Ngân hàng Thế giới: Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng. Dựa theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới thì tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 16,8% xuống còn 5% trong giai đoạn từ 2010-2020, với trên 10 triệu người dân đã được hỗ trợ thoát nghèo.

ngan-hang-the-gioi-ty-le-ngheo-o-viet-nam-da-giam-day-an-tuong-1650970541.jpg
Đàn trâu, bò ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Đại dịch COVID-19 xuất hiện đột ngột vào cuối thập kỷ này đã làm ngưng trệ tiến độ tăng lương và cải thiện về chất lượng việc làm; đồng thời, khiến cho những tiến triển và nỗ lực giảm nghèo bị lùi lại. Ngày 28/4 tới đây, WB tổ chức lễ công bố "Báo cáo đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 – từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp". Sự kiện nhằm thảo luận các xu hướng nghèo đói và bất bình đẳng trong thập kỷ qua, những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, cùng với những thách thức giảm nghèo kinh niên.

Ngoài ra, các diễn giả tham gia lễ công bố sẽ tập trung làm rõ con đường dẫn đến thu nhập trung bình và thu nhập cao; các chính sách liên quan bao gồm việc cải tiến chất lượng trong giáo dục đại học, hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội và phát triển nguồn tài chính công để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng. 

WB cũng khuyến nghị rằng, để tiếp tục giảm nghèo và cải thiện mức sống tại Việt Nam cho tất cả mọi người rất cần các chính sách giảm nghèo mục tiêu, các chiến lược mới giúp những người đã thoát nghèo đạt được an ninh kinh tế.

Hiện nay, tỷ lệ nghèo kinh niên vẫn đang nhỉnh hơn ở một số nhóm nhất định và đây cũng là một thách thức ở chặng đường cuối trên hành trình giảm nghèo tại Việt Nam. Tỷ lệ nghèo ở một số nhóm nghèo kinh niên đã giảm gần một nửa trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, bao gồm các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình ở khu vực trung du và miền núi phía bắc. Người lao động đồng bào dân tộc thiểu số đang dịch chuyển nhanh sang làm việc ở các lĩnh vực sản xuất chế tạo chế biến, với tốc độ tương đương như dân tộc Kinh ở đầu thập kỷ.

Ngoài người nghèo, một tỷ lệ dân số đa dạng hơn đang có nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế. Tốc độ thay đổi nhanh chóng do phát triển kinh tế đem lại dù sao cũng khiến cho một số người bị tụt lại và bị giảm cơ hội tham gia vào các lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế, đồng thời tạo ra một nhóm lớn người dân không còn nghèo nhưng chưa thuộc về tầng lớp trung lưu. Cho dù rủi ro rơi vào cảnh nghèo cùng cực hiện ở mức thấp, nhưng quan ngại chính đáng của họ vẫn là được đảm bảo an ninh kinh tế ở mức cao hơn. Trong năm 2016, gần 40% người ở tầng lớp trung lưu bị tụt xuống nhóm kinh tế thấp hơn vào năm 2018. Các hộ gia đình cần có chiến lược mới để vươn lên mức sống của quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao trên chặng đường kế tiếp.

Đầu tư công bằng vào vốn nhân lực là điều kiện cần để giảm nghèo bao trùm và phá vỡ xu thế nghèo liên thế hệ. Tỷ lệ hoàn thành bậc học có sự khác biệt theo đặc điểm của hộ gia đình, cụ thể là đặc điểm về dân tộc và tình trạng kinh tế. COVID-19 cũng gây ra những tổn thất lớn về học tập, với cảm nhận rõ hơn trong số trẻ em không được tiếp cận với công nghệ số. Điều đó có thể tiếp tục nới rộng khoảng cách về đầu tư cho vốn nhân lực.

Việt Nam muốn trở thành quốc gia có thu nhập cao đòi hỏi năng suất lao động cũng cần được nâng cao. Thị trường lao động vẫn có những đặc trưng như mức lương còn thấp, khu vực phi chính thức còn lớn và các nghề đòi hỏi kỹ năng cao tăng trưởng còn chậm. Môi trường kinh doanh và giáo dục bậc cao cần tiếp tục được cải thiện sao cho nhóm dân số trẻ được tận dụng đầy đủ và có thể giúp Việt Nam hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng tăng trưởng của mình.

Chính sách kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng bền vững cần được bổ sung bằng những chiến lược phòng vệ để tránh các hộ gia đình bị tái nghèo. Các hộ gia đình đang có nguy cơ với các cú sốc khác nhau, có thể gây tốn kém, trong khi người nghèo có nguy cơ bị rơi vào bẫy nghèo. COVID-19 cho thấy hệ thống đảm bảo xã hội đang phải đối mặt với một số thách thức về khả năng tiếp cận những cá nhân và người lao động bị ảnh hưởng nhưng nằm ngoài tầm nhìn của Chính phủ, chẳng hạn người lao động trong khu vực phi chính thức.

Chính sách tài khóa có thể hỗ trợ hình thành một xã hội tầng lớp trung lưu phát triển bao trùm và thịnh vượng. Qua so sánh tác động tài khóa giữa các quốc gia, chính sách tài khóa của Việt Nam đang ở mức trung bình trong số các quốc gia thu nhập trung bình thấp về hỗ trợ góp phần giảm bất bình đẳng. Gói chính sách tài khóa phù hợp có thể giúp huy động vốn phục vụ nhu cầu đầu tư cho quốc gia và người lao động để nâng cao năng suất và thu nhập, chẳng hạn nhằm hiện đại hóa nông nghiệp, cải thiện về kỹ năng và chất lượng giáo dục, hạ tầng số vững chắc hơn và các dịch vụ liên quan.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ngan-hang-the-gioi-ty-le-ngheo-o-viet-nam-da-giam-day-an-tuong-a3787.html