng Bình thực hiện thành công, và là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện, được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời điểm đó.

Phát huy kết quả đạt được, đúc rút kinh nghiệm, từ đó đến nay, lực lượng ANCTNB Công an tỉnh Quảng Bình là một trong những lực lượng từng bước chiếm lĩnh khoa học công nghệ, ngày càng vững vàng trên lĩnh vực này. Năm nào cũng góp một phần đáng kể trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, ngăn chặn, bóc gỡ, xử lý nhiều thông tin xấu độc. Theo số liệu ngành Thông tin - Truyền thông, chỉ tính riêng năm 2021, các lực lượng chức năng Công An Quảng Bình, trong đó có lực lượng ANCTNB đã phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật 09 đối tượng, gở bỏ 50 lượt thông tin thiếu chính xác khác trên mạng xã hội... (Báo Quảng Bình điện tử số ra ngày 17/01/2022).

Trong bối cảnh tình hình thế giới cũng như trong nước có những diễn biến phức tạp, chăc chắn các loại đối tượng sẽ gia tăng lợi dụng mạng xã hội để hoạt động trên nhiều phương diện, với nhiều thủ đoạn tinh vi, cường độ, mật độ dày đặc hơn... Công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các loại đối tượng trên mạng xã hội sẽ tiếp tục đứng trước vô vàn thử thách. Lực lượng ANCTNB Công an tỉnh Quảng Bình mặc dù đã được nâng tầm kiến thức, kinh nghiệm, trang thiết bị, phương tiện... nhưng cũng sẽ không tránh khỏi những khó khăn, phức tạp mới. Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm của quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong mấy chục năm qua, nhất là kinh nghiệm đấu tranh phản bác các hoạt động thù địch, ngăn chặn, bóc gỡ thông tin xấu độc những năm gần đây, chắc chắn lực lượng ANCTNB Công an tỉnh Quảng Bình sẽ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

HOÀNG TRINH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/gian-nancuoc-chien-tren-mang-xa-hoi-a4226.html