Theo Công an TP Hà Nội, chỉ trong 2 ngày qua (1 và 2-5), trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy kho, xưởng lớn với diện tích từ 300m2 đến gần 1.000m2, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Cụ thể, lúc 4 giờ 15 phút ngày 1-5, xảy ra cháy tại xưởng sản xuất gỗ dán của Công ty TNHH Hải Nam tại thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Lực lượng chức năng vừa chữa cháy, vừa tập trung ngăn cháy lan. Kết quả công tác chữa cháy đã bảo vệ được trên 2.200/3.000m2 nhà xưởng.
Tiếp đó, vào 8 giờ 30 phút ngày 2-5, xảy ra cháy tại nhà dân chứa chăn, ga, gối, đệm tại đội 7, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Diện tích cháy khoảng 300m2 của 4 hộ liền kề. Đến khoảng 10 giờ 10 phút, sau gần 2 tiếng tổ chức chữa cháy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Cả hai vụ cháy mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng đều là những vụ cháy lớn tại các nhà xưởng, nơi tập kết hàng hóa vật liệu dễ cháy, nguy cơ cháy lan cao và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Để cảnh báo cũng như hạn chế rủi ro do cháy, nổ kho, xưởng hàng hóa, các cơ sở kinh doanh cần nắm vững và chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho hàng cần tuân thủ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31-7-2014 về quy định phòng cháy, chữa cháy kho bãi tại Việt Nam.
Trong đó nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cơ sở phải nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Người đứng đầu cơ sở trước khi tiến hành công việc phải thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại nơi làm việc, nơi sản xuất do mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về cháy nổ phải tìm mọi cách để khắc phục và báo ngay người quản lý trực tiếp biết.
Khi sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như: Xăng, dầu, khí cháy thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Khi tiến hành hàn, cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy, di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn, cắt (tối thiểu là 10m); không để vảy hàn tiếp xúc với các vật dễ cháy…
Trong khu vực kho bãi, xưởng sản xuất có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho cả công trình, từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của từng khu vực sản xuất.
Khi xảy ra cháy, báo động cho mọi người xung quanh biết bằng cách hô to, đánh kẻng báo động, nhấn chuông báo cháy… Nhanh chóng tìm mọi cách ngắt nguồn điện nơi xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị để dập tắt đám cháy, ngăn chặn chống cháy lan.
Tổ chức thoát nạn, cứu người và di chuyển tài sản theo phương án, tình huống đã dự kiến. Gọi điện cho cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy.
Việt Cường
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cong-an-ha-noi-khuyen-cao-phong-tranh-chay-no-kho-bai-nha-xuong-a3980.html