TP. Hồ Chí Minh thiếu trầm trọng nhân viên y tế: Có nơi dân gấp 15,6 lần so với chuẩn

HĐND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ngày thứ 2 của kỳ họp thứ 4 với phần thảo luận và phiên chất vấn. Trong đó, nhiều đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng về thiếu trầm trọng nhân viên y tế cơ sở.

d630877540b0b6eeefa1-01-1639233555.jpeg

Nhân viên Y tế tại TP. Hồ Chí Minh chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19

Nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc

Chất vấn Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Phạm Văn Rậm, Thượng toạ Thích Minh Thành bày tỏ trong năm 2020 và 11 tháng 2021, tại TP. Hồ Chí Minh nhân viên y tế tuyến cơ sở nghỉ việc rất nhiều. Trong khi tình hình dịch bệnh rất phức tạp, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu chính sách gì cho TP. Hồ Chí Minh để duy trì và củng cố lực lượng này.

Cùng nội dung, đại biểu Tăng Hữu Phong nêu: Hiện tại tỉ lệ nhân viên y tế/10.000 dân ở TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 2,31. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Với số lượng nhân viên y tế rất ít ở cấp phường, xã, thị trấn như vậy trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, đội ngũ này đã phải chống chịu ở mức có thể gọi là cao nhất, và trong thời gian tới chắc chắn công việc sẽ nhiều và còn đối mặt với biến chủng mới.

Ông Phong cũng nêu tại Thông tư 08 liên tịch giữa Bộ Nội vụ và Bộ Y tế quy định số lượng nhân sự tối thiểu của 1 trạm y tế là 5 người tương đương với quy mô trên 8.000 dân, tăng 2-3.000 người thì được tăng thêm 1 nhân viên nhưng không quá 10 người.

anh-chup-man-hinh-20-1639233555.png

Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn

Như vậy, cứ 18.000 dân thì có thể có 10 nhân viên y tế trong 1 trạm. Thế nhưng, TP. Hồ Chí Minh rất đông dân cư, theo thống kê, có 182 trạm y tế có quy mô dân số từ 50.000 dân trở lên, đặc biệt có 3 trạm y tế có 100.000 người trở lên. Riêng xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có đến 125.000 dân. Như vậy, nếu so với số liệu 8.000 dân thì ở Vĩnh Lộc A có số dân gấp tới 15,6 lần.

Trả lời về vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngày 30.10 toàn ngành Y tế đã sơ kết công tác phòng chống dịch trong suốt thời gian qua và rút ra được 10 bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trong đó, bài học thứ 7 là củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng từ cấp thành phố đến phường xã, điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút và đảm bảo nguồn nhân lực cho trạm y tế cơ sở nhất là cấp phường, xã, thị trấn.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có chỉ số 20 bác sĩ/10.000 dân, con số này tuy đã cao gấp đôi so với chỉ số chung của cả nước là 10 bác sĩ/10.000 nhưng nhìn ra các nước trên thế giới có hệ thống y tế chỉ tương đối phát triển thôi (chỉ số bác sĩ dao động từ 36-44-62 bác sĩ/10.000 dân) cho thấy số bác sĩ tại TP. Hồ Chí Minh hiện tại vẫn đang rất thấp so với nhu cầu. Chỉ số này nếu so với hầu hết các nước châu Âu thì thấp hơn nhiều. Bác sĩ Thượng cũng nêu chỉ số ở 2 quốc gia có dân số lớn là Trung Quốc 22 bác sĩ/10.000 dân và Ấn Độ là 9 bác sĩ/10.000 dân để so sánh.

Tuy số bác sĩ tại TP. Hồ Chí Minh so với cả nước có cao nhưng về phân bổ nhân lực y tế đối với y tế cơ sở, đặc biệt ở trạm y tế thì ở mức thấp nhất cả nước. Chỉ số hiện tại là 2,31 nhân viên y tế/10.000 dân, mức này là cả nước và Hà Nội lần lượt là 7 và 6,8. Ông Thượng nhận định mặc dù trước đây đã thiếu nhưng sau khi dịch bùng phát mới thấy rất rõ tác động khi mà phân bổ nhân viên y tế đang ở mức quá thấp.

dieu-tri-anh-tu-01-1639233555.jpeg

Nhiều nhân viên y tế tại TP. Hồ Chí Minh đã vất vả 8 tháng qua, không có ngày nghỉ

Đi tìm giải pháp giữ chân và thu hút y, bác sĩ

Trước thực trạng này, ông Thượng cho biết Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng tờ trình gửi Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất chính sách để củng cố nhân lực tuyến y tế cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, một số chính sách để giữ chân nhân viên y tế, tiếp tục an tâm công tác, bớt nghỉ việc. Hằng năm, có khoảng 400-500 nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ việc nhưng năm nay số lượng này tăng cao, đến khoảng 1.000 người. Người đứng đầu ngành Y tế thành phố nhận định có nhiều lí do nhưng năm nay chắc chắn có lý do nhân viên y tế đã kiệt sức, gần 8 tháng không có được nghỉ ngày nào và họ đang có mức thu nhập thấp nên nhiều người không trụ được.

Để giải quyết tình trạng này, ngành Y tế kiến nghị cần hỗ trợ thu nhập cho bác sĩ 1,5 lần mức lương cơ sở tối thiểu vùng, ước khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng; hỗ trợ điều dưỡng 1 lần lương mức lương cơ sở, ước khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng.

Trước đó, năm 2015, UBND TP. Hồ Chí Minh  đã ban hành quyết định 06 hỗ trợ cho nhân viên y tế khối dự phòng nhưng mức còn thấp chỉ khoảng 450-900/tháng, mức này rất khó cho nhân viên y tế có thể tự sống cũng như lo cho gia đình.

Thứ hai, chính sách thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các trạm y tế. Ông Tăng Chí Thượng nhận định đây là thách thức lớn. Ngành Y tế đã làm việc với các đại học, đặc biệt là Trường Đại học Phạm Ngọc Thạch, kiến nghị cơ chế rất mới. Cụ thể, theo luật, các bác sĩ mới tốt nghiệp phải về các bệnh viện cấp quận huyện thực hành 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề, ngành Y tế đề xuất điều chỉnh thời gian thực hành thành 6 tháng tại quận huyện và 12 tháng về cơ sở. Điều này giúp bác sĩ được về gần dân hơn, hiểu dân hơn thì sau này công tác ở đâu cũng thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều.

Mặt khác, điều này cũng có lợi cho cơ sở y tế đặc biệt là trạm y tế, nếu cơ chế thông qua thì hằng năm có ít nhất có 500 bác sĩ trẻ luân phiên xuống các trạm, vừa tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

anh-chup-man-hinh-20-01-1639233555.png

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh trả lời chất vấn

Để các bác sĩ an tâm, ngành kiến nghị thành phố hỗ trợ một phần chi phí cho các bác sĩ khi xuống cơ sở với mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng, khoảng hơn 6 triệu/tháng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ không phải đóng tiền thực hành như khi đến bệnh viện.

Thứ ba, kiến nghị tăng định biên cho trạm y tế. Theo ông Thượng, ở TP. Hồ Chí Minh, dân số các phường xã rất khác nhau. Ví dụ, phường 5, quận 3 chỉ có khoảng 20.000 dân nhưng ở Bình Tân có 1 phường có thể lên tới 120-140.000 dân mà biên chế thì vẫn ngang nhau, tối đa là 10. Đây là điều bất cập đã xảy ra hàng chục năm nay.

Chính vì thế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị về lâu dài, mong Quốc hội xem xét, điều chỉnh, phân bổ biên chế không theo biên giới hành chính nữa mà theo dân số, lí tưởng nhất là 10.000 dân sẽ cần có 1 trạm y tế. Cái này đòi hỏi thời gian dài để sửa đổi luật.

Trước mắt, kiến nghị tăng gấp đôi biên chế tối thiểu 5 thành 10, tối đa 10 thành 20.

Về cơ cấu chức danh nghề nghiệp của mỗi trạm y tế, Sở Y tế đề xuất thay vì chỉ có 5 chức danh (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ), cần bổ sung thêm các chức danh khác nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cho hoạt động của trạm y tế như cử nhân y tế công cộng, hộ lí, bảo vệ.

Theo tính toán, nếu áp dụng chính sách này, TP. Hồ Chí Minh cần bổ sung định viên lên tới 4.126 biên chế, tăng hơn 1.800 biên chế. Người đứng đầu Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tin rằng, với cơ chế vừa kiến nghị sẽ tuyển dụng đủ nhân viên để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tp-ho-chi-minh-thieu-tram-trong-nhan-vien-y-te-co-noi-dan-gap-156-lan-so-voi-chuan-a398.html