30 phút nghiệm thu 1 đề tài khoa học?
Thanh tra Chính phủ mới đây vừa công khai kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015 - 2019 của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH) khiến nhiều người... giật mình.
Theo báo cáo của thanh tra Chính phủ, có 3 đơn vị tổ chức hội đồng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.
Cụ thể, tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ một hội đồng nghiệm thu 14 đề tài vào ngày 7/12/2015, 18 đề tài vào ngày 6/12/2016, 18 đề tài vào ngày 12/12/2017, 16 đề tài vào ngày 5/12/2018, 15 đề tài vào ngày 25/11/2019. Viện Ngôn ngữ học nghiệm thu 26 đề tài vào ngày 26/12/2016 (6 hội đồng), 13 đề tài vào ngày 17/12/2018 (2 hội đồng), 22 đề tài vào ngày 19/11/2019 (2 hội đồng), Viện Sử học nghiệm thu 7 đề tài trong buổi chiều 13/11/2019, 11 đề tài trong ngày 15/11/2019 (2 hội đồng).
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Dân Việt, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An Phạm Xuân Cần khẳng định, những số liệu trên là điều không tưởng.
Theo ông Cần, trình tự một buổi nghiệm thu thông thường sẽ diễn ra như sau: Công bố quyết định thành lập hội đồng và mời chủ tịch hội đồng lên chủ trì, chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả (không quá 30 phút), hai ủy viên phản biện nhận xét, các ủy viên hội đồng khác (khoảng 5-7 người) phát biểu, chủ nhiệm đề tài trả lời các chất vấn và tranh luận, chủ tịch hội đồng phát biểu, các thành viên hội đồng chấm kết quả, phân loại đánh giá, thư ký hội đồng tổng hợp và công bố kết quả.
"Như vậy, nếu Viện Hàn lâm KHXH nghiệm thu 18 đề tài một ngày thì có nghĩa mỗi đề tài nghiệm thu chỉ có... 30 phút. Phải chăng đây là những đề tài quá tốt để hội đồng nghiệm thu "miễn góp ý" hoặc là đề tài không có giá trị gì, chỉ làm thủ tục nghiệm thu để làm căn cứ thanh lý hợp đồng?", ông Cần đặt câu hỏi.
"Chủ nhiệm đề tài cho phép trình bày không quá 30 phút nhưng thực tế mọi người toàn nói tới 45-60 phút. Đặc biệt là có 3 người bắt buộc phải phát biểu là 2 ủy viên phản biện và chủ tịch hội đồng nhận xét. Viết phiếu nhận xét cho điểm cũng phải mất vài phút. Ở đây chắc là họ chỉ thu thôi chứ không nghiệm vì 30 phút không làm được điều gì. Quy trình nghiệm thu như vậy là không được, quá cẩu thả, làm rối, phía sau có nhiều khuất tất", nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An bày tỏ.
Xã hội đang coi trọng hình thức hơn nội dung
Ông Phạm Xuân Cần từng là giảng viên Học viện An ninh từ năm 1979-1990, năm 1991-2000 công tác tại Công an tỉnh Nghệ An, năm 2001-2006 là Phó bí thư thường trực thành ủy Vinh, năm 2007-2017 là Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An. Ông Cần cho hay: "Bản thân tôi cũng có hơn 30 công trình với tư cách là tác giả, chủ nhiệm phải trình bày, bảo vệ trước hội đồng.
Ngoài ra, với 10 năm làm quản lý khoa học đã tham gia hội đồng nghiệm thu hàng trăm đề tài, dự án, nhiệm vụ Khoa học Công nghệ ở các cấp Bộ, tỉnh, trường nhưng chưa bao giờ một buổi nghiệm thu 2 đề tài mà chỉ có thể nghiệm thu một mà thôi. Chúng tôi chưa bao giờ nghiệm thu đề tài trước 2 tiếng mà có đề tài nghiệm thu từ sáng đến qua trưa vẫn còn nhiều tranh cãi chưa xong.
Chất lượng những đề tài chúng tôi nghiệm thu có loại yếu, khá, tốt nhưng tất cả đều có thái độ rất nghiêm túc và được hội đồng đánh giá nghiêm túc. Chỉ là hội đồng có nhiều ủy viên nên có sự đánh giá khác nhau. Có người đánh giá lạc đề, đề tài yếu nhưng người khác lại đánh giá tốt. Dù là gì thì thái độ của cả hội đồng đều rất nghiêm túc".
Nói về chất lượng đề tài của Viện Hàn lâm KHXH, ông Cẩn cho rằng, chất lượng đề tài tùy thuộc vào mục tiêu của từng đề tài. "Đề tài về xã hội nhân văn thì không phải cái cũng đề cao tính ứng dụng. Có những đề tài đơn thuần là lý thuyết cơ bản thì cách ứng dụng sẽ khác chứ không phải mình đưa công sức để thực hiện trong thực tế. Tuy nhiên, tính lý thuyết của những đề tài này còn khó hơn tính ứng dụng. Thế nhưng lâu nay theo dõi, tôi ít thấy Viện Hàn lâm KHXH có những đề tài để lại dấu ấn, ngoài vài phát hiện khảo cổ, sử học", ông Cần nhận xét.
"Xã hội chúng ta đang trọng hình thức hơn nội dung. Khi mà xã hội trọng bằng cấp thì người ta tìm đến nơi cấp bằng. Những nơi được quyền cấp bằng cũng được lợi từ việc này. Nếu xã hội cứ chạy theo số lượng thì chắc chắn chất lượng sẽ có vấn đề. Tôi không vơ đũa cả nắm, không phải một năm cấp bằng hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ đều kém cả, thế nhưng chắc chắn tỉ lệ kém đó sẽ cao hơn bình thường. Chất lượng đề tài thế nào để xã hội phán xét", ông Cần nói.
Chia sẻ về công tác nghiệm thu đề tài khoa học hiện nay, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho hay, việc quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học đang rất chặt về mặt hình thức, thủ tục, tốn quá nhiều ngân sách. Nhiều thủ thục chặt chẽ, chi li, chi tiết, cứng ngắc đến mức khiến nhiều người làm gian dối về hồ sơ. Trong khi đó, nội dung, chất lượng đề tài lại lỏng lẻo, không thực chất. Vì vậy, cần giảm nhẹ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục về tài chính và nên đòi hỏi chất lượng công trình tốt hơn.
Tào Nga
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nghiem-thu-18-de-tai-khoa-hoc-moi-ngay-la-cau-tha-lam-roi-phia-sau-co-nhieu-khuat-tat-a4034.html