Quần jean Brazil có giá 5 USD, cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Hàng hóa Brazil - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ có mức giá rất cạnh tranh. Nhiều mặt hàng có mức giá rất thấp, chẳng hạn quần jean chỉ có giá 5 USD, là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối và hợp tác kinh doanh.

Thị trường tiềm năng

Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang Brazil do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trực tiếp tại An Giang sáng 6/5, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu khẳng định, Brazil là thị trường tiêu thụ lớn nhất khu vực Nam Mỹ với quy mô dân số lên đến 200 triệu người. Trung bình mỗi năm, Brazil nhập khẩu hơn 236 tỷ USD hàng hóa; trong đó có 30% hàng hóa đến từ khu vực Châu Á.

Hiện Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa 2 nước vẫn còn khiêm tốn, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ chiếm 1,4 % nhu cầu nhập khẩu của Brazil. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như da giày, quần áo chỉ đáp ứng khoảng 6% -7% nhu cầu tiêu thụ của Brazil. Vì vậy Brazil vẫn là thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.

cthuy-1651826510.jpg
Theo bà Thủy, thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn.

Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam rất được người tiêu dùng Brazil quan tâm. Mặc dù vậy, thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Brazil.

Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ông Ngô Xuân Tỵ - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt hơn 533 triệu USD, tăng 3,5%. Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 1,175 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong giao dịch hai nước, gần như tất cả các mặt hàng đều có giao dịch thương mại. Tuy nhiên, những ngành hàng chính của Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao trong 3 tháng đầu năm gồm điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính, sản phẩm điện tử, thiết bị - phụ tùng vận tải, sản phẩm chiếu sáng, giày dép.

"Trước đây Việt Nam xuất khẩu nhiều giày dép sang Brazil nhưng gần đây giảm. Tuy vậy lĩnh vực này rất rộng mở. Thị trường Brazil có nhiều sự lựa chọn với nhiều tầng lớp khác nhau nên nhiều sản phẩm có khả năng tiếp cận tốt. Lĩnh vực dệt may cũng rất tiềm năng. Các sản phẩm xơ, sợi, dệt, cao su, túi xách, vali, sản phẩm từ sắt thép, kim loại, dụng cụ đồ chơi thể thao... rất có khả năng phát triển tại thị trường này", ông Tỵ đánh giá.

Trong khi đó, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Brazil gồm các sản phẩm nông nghiệp, sắt thép, khoáng sản, lúa mì, gỗ, nguyên liệu ngành dệt may, da giày, máy móc thiết bị, hóa chất....

"Dự báo thời gian tới xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng sang Brazil tăng cao khi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được gỡ bỏ toàn bộ và chiến dịch tiêm vaccine được thực hiện trên toàn quốc với tốc độ nhanh với tỷ lệ phủ vaccine cao. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển thị trường Brazil khi nhu cầu tiêu dùng rất cao và Brazil không phải là thị trường khó tính", ông Tỵ nói.

Hàng hóa Brazil có mức giá cạnh tranh

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp Brazil đã giới thiệu các sản phẩm thế mạnh và chia sẻ về tiềm năng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại quần jean cho biết, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho hàng trăm siêu thị ở Brazil với doanh số hàng triệu USD cho mỗi siêu thị. Hiện nay sản phẩm của doanh nghiệp đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Sản phẩm quần jean của công ty có mức giá chỉ 5 USD. Với mức giá cạnh tranh này, doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để cung cấp sản phẩm cho người dân trong nước.

Đại diện công ty trồng mía Bebidas Pirassununga chia sẻ, ra đời từ năm 1921 với khởi đầu là một cửa hàng nhỏ bán rượu chiết xuất từ mía, đến nay công ty nổi tiếng với loại rượu truyền thống Cachacas được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ. Công ty có nhiều nhà máy lớn với công suất 6 triệu lít rượu mỗi năm. Sản phẩm của công ty có nhiều loại, trong đó có loại rượu nhẹ dành riêng cho phụ nữ và nước uống tăng lực.

dnghiepb-1651826510.jpg
Đại diện 1 doanh nghiệp Brazil chia sẻ tại sự kiện.

"Qua buổi tư vấn và các phiên giao thương, chúng tôi hi vọng rượu Cachacas cũng như các sản phẩm đồ uống khác sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu, kết nối với doanh nghiệp để xuất khẩu và nhập khẩu của nhau", đại diện doanh nghiệp Brazil nói.

Trong khi đó, đại diện công ty chuyên về logistics Elemar Logistics giới thiệu là đơn vị kinh doanh logistics quốc tế nên đã tham gia rất nhiều vào các dự án vận chuyển, xuất khẩu sang nhiều quốc gia với nhiều sản phẩm khác nhau với mức giá cạnh tranh, thậm chí có mặt hàng chỉ có giá từ 3 - 5 USD.

"Chúng tôi hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu cho các sản phẩm không được sản xuất trong nước. Chúng tôi cũng có dịch vụ phân tích năng lực nhập khẩu hàng hóa để đảm bảo sản phẩm đáp ứng được yêu cầu nhất định của Brazil", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

xkb-1651826510.jpg
Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Ricardo Cury - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Brazil (ACSP) chia sẻ, với lịch sử hoạt động lâu đời, ACSP có mối quan hệ với tất cả các phòng thương mại trên toàn thế giới, có khả năng kết nối các doanh nghiệp. ACSP sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Brazil kết nối giao thương và hợp tác với nhau.

Trước những chia sẻ và giới thiệu của các doanh nghiệp Brazil, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối, hỗ trợ hợp tác kinh doanh với nhau, qua đó nâng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.

"Tôi hy vọng doanh nghiệp hai nước có thể chia sẻ nhiều thông tin, cơ hội và giới thiệu được các sản phẩm Việt Nam và mang sản phẩm Brazil sang Việt Nam để trải nghiệm", ông Tỵ bày tỏ.

Nguyệt Minh

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/quan-jean-brazil-co-gia-5-usd-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-a4063.html