Sự 'mập mờ chiến lược' của Ukraine

Bị cáo buộc đứng sau các cuộc tấn công vào đất Nga, Ukraine không thừa nhận và cũng không bác bỏ. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Kyiv bắt đầu phản công trên chính lãnh thổ Nga.

Ngày 1/4, ngay sau khi camera an ninh ghi lại hình ảnh một vệt sáng do tên lửa được phóng đi từ máy bay trực thăng phát ra, một kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod, Nga bất ngờ phát nổ.

Ngày 21/4, người ta thấy những cột khói không rõ nguyên nhân đang cuồn cuộn bốc lên từ một viện nghiên cứu quốc phòng ở thành phố Tver, cách Moscow khoảng 160 km về phía tây bắc.

New York Times dẫn ra rằng đây chỉ là một số ít trong nhiều vụ tấn công diễn ra trên lãnh thổ Nga thời gian vừa qua, giữa lúc chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đang tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Không rõ Kyiv có đứng sau những vụ tấn công này hay không. Nếu có, đây có thể được xem là hành động thuộc nhóm táo bạo và mạo hiểm nhất mà lực lượng Ukraine từng thực hiện. Thậm chí, một vụ tấn công còn khiến cho còi báo động vang lên trên đất Nga - việc chưa bao giờ xảy ra kể từ sau Thế chiến II.

1-1651566854.png
Một kho nhiên liệu đang bốc cháy ở Belgorod, Nga, cách biên giới với Ukraine khoảng 24 km, vào ngày 1/4. Ảnh: Pavel Kolyadin/Belpressa.

Sự mập mờ từ Ukraine

Nga cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod. Bên cạnh đó, các nhà phân tích quân sự cho rằng Kyiv rất có thể là bên gây ra các vụ tấn công tương tự trên lãnh thổ Nga.

Về phía Ukraine, nước này tỏ ra khá mập mờ về sự dính líu của họ đến các vụ tấn công.

Một số vụ nổ rõ ràng là hậu quả của hành động tấn công hoặc phá hoại - chẳng hạn như hai đám cháy bùng phát liên tiếp tại kho nhiên liệu ở Bryansk, Nga hôm 25/4. Tuy nhiên, một số vụ khác hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đăng trên Twitter một tấm biển "cấm hút thuốc" bên cạnh bức ảnh ghi lại khoảnh khắc các kho nhiên liệu ở Bryansk, Nga đang chìm trong biển lửa hôm 25/4.

"Sớm muộn gì cũng đến lúc phải trả món nợ đó", Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói..

Một quan chức cấp cao của Ukraine đã mô tả đó là sự mơ hồ chiến lược.

“Chúng tôi không thừa nhận và cũng không phủ nhận”, Oleksei Arestovych, cố vấn của chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraine, cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Arestovych đã so sánh cách tiếp cận của chính quyền Ukraine với Israel - quốc gia cũng mập mờ về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình. “Sau những gì đã xảy ra, chúng tôi không chính thức nói có và chúng tôi cũng chẳng nói không, giống như trường hợp của Israel”, ông nói.

3-1651566854.png
Đám khói bốc lên từ khu vực thuộc một kho dầu ở Bryansk, Nga, ngày 25/4. Ảnh: Natalya Krutova/Reuters.

Những hệ quả khó lường

New York Times nhận định bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào từ Kyiv đều có thể gây ra những tác động sâu rộng và khó lường. Chẳng hạn, dư luận Nga có thể gia tăng sự ủng hộ đối với "chiến dịch quân sự" đang diễn ra ở Ukraine, hoặc Điện Kremlin có thể phát động những cuộc tấn công "mạnh tay" hơn chống lại lực lượng Ukraine.

Nếu vũ khí do phương Tây viện trợ được sử dụng để tấn công Nga, điều đó sẽ thúc đẩy luận điệu tuyên truyền từ phía Moscow rằng phương Tây đứng sau "thổi lửa" cho cuộc xung đột. Hoặc, trong một kịch bản xấu hơn, chiến sự có thể vượt ra ngoài biên giới Nga, Ukraine và lan rộng khắp châu Âu.

Cho đến nay, Ukraine đã nhận được sự ủng hộ từ London trong trường hợp Kyiv tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga. James Heappey, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Anh, nói rằng các cuộc tấn công "hoàn toàn hợp pháp" khi xét đến vai trò của các kho nhiên liệu và đạn dược đối với "chiến dịch quân sự" của Nga ở Ukraine.

Ông Heappey thậm chí không phản đối việc Kyiv sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công Nga. Ông nói rằng việc sử dụng nó để tấn công vào bên trong nước Nga “không nhất thiết bị xem là một vấn đề”.

New York Times nhận định các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga, bắt đầu từ hôm 1/4, có khả năng là chỉ dấu cho thấy tình hình chiến sự đang xuất hiện một nhân tố mới - sự chủ động phản công của lực lượng Ukraine ngay trên lãnh thổ đối thủ.

Phía Ukraine có thể thực hiện điều này dưới hai hình thức: phóng tên lửa từ trực thăng bay thấp để phá hủy các mục tiêu gần biên giới, hoặc ngầm phá hoại các mục tiêu nằm sâu hơn trong đất Nga. Người dân Nga, vốn chỉ biết đến tình hình chiến sự ở Ukraine qua báo chí và truyền hình, giờ đây có thể bắt đầu cảm nhận được một phần sự khốc liệt của cuộc xung đột.

4-1651566854.png
Một khu chung cư bị hư hại do pháo kích ở Chernihiv, Ukraine, hôm 29/4. Ảnh: Daniel Berehulak/New York Times.

Hôm 13/4, Nga cảnh báo Kyiv nếu nước này dám có hành động tấn công đáp trả trên đất Nga. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov nói với các hãng thông tấn Nga rằng Moscow sẽ đáp trả bằng cách nhắm vào giới lãnh đạo Ukraine.

"Nếu những trường hợp này tiếp tục, quân đội Nga sẽ nhắm mục tiêu vào các trung tâm đầu não (của Ukraine), bao gồm cả ở Kyiv", ông Konashenkov cho biết.

Trong quân đội Ukraine, các vụ tấn công vào lãnh thổ Nga còn có tác dụng nâng cao sĩ khí. Sau khi chứng kiến hiệu quả của cách làm này, một số chỉ huy quân sự phía Ukraine đề nghị tiếp tục chiến thuật trên.

“Chúng tôi cần làm cho xã hội Nga lo sợ” New York Times dẫn lời sĩ quan chỉ huy của một lữ đoàn thuộc quân đội Ukraine.

Nguyễn Thanh Hải

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/su-map-mo-chien-luoc-cua-ukraine-a3976.html