Ngoài nhân lực ngành công nghệ thông tin từ các trường đại học và viện nghiên cứu, tôi nghĩ nên tăng cường sử dụng nhân lực từ các trường, viện, các công ty nước ngoài để nâng tầm nhân lực công nghệ thông tin cho TP.HCM. Có thể tăng cường những hoạt động hợp tác, trao đổi, giáo dục, đào tạo một cách mạnh mẽ và thiết thực hơn để lao động có thể thường xuyên nâng cấp chính mình.
Tôi từng đi nhiều nơi, tham gia và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về công nghệ thông tin, tôi thấy rất rõ rằng năng lực của nhân lực công nghệ Việt Nam ở nước ngoài không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Nhiều người đang nghiên cứu, làm việc ở các đại học, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Ngay tại Thung lũng Silicon (Mỹ), dấu ấn của các chuyên gia công nghệ từ Việt Nam luôn hiện hữu và được đánh giá cao.
Khai thác đội ngũ chuyên gia này không hẳn đồng nghĩa với việc mời họ về nước làm việc toàn thời gian. Thay vào đó, có thể tạo những cơ chế để các chuyên gia Việt có thể đóng góp vào các lĩnh vực trong những giai đoạn mà TP thật sự cần. Có thể lập các hội nhóm các chuyên gia ở nước ngoài để tham khảo các góp ý. Ngoài ra, các chuyên gia hầu hết cũng sẵn sàng tham gia những buổi đào tạo, huấn luyện từ xa cho các sinh viên ở các trường đại học hay đội ngũ nhân sự tại các công ty hay các cơ quan nhà nước. Ngày nay chỉ cần Internet, họ có thể đứng lớp những buổi đào tạo như thế để góp sức cùng nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin trong nước.
Hướng tiếp cận với các ứng dụng công nghệ cũng rất quan trọng, vì nhìn chung, phát triển công nghệ thông tin là một cuộc đua tương đối tốn kém. Do đó, khi áp dụng công nghệ nên có những hướng mũi nhọn theo định hướng của TP để tận dụng tối đa nguồn lực hiện có. Chẳng hạn, công nghệ nên được đẩy mạnh để nâng cao hiệu suất lao động trong các nhà máy của TP.HCM, phát triển hạ tầng, canh tác nông nghiệp xanh hay khai thác nguồn tài nguyên biển của TP.
Khi chưa thể tự mình xây dựng các công cụ công nghệ, chúng ta có thể nghĩ đến hướng chuyển giao từ các quốc gia tiên tiến và tăng cường hợp tác để tối ưu được thời gian, các nguồn tài nguyên. Không hẳn phải là phát minh lần đầu tiên được áp dụng ở những nước tiên tiến mới được xem là công nghệ mới. Ngược lại, với các công nghệ chúng ta học hỏi từ nước ngoài nhưng được vận dụng một cách linh hoạt và giải quyết hiệu quả nhất những bài toán mà chúng ta đang gặp phải cũng có thể gọi là mới. Trên thực tế, nhiều quốc gia dẫn đầu về công nghệ đôi khi cũng phải học hỏi ngược trở lại từ những nước đang phát triển như Việt Nam với những cách làm sáng tạo như thế.
Cuối cùng là bồi đắp cho thế hệ tương lai một "tư duy thông minh". Ở phần lớn các quốc gia hiện đại đều chọn hướng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là về công nghệ, sao cho phát triển được trí thông minh ở mỗi người. Nói cách khác, họ không phải dạy cho lớp trẻ cách dùng trí tuệ để chiếm lĩnh công nghệ mà ngược lại dùng công nghệ để phát huy trí tuệ của bản thân. Ngoài ra, nên hướng đến thế hệ trẻ có một phong thái trở thành công dân toàn cầu. Nhờ vậy, họ sẽ dễ dàng hòa nhập và luôn có động lực để nâng cao năng lực của bản thân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ để bắt kịp với xu hướng chung của thế giới.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nang-tam-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-a379.html