Các tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Chuyển mình từ đại dịch
Cùng niềm đam mê và quyết tâm làm giàu, nhiều thanh niên trẻ Thủ đô đã khởi nghiệp thành công ở lĩnh vực công nghệ - xu hướng mới trong mùa dịch.
Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi hoạt động đều chuyển sang trực tuyến (online) thì các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ được xem là xu hướng tất yếu để các start-up “tránh bão dịch”.
Anh Lê Hùng - Giám đốc một start-up thực phẩm sạch cho rằng, việc sử dụng những ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các khâu như quản lý sổ sách, hành chính văn phòng, chăm sóc khách hàng… giúp công ty tiết kiệm 50% nhân sự và chi phí so với dự tính.
Thực tế, cộng đồng start-up với hệ thống sản phẩm CNTT khởi nghiệp sáng tạo rất được quan tâm và hỗ trợ. Điều này mở ra cơ hội cho start-up công nghệ được thử sức mình trong một sân chơi lớn, có cơ hội được hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.
Có thể nói, việc khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT thực sự là xu thế, phù hợp trong bối cảnh mùa dịch. Đơn cử như trong 8 dự án khởi nghiệp hiện được bình chọn nhiều nhất của Đại học Mở Hà Nội trong tháng 9/2021 thì 7/8 dự án trong lĩnh vực CNTT.
Cũng mang trong mình niềm đam mê lớn và quyết tâm làm giàu, chị Chu Thị Thủy lại chọn chương trình OCOP làm lối đi dẫn tới thành công. Trong tay chỉ có 44 triệu đồng nhưng với quyết tâm mang đến sản phẩm sạch cho gia đình và những người xung quanh, chủ trang trại nấm Tâm An (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã khởi nghiệp và thành công.
Năm 2017, trên thị trường Việt Nam có nhiều loại nấm nhưng khoảng 80% mặt hàng này là nhập từ Trung Quốc. Trong khi nguồn nguyên liệu chính để trồng nấm là rơm rạ thì lại đang bị lãng phí trên chính mảnh đất quê hương. Một ý tưởng nảy lên trong đầu chị Thủy lúc ấy: “Sao mình không trồng nấm?
Nghĩ là làm, chị Chu Thị Thủy đã phác thảo mô hình kinh doanh từ trang trại đến bàn ăn, cùng với đó là công khai minh bạch quy trình nuôi trồng nấm, giúp người tiêu dùng yên tâm trong bữa cơm gia đình.
Tuy nhiên, chị Thủy phải trải qua nhiều lần thất bại như nấm bị mốc, hỏng, sâu hay nhiệt độ không phù hợp dẫn tới hỏng cả vườn ươm… Dù thế, chị không nản chí, vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình và niềm vui, hạnh phúc nhân lên khi chị Thủy nhìn thấy những cây nấm đầu tiên lớn lên.
Khởi nghiệp từ 44 triệu đồng, sau 4 năm, bằng sự quyết tâm và đam mê, chị Thuỷ đã cho ra thị trường những sản phẩm nấm chất lượng, lượng tiêu thụ lên đến hàng chục tấn nỗi năm. Đặc biệt, khi tham gia OCOP, chị Thủy càng có nhiều thuận lợi hơn trong kết nối tiêu thụ sản phẩm.
“Khởi nghiệp luôn có nhiều khó khăn nhưng mọi chuyện rồi sẽ qua nếu bạn có quyết tâm và theo đuổi đến cùng. Đặc biệt, khởi nghiệp sẽ thuận lợi hơn nếu bạn biết tận dụng các cơ hội” - chị Chu Thị Thủy tâm sự.
Làm được sản phẩm đã khó, bán sản càng khó hơn. Vì thế, điều đầu tiên các bạn trẻ cần làm là thấu hiểu thị trường, sản phẩm đó hướng đến đối tượng nào, kết nối với người tiêu dùng ra sao? Những câu hỏi: Làm thế nào để tham gia thành công vào việc bán hàng OCOP; Hướng tiêu thụ những năm tới của thị trưởng sản phẩm OCOP là gì? Những chính sách của thành phố đối với việc phát triển sản phẩm OCOP trong đó có sự tham gia của người trẻ... là điều các start-up trẻ cần tìm ra lời giải khi dấn thân vào hành trình khởi nghiệp.
Vườn ươm cho người trẻ
Thành phố Hà Nội là trung tâm Chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Do vậy, Thành phố đã xác định sở hữu trí tuệ (hay còn gọi tài sản trí tuệ) là vấn đề rất quan trọng cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cái được nhất chính là tạo dựng cơ sở pháp lý cho nhãn hiệu, cho doanh nghiệp đồng thời tạo niềm tin từ người tiêu dùng. Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thể hiện rõ vai trò của mình khi thôi thúc người trẻ tìm hiểu cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ các mục tiêu của họ, giúp biến ý tưởng của họ thành hiện thực, tạo thu nhập, tạo việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh.
Có một thực tế, đối với không ít người trẻ, đặc biệt là sinh viên, việc thiếu kiến thức liên quan đến sở hữu trí tuệ, nên ngoài việc vô tình vi phạm quyền tác giả, một số sinh viên còn là nạn nhân bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, trong các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, hay khởi nghiệp, hầu hết các sinh viên chỉ quan tâm đến việc hoàn thiện, phát triển sản phẩm một cách tốt nhất, hay tập trung kêu gọi hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án, mà ít ai nhớ đến việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các ý tưởng tham gia dự thi. Như vậy, những ý tưởng, giải pháp này, sau khi được trình bày tại hội thi, sẽ gặp phải rủi ro bị người khác sao chép ý tưởng vô tội vạ, vì không được pháp luật bảo hộ độc quyền.
Mới đây, phát biểu tại Hội thảo "Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam" do Cục Sở hữu trí tuệ phối hơp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã nhấn mạnh: Sở hữu trí tuệ đối với xã hội và ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, thanh niên Việt Nam, khi lực lượng thanh niên hiện nay chiếm gần 1/4 dân số, là chủ nhân tương lai của đất nước luôn tiên phong trong đổi mới sáng tạo, là tác nhân tự nhiên của sự thay đổi, của những con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Trang bị đầy đủ kiến thức về sở hữu trí tuệ cho sinh viên là việc cấp thiết, cần làm ngay để các bạn trẻ không bị vi phạm pháp luật Sở hữu trí tuệ một cách vô ý; ngoài ra, còn tạo động lực thúc đẩy sinh viên tham gia đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp khoa học, kỹ thuật sáng tạo, chuyên sâu và đột phá hơn, phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội, trên cơ sở được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách chặt chẽ.
Năm 2021, thực hiện Quyết định số 5508/QĐ-UBND ngày 08/12/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt đơn vị tổ chức chủ trì, kinh phí và thời gian thực hiện sự án Sở hữu trí tuệ thuộc Chương trình Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện và nghiệm thu 22 dự án sở hữu trí tuệ, trong đó có 18 sản phẩm như là Bưởi đỏ Đông Cao - huyện Mê Linh, Rau an toàn Yên Nghĩa - Hà Đông, Gạo Đỗ Động - huyện Thanh Oai, Hoa Đan Phượng - huyện Đan Phượng,.. đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể; 4 sản phẩm gồm Miến dong Minh Hồng - Ba Vì, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, bánh tẻ Phú Nhi và chuối Vân Nam - Phúc Thọ được hỗ trợ phát triển. Qua đó nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm Thủ đô và, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang được người tiêu dùng tin dùng.
Việc ứng dụng các sáng chế và tài sản trí tuệ trong công tác đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng tích cực, hiệu quả, giúp các cá nhân và doanh nghiệp đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nhiều start-up đã thành công, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã có các start-up gọi vốn lên tới triệu đô, điển hình là Got It.
TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ đã nhận định rằng: “Các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ; hoặc có bảo hộ và khai thác nhưng chưa hiệu quả, gây không ít khó khăn cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Chính Văn
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khoi-nghiep-sang-tao-nhieu-co-hoi-hon-voi-nguoi-tre-a3837.html