Đồng Nai: Thiếu nhân lực, doanh nghiệp khó tăng tốc sản xuất

Khoảng 99% doanh nghiệp (DN) trên địa bàn H.Nhơn Trạch đã phục hồi sản xuất, trong đó nhiều DN phục hồi 100% công suất nhưng mới có gần 90% lao động trở lại nhà máy.

images2420017-11-1639146076.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Chemtrovina

Nguyên nhân là do một bộ phận lao động đang trong quá trình cách ly, chưa đủ điều kiện đi làm. Bên cạnh đó, lao động các tỉnh về quê chưa trở lại làm việc. Điều này khiến các DN gặp khó khăn trong phục hồi và tăng tốc sản xuất.

Chưa đủ nhân lực cho sản xuất

Công ty TNHH Hwaseung Vina là DN có nhiều công nhân nhất trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Thời điểm trước khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, công ty có hơn 14 ngàn công nhân làm việc tại nhà máy ở H.Nhơn Trạch, nhưng hiện tại mới khoảng 11 ngàn lao động làm việc, thiếu khoảng 3 ngàn người. Việc thiếu hụt nhân lực và biến động lao động do các ca F0, F1 phải thực hiện cách ly tại nhà khiến DN phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất thường xuyên, khó tăng quy mô. Hiện DN cần thêm khoảng 1 ngàn lao động để bù đắp lại số lao động thiếu.

Tương tự, Công ty TNHH Dệt may Eclat mới có hơn 80% lao động trở lại làm việc. Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng vụ công ty cho biết, trước đợt dịch lần thứ 4, công ty có hơn 6 ngàn lao động, nhưng hiện tại chỉ khoảng 5,2 ngàn lao động làm việc. Số còn lại nghỉ thai sản, nghỉ phòng dịch theo quy định và nghỉ việc về quê.

“DN đang có nhu cầu tăng công suất để bù lại những tháng giãn cách xã hội và phục vụ nhu cầu thị trường đầu năm 2022 nhưng nguồn lao động không đủ. Ngoài số lao động chưa đi làm trở lại, công ty cần thêm 1.000 người. Lao động mới vào được hưởng các chế độ hỗ trợ như người cũ, khoảng 850.ngìn đồng/tháng” - bà Minh chia sẻ.

Công ty CP May thêu Future mới đi vào hoạt động nhưng đã có nhiều đơn đặt hàng. Vấn đề DN này lo lắng và cần sự hỗ trợ của địa phương là nhân sự. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, phụ trách nhân sự của công ty cho biết, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng DN đã đón nhận được các đơn hàng. 2 tháng nay, DN tuyển nhân sự nhưng chỉ được vài chục người.

 “Chúng tôi đang cần người làm nhưng tuyển dụng rất khó khăn. Chúng tôi xác định từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ tuyển được khoảng 200-300 lao động. Sau Tết, người lao động trở về Đồng Nai nhiều, chúng tôi hy vọng bổ sung khoảng 1.000  người” - bà Hoa cho hay.

Ông Lưu Thanh Bình, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Nhơn Trạch cho biết, hiện 99% DN đã phục hồi sản xuất nhưng mới có gần 90% lao động trở lại làm việc. So với tháng 5-2021, còn khoảng 10 ngàn lao động chưa trở lại nhà máy. Ngoài số lao động chưa trở lại làm việc, từ nay đến hết năm 2021, các DN trên địa bàn cần thêm khoảng 16,5 ngàn lao động mới. Hầu hết các ngành nghề đều thiếu nhân sự, nhưng nhiều nhất vẫn là may mặc, da giày.

Hỗ trợ DN phục hồi sản xuất

Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Nhơn Trạch Lưu Thanh Bình cho rằng, thông thường cuối năm các DN đều có nhu cầu bổ sung nhân sự để chạy đơn hàng cuối năm. Năm nay, do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN phải giảm quy mô hoặc tạm ngưng sản xuất nên nhu cầu nhân sự cuối năm tăng nhiều hơn. Hiện tại, nhiều DN gặp khó khăn trong phục hồi và tăng tốc sản xuất vì lao động về quê chưa trở lại; các ca F0, F1 phải thực hiện cách ly tại nhà theo quy định.

 Đại diện một DN sản xuất giày da xuất khẩu trên địa bàn H.Nhơn Trạch cho hay, DN có nguy cơ bị giảm, thậm chí mất đơn hàng vì không đảm bảo tiến độ. “Hiện tại, chúng tôi đang chạy đơn hàng của tháng 10, tháng 11. Để đáp ứng các đơn hàng cuối năm nay và đầu năm tới, chúng tôi cần thêm khoảng 300 lao động, nhưng rất khó kiếm người. Năm nay, Chính phủ không yêu cầu tăng lương tối thiểu vùng, mục đích là chia sẻ khó khăn với các DN. Nhưng một số DN đã thông báo tăng lương, tăng phụ cấp để cạnh tranh tuyển dụng nhân sự” - đại diện DN chia sẻ.

Đại diện Công ty Dệt may Eclat cho rằng, đến hết tháng 12 mà không tuyển dụng được nhân sự, DN buộc phải hợp đồng với các đơn vị cung ứng lao động thời vụ. Điều này khiến DN phát sinh chi phí, nhưng phải chấp nhận vì không thể xin gia hạn đơn hàng mãi.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho rằng, thiếu hụt nhân sự là tình trạng chung của nhiều DN trên địa bàn tỉnh chứ không riêng H.Nhơn Trạch. Nguyên nhân là do trước đó có làn sóng di cư lao động về các tỉnh. Để hỗ trợ DN, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã kết nối các địa phương để DN về quê tìm nhân sự. Trước mắt có các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk và Ninh Thuận phản hồi, còn lại vẫn đang chờ thông tin từ các địa phương về nguồn nhân lực hiện có, đưa đón người. “Tâm lý chung của người lao động là chưa muốn trở lại Đồng Nai. Phần vì dịch bệnh còn phức tạp, phần vì cận Tết Nguyên đán, việc đi lại nhiều tốn kém. Do vậy, DN đã thiếu lao động sẽ càng thiếu thêm” - bà Trâm cho hay.

Theo H.Nhơn Trạch, các DN trên địa bàn đang phục hồi sản xuất khá tốt. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, DN đối mặt với tình trạng thiếu và biến động lao động. Đối với DN có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch thì tình hình nhân sự tương đối ổn. DN có số lượng lao động lớn, DN mới đi vào hoạt động thì thiếu nhiều lao động. Huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người lao động các tỉnh quay lại làm việc. Về lâu dài, địa phương quan tâm triển khai các dự án hạ tầng như: nhà ở xã hội, giao thông, trường học để người lao động yên tâm ở lại địa phương.

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dong-nai-thieu-nhan-luc-doanh-nghiep-kho-tang-toc-san-xuat-a380.html