Anh Tùng, 32 tuổi, cho biết thôi làm y sĩ ở một trạm y tế xã huyện Bình Chánh sau gần 8 năm gắn bó. "Có người chỉ trích tôi bỏ chạy ngay lúc đỉnh dịch Covid-19, để lại đồng nghiệp chịu trận cực khổ. Tôi buồn, nhưng không giải thích, vì thực tế mình đã nộp đơn xin nghỉ lần đầu vào giữa tháng 5, khi dịch mới chớm", anh cho biết.
Đơn được lãnh đạo tiếp nhận hồi đầu tháng 6, đến đầu tháng 7 các thủ tục hoàn tất, anh chính thức rời đi để tập trung vào kinh doanh - công việc trước đó vốn là nghề tay trái. "Tôi đã suy nghĩ cả năm trời, cân nhắc nhiều lần mới quyết định", anh nói.
Anh Tùng là một trong số 968 nhân viên y tế xin nghỉ việc trong 10 tháng đầu năm nay, tăng nhẹ ở nhóm bác sĩ, điều dưỡng trạm y tế (năm ngoái là 597 người). Một số người đã nộp đơn xin nghỉ rồi lại rút đơn. Lý do chủ yếu là hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc yếu tố cá nhân.
Có hai lý do chính khiến Tùng nghỉ việc, là thu nhập thấp và không có cơ hội nâng cao tay nghề. Hai vấn đề này đã được anh trao đổi thẳng thắn, trực tiếp với trung tâm y tế - đơn vị quản lý nhân sự nhưng không có giải pháp tháo gỡ khả quan nào. Còn những thứ khác như áp lực công việc, vốn dĩ anh đã quen nên chỉ là chuyện nhỏ.
Anh cho biết, sau 5 năm chính thức vào biên chế, với vài lần tăng lương, đến thời điểm nghỉ việc thì thực lãnh (đã trừ các khoản bảo hiểm) của anh là 5 triệu đồng. Từ năm 2018, mỗi quý anh nhận một lần tiền thu nhập tăng thêm khoảng 10 triệu. Như vậy, trung bình mỗi tháng tổng thu nhập của anh là hơn 8 triệu đồng.
Sống cùng cha mẹ ở quận 12, Tùng không tốn tiền thuê trọ. Số tiền này vừa đủ cho thanh niên độc thân chi tiêu cá nhân và phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quý II năm 2021, khoản này giảm đi một nửa, Tùng nhận hơn 5 triệu đồng. Ngoài ra, anh không có thêm bất kỳ khoản thu nào khác từ ngành y.
Thời điểm anh còn làm việc, 11 nhân viên y tế của trạm chịu trách nhiệm quản lý sức khỏe của 140.000 người dân trên địa bàn. Tức là mỗi nhân viên y tế "gánh" gần 13.000 người dân. Địa bàn rộng, dân đông, họ phải làm việc hết công suất mới đáp ứng được khối lượng công việc lớn. Nhiệm vụ của họ gồm các việc thường quy của trạm như phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em; quản lý thai phụ, kế hoạch hóa gia đình; quản lý người bệnh tâm thần... Dịch Covid-19 bùng phát, khối lượng công việc càng tăng cao, nhân viên y tế làm việc gấp 2-3 lần, thu nhập vẫn giữ nguyên.
Nhìn đồng nghiệp chật vật chia nhỏ đồng lương ít ỏi để trả tiền nhà trọ, cho con đi học, rồi phải làm thêm, vay mượn nếu phát sinh tình huống con ốm, cha mẹ bệnh... Tùng không muốn tương lai mình cũng như vậy. Hai năm trước, anh tập tành kinh doanh online ngoài giờ làm việc. Gần một năm nay việc kinh doanh vào guồng, cần đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn, trong khi đó việc ở trạm y tế "ngập đầu" vì Covid-19. Tùng gần như bị vắt kiệt sức lực, bắt buộc phải lựa chọn một trong hai.
"Ưu tiên số một của tôi luôn là ngành y", Tùng cho hay. Anh dự định học chuyên tu lên bác sĩ, mất khoảng 3-4 năm, dạng vừa học vừa làm. Kế hoạch này được lãnh đạo trung tâm y tế huyện và trạm y tế ủng hộ, bằng cách xếp lịch trực vào những ngày không có lịch học, ngày thi sẽ được nghỉ làm. Tuy nhiên, anh Tùng cho biết tìm hiểu quy định mới của Bộ Y tế thì y sĩ muốn học chuyên tu lên bác sĩ thì phải có chứng chỉ hành nghề y sĩ. Thế nhưng y sĩ tốt nghiệp khóa đào tạo sau năm 2012 như anh Tùng lại không được cấp chứng chỉ này. Thêm nữa, năm 2022 ngành giáo dục chỉ đào tạo bác sĩ chuyên tu từ hệ cao đẳng, đại học.
Nếu muốn tiếp tục học lên, anh Tùng có hai lựa chọn. Một là học chuyển đổi từ y sĩ sang cử nhân điều dưỡng, nhưng ngành học này không đúng với mục tiêu của bản thân. Hai - anh phải làm lại từ đầu, như một học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3, đi thi đại học và học bác sĩ chính quy 6 năm. Điều này quá khó với người đàn ông ngoài 30 tuổi. Anh cũng đã tìm hiểu tại một số trường y tư nhân, mức học phí lên tới vài trăm triệu đồng, nằm ngoài khả năng chi trả.
Vậy là Tùng bỏ cuộc, bỏ 10 năm thanh xuân học tập và làm nghề y. Sau gần nửa năm "ra riêng làm riêng", hiện Tùng có thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Anh chi tiêu thoải mái hơn, có một khoản tiết kiệm nhỏ để lo chuyện phát triển kinh doanh, lập gia đình. Tùng cho biết thêm, một số đồng nghiệp tại trạm cũng chia sẻ muốn đổi nghề, ngặt nỗi chưa tìm được công việc khác phù hợp hơn, nên còn ở lại trạm làm việc.
Y sĩ Thanh Duy, 41 tuổi, chia sẻ anh từng nộp đơn xin nghỉ việc như Tùng, sau đó rút lại. Anh kể, bắt đầu công việc năm 2005 tại một trung tâm y tế, còn vợ làm dược sĩ ở bệnh viện nội thành TP Hồ Chí Minh. Để tiết kiệm chi phí, hàng ngày vợ chồng anh chở nhau chạy xe máy hơn 20 km từ nhà ở huyện Cần Giờ (và qua một phà) lên trung tâm thành phố làm việc.
Tháng 7/2020, một trạm y tế tại quận 7 thiếu nhân sự do có người nghỉ việc, anh được điều động tới phụ trách công tác chống dịch Covid-19. Từ đó đến nay, anh ở lại trạm "trực chiến" từ thứ hai đến chủ nhật. Vợ anh cũng tham gia chống dịch, nên anh chị thuê một phòng trọ giá hai triệu đồng gần trạm xá, để có chỗ ngủ buổi tối, đỡ phải chạy về tận Cần Giờ.
Anh Duy cho biết, phường hơn 32.000 dân mà trạm y tế chỉ có 5 nhân sự, gồm một bác sĩ, hai y sĩ, một dược sĩ, một nữ hộ sinh (trong đó một người đang mang thai) nên khối lượng công việc nhiều vô kể. Giai đoạn đầu dịch họ đối đầu với áp lực nhiều F0 trở nặng và tử vong. Nay lại bộn bề với nhiệm vụ theo dõi, điều trị gần 150 F0 tại nhà, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm, làm giấy tờ hoàn thành cách ly...
"Trong 15 năm làm nghề thì đây là khoảng thời gian tôi chịu nhiều áp lực nhất, stress kéo dài, nhiều lần nghĩ đến nghỉ việc. Thậm chí, lúc quá kiệt sức, tôi đã nộp đơn. Gia đình, đồng nghiệp động viên dữ lắm, nghĩ người dân cần mình, tôi lại rút đơn", anh Duy nói.
Khối lượng công việc nhiều, thâm niên hơn 15 năm, nhưng mức lương của anh Duy hiện là 6-7 triệu đồng một tháng. Mỗi quý anh được 7-13 triệu đồng từ chế độ thu nhập tăng thêm (tính theo hệ số lương, xếp loại hiệu quả công việc). Tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng, trừ tiền trọ và 3 triệu đồng tiền học cho con, 10 triệu còn lại là sinh hoạt phí của cả gia đình. Tháng nào hết tháng đó, khoản tiết kiệm bằng không.
"Con đã 10 tuổi mà chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện sinh đứa thứ hai, sợ không lo được cho con", anh Duy cho hay.
Hiện, TP HCM đạt tỷ lệ 20 bác sĩ trên 10.000 dân. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này có thể đạt khoảng 36 đến 44 đến 62 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ nhân viên y tế tại thành phố cũng thấp nhất nước, chỉ khoảng 2,31 trên 10.000 dân, thấp hơn số trung bình cả nước là 7.
Tình trạng thiếu nhân viên y tế cơ sở tồn tại từ lâu tại TP HCM do dân cư đông. Việc quá tải càng trầm trọng hơn trong bối cảnh dịch bệnh, F0 điều trị tại nhà tăng cao.
Làm gì để thu hút và giữ chân nhân viên y tế cơ sở?
Sáng 8/12, trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X tại kỳ họp thứ 4, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nói: "Nhân viên y tế kiệt sức, gần 8 tháng chưa được nghỉ ngơi ngày nào nhưng nhận được mức thu nhập quá thấp, đây là lý do khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc".
Ông Thượng cho biết ngành y tế xây dựng đề án, đề xuất các cơ chế để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, làm thế nào để nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc. Trước mắt ngành y tế có chính sách hỗ trợ thu nhập để giữ chân nhân viên y tế. Cụ thể, bác sĩ công tác ở trạm y tế được nhận thêm 1,5 lần lương tối thiểu vùng (khoảng hơn 6 triệu đồng), còn điều dưỡng nhận thêm một lần lương tối thiểu vùng (hơn 4 triệu đồng).
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các tuyến cơ sở. Theo ông Thượng, hiện Sở Y tế đã đề xuất chính sách mới, là bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì về các bệnh viện quận, huyện công tác thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề thì sẽ về các tuyến y tế cơ sở thực hành 12 tháng; và 6 tháng tại bệnh viện. Các bác sĩ không phải trả tiền thực hành và được nhận chi phí hỗ trợ sinh hoạt là 1,5 lần lương tối thiểu như đề xuất trên.
"Nếu cơ chế này được thông qua, ước tính mỗi năm thành phố có 500 bác sĩ đến các trạm y tế", Giám đốc Sở Y tế nói. Chính sách nữa Sở Y tế đề xuất là tăng định biên (tức biên chế cố định) cho trạm y tế. Hiện định biên cho trạm y tế là tối thiểu 5 nhân viên, tối đa 10 nhân viên y tế. Tuy nhiên, thực tế dân số ở mỗi phường khác nhau, ví dụ tại phường 5 quận 3 có khoảng 20.000 dân, nhưng tại quận Bình Tân một phường có thể 120.000-140.000 dân, mà mỗi trạm biến chế tối đa chỉ 10 nhân viên y tế, "đây là bất cập đã nhiều năm".
Theo ông Thượng, về lâu dài nên có cơ chế điều chỉnh, phân bổ trạm y tế theo dân số, cứ 10.000 có một trạm y tế. Còn hiện tại, Sở đề xuất tăng mức định biên tối thiểu từ 5 lên 10 nhân viên y tế. Ngoài lực lượng bác sĩ, các trạm y tế rất cần thêm hộ lý, bảo vệ, cử nhân cộng đồng.. Như vậy theo tính toán, các trạm y tế cần bổ sung 4.126 biên chế.
Những chính sách đề xuất này, dù chưa thành thực tế, cũng được nhân viên trạm y tế rất đồng tình. Y sĩ Duy bày tỏ: "Chỉ mong cơ quan quản lý quan tâm kịp thời hơn về cả tài chính và nhân sự, giúp giảm bớt áp lực để chúng tôi bám trụ với nghề, phục vụ người dân tốt hơn".
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/vi-sao-nhan-vien-y-te-nghi-viec-hang-loat-a396.html