Sau một thời gian vật lộn với Covid-19, gần đây, Công ty Thực phẩm An Vạn Thịnh tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã dần hoạt động ổn định trở lại. Nói về năm 2021, ông Nguyễn Công Lãm, giám đốc công ty cho rằng năm qua có quá nhiều trở ngại, từ dịch bệnh, chuỗi cung ứng đứt gãy, cước phí vận tải tăng mất kiểm soát... "Chúng tôi như bị cuốn theo, nó đẩy đi đến đâu thì đi đến đó. May mà doanh nghiệp nhỏ, tính linh hoạt cao nên vẫn xoay xở được", ông mô tả.
Nhờ "xoay" được, doanh thu của họ năm qua không biến động nhiều nhưng lợi nhuận cả năm chắc chắn bị ảnh hưởng vì chi phí phải bỏ ra quá lớn trong thời gian dịch bệnh.
Ông Lê Duy Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hoà (Vĩnh Phúc) - sản xuất đồ gỗ nội thất, có tỷ trọng xuất khẩu 20% - cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Doanh nghiệp này đã có nhiều cách để "xoay" trong Covid-19 như nội địa hoá nguồn cung nguyên liệu, đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm thị trường mới. Nhưng khi đúc kết, ông Duy Anh kết luận: "Khách hàng nội địa giảm, khách quốc tế có tăng hơn nhưng vì chi phí xuất khẩu vọt cao, có thời điểm gấp 5 lần, nên khó vẫn hoàn khó".
Dù vậy, khi nhìn lại, ông Lãm hay ông Duy Anh đánh giá các doanh nghiệp hiện nay đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thích ứng với tình hình bình thường mới. "Bây giờ và trong tương lai, các doanh nghiệp đều phải xác định là sống chung với dịch thôi", ông Lãm nói.
Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân và Báo điện tử VnExpress với 3.440 doanh nghiệp vừa qua đã cho thấy kết quả tương tự. Số lượng doanh nghiệp hoạt đang hoạt động tháng 10 – một tháng sau các lệnh nới lỏng giãn cách đã tăng gấp đôi so với tháng 8, giai đoạn giới nghiêm vì căng thẳng dịch bệnh. Hơn 40% lãnh đạo tại các doanh nghiệp này cũng bày tỏ thái độ lạc quan để tiếp tục chèo lái doanh nghiệp. Dù vậy, khảo sát cũng cho thấy một số vấn đề lớn doanh nghiệp đối diện như 56% lo ngại giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; 43% sợ cầu thị trường yếu chưa đảm bảo kinh doanh có lãi; 41% e ngại chi phí xét nghiệm; 30% đề cập đến khó khăn tuyển dụng lao động.
Và những khó khăn được các doanh nghiệp đánh giá sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2022.
Thứ nhất là rủi ro về dịch bệnh. "Các biến chủng mới có thể xuất hiện, tạo nguy cơ về một làn sóng dịch tiếp theo", ông Duy Anh nhấn mạnh tính bất định của Covid-19. Theo đó, dù nhiều thị trường mở cửa trở lại, vaccine được mở rộng nhiều hơn, doanh nghiệp vẫn rất e dè và thận trọng trước diễn biến bệnh dịch.
Thứ hai là nỗi lo về giá cả hàng hoá tiếp tục tăng cao trong năm tới. Nếu chuỗi cung ứng khó phục hồi hoàn toàn, giá cả hàng hoá đầu vào sẽ bị ảnh hưởng trong năm tới.
"Tôi hy vọng bây giờ đã là đỉnh vì có một số mặt hàng như thép có xu hướng giảm giá. Nếu tiếp tục có các đỉnh giá mới, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều thách thức", ông Duy Anh nói.
Tiếp theo là xu hướng thắt chặt hầu bao của khách hàng. Lấy ví dụ với nhóm doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, ông Dominic Vũ, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết nhu cầu của khách hàng sẽ không còn được như trước dịch, dù có thể tăng mạnh 2-3 tuần sau mở cửa.
Người dân hiện có xu hướng tiết kiệm cao, giảm chi tiêu vì e ngại Covid-19 cũng như trước việc giá cả hàng hoá leo thang. Điều này đồng nghĩa có nhiều rào cản hơn khiến việc phục hồi các ngành dịch vụ trong năm sau gặp khó.
"6 tháng đầu năm 2022 vẫn khó, thậm chí cực kỳ khó khăn cho những đơn vị kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ", ông nói. Nguyên nhân là các đơn vị này đã bị tổn thương nặng trong năm 2021 khi thời gian đóng cửa kéo dài "thổi bay" 1-2 năm lợi nhuận. Do vậy, việc bình thường lại trong một giai đoạn vẫn còn nhiều bất định là rất thách thức.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá chính sách hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này, còn chưa đủ mạnh mẽ. Những hỗ trợ về chính sách thuế khoá, miễn giảm VAT chưa quyết liệt, thuốc vẫn chưa đủ liều với một cơ thể đang bệnh nặng.
Ông Dominic Vũ kiến nghị cần nhanh chóng triển khai các hình thức hỗ trợ, trong đó, đi thẳng vào vấn đề kích cầu, nhất là trong bối cảnh năm sau nhiều mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tăng 5-10%. Ngoài ra, ông cho biết, các doanh nghiệp mong tiếp tục được hỗ trợ về thủ tục giấy tờ, bỏ hết các rào cản giấy phép. "Đây là cơ hội để cải cách thủ tục hành chính nhanh hơn", ông nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, ông Duy Anh cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc thống nhất chính sách chống dịch, không nên để mỗi tỉnh một kiểu. "Ví dụ người từ TP HCM đến Hà Nội không phải cách ly, nhưng về Vĩnh Phúc là cách ly 15 ngày, chuyên gia giờ không dám đến doanh nghiệp", ông nói.
Ông cũng đề cập đến mong mỏi của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thêm với nguồn vốn vay lãi suất hợp lý cũng như được hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo. Đây là những yếu tố doanh nghiệp rất cần trong bối cảnh hiện nay, để thích ứng với bối cảnh có nhiều bất định.
"Doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ biến mất. Sản xuất, quản trị phải tinh gọn và hiệu quả, khi cần lớn thì lớn được, thu hẹp thì thu được ngay, nếu không bão to sẽ hỏng", ông Duy Anh nhận xét.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-nhieu-lo-lang-voi-nam-2022-a395.html