Dạy tiếng Anh cho nhân lực ngành nông nghiệp có gì khác biệt?

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh.

Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia "Đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh trong các trường đại học, cao đẳng" với mục tiêu trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh, phương pháp dạy và học tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 cũng như quá trình chuyển đổi số nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam,  cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông nghiệp; đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước.

Những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày càng phát triển, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất, quá  trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu ngoại ngữ rất lớn.

z3012241461652acf0aee396f45b768005737fcabb6698-16392245913322140400761-1639446641.jpg
Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia "Đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh trong các trường đại học, cao đẳng". PGS.TS Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và TS. Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Sư phạm và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì hội thảo.

"Với sứ mạng đó, Học viện đã đào tạo đa ngành, đa bậc học với 55 ngành đào tạo đại học, 22 ngành đào tạo thạc sỹ, 18 ngành đào tạo tiến sỹ. Các ngành đào tạo của Học viện rất đa dạng không chỉ có các ngành truyền thống như Nông học, Thủy sản, Chăn nuôi - thú y, Tài nguyên môi trường mà còn đào tạo các ngành Kinh doanh, Kinh tế, Quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Sư phạm Công nghệ, Khoa học xã hội... Đặc biệt, Học viện có 5 chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh và đào tạo cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh. Nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp" - PGS.TS Phạm Bảo Dương nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Sư phạm và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực ngoại ngữ, từ khoá 62 khoa đã đào tạo cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh.

Việc mở ngành đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Anh từ khoá 62 là một bước phát triển mới của khoa; giúp cán bộ viên chức, giảng viên có điều kiện và động lực mới để nỗ lực cố gắng hơn trong việc nâng cao năng lực chuyên môn. Năm 2021, khoá sinh viên đầu tiên của ngành Ngôn ngữ Anh đã tốt nghiệp.

"Thông qua hội thảo, tôi đề nghị các thầy cô, giảng viên, sinh viên của khoa tiếp thu nghiêm túc để không ngừng nâng cao năng lực tiếng Anh của giảng viên, góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo; Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn học cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh" - TS Nguyễn Tất Thắng nói. 

Được biết, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 28 bài báo tham luận của các nhà khoa học, giảng viên từ 12 học viện, trường đại học, cao đẳng. 

"Trong bối cảnh Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm, thúc đẩy việc đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ nói chung và ngôn ngữ Anh nói riêng cho cán bộ viên chức và người học của Học viện, hy vọng hội thảo sẽ kết nối các nhà khoa học, các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, kết nối các nguồn lực để hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh hiệu quả hơn nữa ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước" - PGS.TS Phạm Bảo Dương nhấn mạnh.

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/day-tieng-anh-cho-nhan-luc-nganh-nong-nghiep-co-gi-khac-biet-a413.html