Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông quý II/2022 mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nhận định, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn trên đường cao tốc thời gian qua là do kỹ năng lái xe còn yếu.
Theo dẫn chứng của Cục Cảnh sát giao thông, trong quý I vừa qua, trên các tuyến cao tốc đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, làm 7 người chết, 19 người bị thương, số người chết tăng so cùng kỳ năm 2021.
Qua các vụ tai nạn trên, nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như ý thức của người tham gia giao thông, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc còn yếu; phương tiện gặp sự cố,... Cục Cảnh sát giao thông sẽ thường xuyên rà soát điểm đen tai nạn trên cao tốc, trên cơ sở đó kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xử lý, hạn chế xảy ra các vụ tai nạn.
Cục cũng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo; phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông và ngành y tế quản lý lái xe, kiểm tra kỹ hồ sơ học lái, giấy khám sức khỏe để phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng chất ma túy, mắc bệnh tâm thần,... không đủ điều kiện để thu hồi giấy phép lái xe.
Theo Vụ trưởng Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống, kiến nghị đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo của Cục Cảnh sát giao thông khó thực hiện bởi chưa nước nào có trung tâm đào tạo lái xe đầu tư hẳn một đoạn đường cao tốc cho học viên vào học trong sa hình.
Hiện nay, giáo trình đào tạo lái xe có hẳn một chương về lái xe trên đường cao tốc, trong đó đề cập rõ việc người lái vào, ra phải xử lý như thế nào; quy định về chuyển làn, biển báo chỉ dẫn, dừng đỗ xe, xử lý các tình huống trên đường cao tốc. Các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe hay giáo viên sẽ cho học viên học lái luyện tập ở đường đô thị, quốc lộ có mật độ giao thông hỗn hợp. Nếu xử lý được các tình huống này, lái xe trên đường cao tốc có thể xử lý tốt khi lái trên đường cao tốc do đường cao tốc chỉ quy định tốc độ lưu thông, biển báo chỉ dẫn và các nút giao ra, vào đường.
Thời gian tới, ngoài giáo trình về nội dung này, sẽ trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe-cabin học lái xe cũng có hướng dẫn học lái xe trên đường cao tốc. “Với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông”, ông Thống nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng, đề xuất này chưa hợp lý, thiếu cơ sở về mặt thực tiễn bởi trên các tuyến cao tốc hiện nay, đều quy định tốc độ khác nhau ở mỗi làn xe, có làn quy định tốc độ 100 km/giờ, có làn quy định thấp hơn. Quan trọng đối với lái xe là hiểu biết về luật giao thông và kỹ năng xử lý tình huống khi lưu thông. Lái xe đã học đầy đủ chương trình và trải qua sát hạch thực tế để được cấp bằng. Theo quy định của pháp luật, họ được phép lưu thông trên các tuyến đường, không bị hạn chế chạy trên đường thông thường hay đường cao tốc.
Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô-tô Đức Thịnh, một trong những trung tâm sát hạch lái xe lớn của Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan quản lý chức năng kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra nên tỷ lệ học viên vượt qua sát hạch đã bảo đảm tính chính xác, khách quan.
Đối với đề xuất đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, ông Hải cho rằng, trong bộ đề 600 câu hỏi thi lý thuyết lái xe, đã có nội dung về đường cao tốc gồm hệ thống biển báo chỉ dẫn; quy định lái xe vào, ra nút giao, khoảng cách phương tiện, tốc độ,… và lái xe phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xử lý các tình huống khi lưu thông trên đường cao tốc. Nếu đưa nội dung này vào chương trình đào tạo, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải bỏ ra kinh phí lớn đầu tư tuyến đường cao tốc tiêu chuẩn dài 3-5 km, trong khi tại cơ sở đào tạo, không ai dám cho học viên lái xe với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho học viên và người dạy.
“Hơn nữa, thực tế hiện nay, nhiều địa phương cũng chưa có tuyến đường cao tốc chạy qua. Một số quốc gia trên thế giới cũng không đưa vào chương trình đào tạo, sát hạch bài lái xe trên đường cao tốc”, ông Hải dẫn chứng.
Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Phó Giám đốc một trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe ở Vĩnh Phúc cũng đồng tình ý kiến nêu trên và cho rằng chưa nên áp dụng nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, sau khi học viên hoàn thành sát hạch, lấy bằng và tham gia giao thông sẽ tự chủ động bổ túc tay lái cho nội dung này. Nếu đưa vào áp dụng, bản thân cơ quan quản lý Nhà nước phải đầu tư đường cao tốc để các trung tâm đào tạo cho học viên học, còn nếu yêu cầu cơ sở đào tạo tự đầu tư đường cao tốc sẽ rất khó vì cần vốn lớn, đồng thời quỹ đất của các trung tâm không cho phép.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, trong quá trình quản lý xã hội, việc các cá nhân suy nghĩ, nghiên cứu, đưa ra giải pháp, sáng kiến để bảo đảm an toàn giao thông là cần thiết. Thực tế đã có nhiều giải pháp, phương pháp mới đưa ra thật sự có hiệu quả, góp phần tích cực giảm thiệt hại về sinh mạng và tài sản do các vụ tai nạn giao thông gây ra; ngăn chặn những tình huống nguy hiểm đối với người lái xe,... Tuy nhiên, đề xuất đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe thì chưa thật sự hợp lý và không cần thiết.
LƯƠNG TUẤN HÙNG
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/kho-kha-thi-viec-sat-hach-noi-dung-lai-xe-tren-duong-cao-toc-a4094.html