Cuộc sống du học ở Nhật Bản không dễ dàng. Đó là điều nam sinh 23 tuổi Nguyễn Công Đức (Hà Tĩnh) nhận ra sau 4 năm vừa làm vừa học.
Ở đất nước xa lạ, cậu đối mặt với nhiều vấn đề khi học phí cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, sự khắc nghiệt trong tìm việc làm thêm.
Ác mộng đi làm thêm
Đức chọn du học Nhật Bản tự túc với mong muốn thay đổi cuộc sống. Gia đình cậu thuộc hộ nghèo, bố tàn tật. Nếu học đại học tại Việt Nam, cậu sẽ gặp khó khăn hơn. Vì thế, nam sinh xác định một mình bươn chải trên đất Nhật, vừa học vừa làm thêm.
Đức sống tại Nhật 4 năm. Trong 2 năm đầu học tiếng Nhật, cậu trải qua nhiều vất vả, đắng cay khi vừa “cày” tiếng, vừa “cày việc” để trang trải cuộc sống.
Ở Nhật Bản, du học sinh được làm thêm 28 giờ/tuần. Mức thu nhập của họ sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếng Nhật. Nếu tiếng Nhật yếu, du học sinh chỉ có thể làm việc tại cửa hàng tạp hóa, siêu thị với thu nhập khoảng 113.000-141.500 yên, tức 20-25 triệu đồng/tháng.
Nếu khả năng tiếng Nhật tốt hơn, họ làm các công việc như gia sư, hướng dẫn viên du lịch, trợ giảng, phiên dịch… với mức thu nhập trên 170.000 yên, khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Con số 20-30 triệu đồng tưởng chừng lớn. Nhưng tại Nhật Bản, tài chính như vậy khiến du học sinh sống chật vật do giá cả đắt đỏ.
Những ngày đầu mới sang Nhật, Công Đức lang thang tìm việc từ sáng đến tối muộn, đói lả mà vẫn không nơi nào nhận. Nghĩ đến khoản vay bố mẹ đứng tên để cậu du học, nam sinh sẵn sàng làm bất cứ công việc gì.
Thời gian đầu, vì không có bằng tiếng Nhật, chàng trai đến từ Hà Tĩnh rất khó xin việc. Cậu nộp đơn làm ở cửa hàng tiện lợi nhưng không được nhận. Sau đó, cậu xin vào xưởng bốc vác. Buổi đầu tiên, làm được 2 tiếng, cậu không chịu nổi, đành bỏ về.
"Lúc đó là 2h sáng. Tôi đi bộ 15 km về nhà trọ do không có tàu. Khoảng thời gian hết tiền, tôi phải ăn bánh mì chấm nước mắm”, Đức cay đắng.
Công Đức trải qua nhiều loại công việc, từ xưởng rau, xưởng cơm hộp, bốc vác đến quán ăn, siêu thị, nhà hàng… nhằm trang trải học phí và chi phí sinh hoạt.
"Bốn năm ở Nhật, tôi chỉ ngủ trung bình 4-5 tiếng/ngày. Nhiều hôm, tôi học từ 13h-17h rồi làm thêm đến 5h sáng hôm sau, ngủ đến 9h rồi tiếp tục làm đến 13h. Đợt đó, tôi sụt 5 kg. Chiều cao 1m85, nhưng chỉ nặng 60 kg, tôi thường bị mọi người gọi là bộ xương khô di động", Đức kể lại.
Việc học tiếng Nhật không hề dễ dàng. Lúc sang Nhật, cậu chỉ có chứng chỉ N5 - chứng chỉ thấp nhất. Trong khi đó, để học chuyên ngành ở Nhật, du học sinh phải có chứng chỉ tiếng Nhật N3 trở lên. Đức vẫn nhớ như in những ngày tháng đi làm thêm, người rã rời, ngủ quên trên tàu nhưng tay vẫn ôm cuốn sách tiếng Nhật.
Đức có bằng năng lực tiếng Nhật N2 và N1 sau 2 năm học trường tiếng. Sau đó, cậu vào đại học, đỗ bằng kế toán (Boki 2 với tỷ lệ đỗ là 20% toàn nước Nhật). Hai năm học đại học liên tiếp, cậu nhận bằng khen vì có thành tích học tập tốt với điểm trung bình GPA 3.5/4.0. Đức còn giành học bổng Yokoyama (mỗi trường, mỗi khóa chỉ có một suất dành riêng cho du học sinh).
Sau khi đã có bằng tiếng Nhật N1, cậu nhận công việc phiên dịch cho các công ty, 28 tiếng/tuần, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng khi quy đổi sang tiền Việt. Mặc dù thời gian hạn chế, cậu vẫn đảm bảo việc học trên trường.
“Giờ nghĩ lại, tôi không tin là bản thân đã trải qua những ngày như thế. Dù vất vả, tôi chưa bao giờ lo lắng hay sợ sệt. Tôi luôn tin bản thân có thể làm được. Tôi chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình. Con đường này mang lại cho tôi rất nhiều thứ. Du học Nhật giúp tôi trưởng thành, tiếp cận môi trường, nền văn hóa mới. Tôi rất biết ơn bố mẹ đã tin tưởng, ủng hộ tôi hết mình”, Đức tâm sự.
Từ cuộc sống một mình bươn chải ở đất nước mặt trời mọc, Đức rút ra bài học xương máu. Đó là nên dành nhiều thời gian học tiếng Nhật thật nghiêm túc trước khi sang đây. Bởi nếu tiếng Nhật không vững, du học sinh sẽ gặp vô vàn khó khăn, vất vả, từ đó dễ dàng buông xuôi, bỏ cuộc.
Cách chỉ chi tiêu 30 triệu đồng/tháng ở Nhật
Với mức thu nhập không nhiều từ việc làm thêm, Đức phải tính toán chi tiêu tỉ mỉ đến từng đồng. Quy đổi sang tiền Việt, cậu tính trung bình cần khoảng 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền nhà là 6 triệu đồng, tiền ăn 4 triệu đồng, học phí 15 triệu đồng, bảo hiểm một triệu đồng, tiền điện, ga, nước một triệu và thêm một triệu đồng cho điện thoại, dự phòng.
“Mức chi tiêu này thấp so với mức sống ở Nhật. Học phí là khoản đắt nhất, rơi vào khoảng 170-220 triệu đồng/năm. Gia đình không có điều kiện chi trả, tôi cần phải kiên trì, vượt khó để trang trải cuộc sống”, Đức cho biết.
Nhờ học tập tốt, Đức giành học bổng, được trường hỗ trợ thêm gần 34.000 yên/tháng (khoảng 6 triệu đồng). Việc chi tiêu trong khoảng 30 triệu đồng là bài toán đau đầu đối với cậu. Nhất là thời gian đầu, do tiếng Nhật chưa tốt, cậu gặp khó khăn trong giao tiếp. Cùng với đó, nam sinh chưa quen giá cả, môi trường sống nên rất bỡ ngỡ khi lên kế hoạch chi tiêu sinh hoạt.
Đức giải thích thêm thực phẩm ở Nhật đắt đỏ, giá cao gấp đôi so với Việt Nam, đặc biệt là thịt, cá. Để tiết kiệm chi phí ăn uống, Đức chọn nấu ăn tại nhà. Cậu thường chế biến bữa ăn gồm rau, thịt kho hoặc cá kho, trứng với chi phí khoảng 500 yên Nhật (tương đương 100.000 đồng).
“Tôi luôn dặn bản thân chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Ví dụ, tôi chọn thời điểm siêu thị giảm giá và mua những thứ thực sự cần thiết. Trước khi đi chợ mua thực phẩm, tôi cần ghi rõ mua gì, trong khoảng bao nhiêu tiền để tránh tiêu vượt quá ngân sách. Điều này cũng giúp tôi tránh mua sắm hoang phí”, Đức bật mí.
Nam sinh 23 tuổi trải qua 4 năm với nhiều khổ cực khó diễn tả hết bằng lời. Dù vậy, cậu tin tưởng bản thân không cần sợ sệt. Nhật Bản giúp cậu cũng như các du học sinh khác trưởng thành hơn nhiều.
Minh An
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/du-hoc-sinh-nhat-chi-ngu-4-5-tieng-moi-ngay-vi-vua-hoc-vua-lam-a4022.html