Lớp 7 ngồi gõ code, đại học ôm cúp vàng
Anh Nguyễn Khương Tuấn sinh năm 1981 và hiện đang làm giám đốc của hai công ty công nghệ là Smart Tech và Onyx Việt nam. Ngay từ khi mới chỉ học lớp 7, anh đã thể hiện tình yêu của mình đối với công nghệ bằng việc tự tích tiền để mua những cuốn sách lập trình vô cùng đắt đỏ và hiếm có tại thời đó. Ở trong độ tuổi mà các người bạn đồng trang lứa khác vẫn đang mải mê đuổi bắt, bắn bi, anh đã ngồi cặm cụi gõ từng dòng code và say mê tìm tòi về công nghệ.
Niềm đam mê ấy đã cháy âm ỉ trong trái tim của một cậu bé lớp 7 rồi sau này là một chàng sinh viên ngành Điện tử - Viễn thông của trường đại học Bách khoa Hà Nội. Có lần trong một buổi học, giảng viên của anh đã thách cả lớp làm được một mạch điện tử có khả năng hoạt động. Đây gần như là một điều bất khả thi vì tất cả các sinh viên của những khóa trước đều không thể thực hiện được điều đó. Tuy nhiên, anh Khương Tuấn không vì vậy mà nản chí. Anh đã trở thành sinh viên Bách khoa đầu tiên có thể hoàn thành thử thách của thầy giáo trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Đây chính là lúc niềm đam mê về phần cứng điện tử của anh nổi lên và thôi thúc anh trở thành một nhà sáng chế trong tương lai.
Vào năm 2003, anh Khương Tuấn đã cùng những người đồng đội của mình trong trường đại học Bách khoa Hà Nội vô địch giải đấu Robocon tại Việt nam. Sau đó, nhóm của anh đã đại diện cho Việt Nam đi thi đấu tại cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á – Thái Bình Dương ABU và giành được giải Ba chung cuộc.
Sau những thành công vang dội tại các giải đấu Robocon, anh đã thành lập hai công ty công nghệ là Smart Tech và Onyx Việt Nam lần lượt vào năm 2005 và năm 2015. Đặc biệt đối với Onyx Việt Nam, công ty là tâm huyết rất lớn của anh trong việc tìm ra những giải pháp bảo mật cho các thiết bị IOT. Đây cũng chính là công ty đã thực hiện việc sáng chế ra chiếc tem định danh hàng hóa iSeal, một phát minh được ví như “cú đấm thép” giáng xuống hàng giả, hàng nhái.
“Chiếc tem 4.0” - Khắc tinh của hàng giả, hàng nhái
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều công nghệ tem định danh hàng hóa, bao gồm: Công nghệ in ấn (QR-Code, Hologram); Mã dùng 1 lần (Tem cào); Mật khẩu 32 bit (Tem chip); Tìm kiếm phi logic trong thông tin giao vận hàng hóa (Phát hiện giả mạo bằng AI).
Tuy nhiên, một số sản phẩm trên vẫn có những nhược điểm và có thể dễ bị sao chép. Tem dạng cào có điểm yếu là gây bất tiện cho người dùng và làm khó cho các cơ quan quản lý thị trường. Mỗi lần kiểm tra hàng hóa, các lực lượng chức năng sẽ phải cào tem để nhập mã. Tem chip 32 bit trong thực tế đã bị “vượt rào” rất nhiều, còn giải pháp phát hiện hàng giả qua AI thì gặp tình trạng thiếu tính hiệu quả và gần như là không khả thi ở thời điểm hiện tại.
Nắm bắt được điều đó, anh Nguyễn Khương Tuấn đã dày công nghiên cứu một loại tem chứa thông tin mã biến đổi liên tục. “Trước đây, vật mang tin định danh chỉ đọc lên một chiều thông tin. Điều khác biệt của iSeal chính là sự tương tác của 2 chiều của chiếc tem. Chính vì điều đó, thông tin mã sẽ luôn biến đổi sau mỗi lần quét, qua đó giúp chúng ta có thể phát hiện và ngăn chặn việc sao chép và làm giả con tem. Nếu một đơn vị cố tình sao chép và làm giả tem thì sẽ ngay lập tức thông tin sẽ được báo về cho các cơ quan chức năng, người dùng, nhà sản xuất và công ty Onyx Việt Nam” - Anh Khương Tuấn chia sẻ.
Về phía người tiêu dùng, việc sử dụng chiếc tem cũng khá đơn giản. Khách hàng chỉ cần cài đặt phần mềm True Origin và áp điện thoại lại gần chiếc tem in trên sản phẩm mình muốn kiểm tra, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giây, mọi thông tin về sản phẩm sẽ được hiển thị trên điện thoại của người dùng.
Theo anh Khương Tuấn, “chiếc tem 4.0” này không chỉ được dùng với các sản phẩm hàng hóa mà còn có thể ứng dụng trong việc định danh, xác thực những đồ vật hay chứng từ quan trọng như sổ đỏ, hộ khẩu, bằng cấp, bảo vật,...
Khi nghiên cứu chiếc tem iSeal, anh luôn đề ra 3 sứ mệnh, bao gồm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nhà sản xuất và hỗ trợ tối đa các cơ quan quản lý thị trường. Ngoài ra, anh còn mong muốn, thông qua sự bảo mật cao của iSeal, thị trường thương mại điện tử sẽ gián tiếp được phát triển nhờ việc người tiêu dùng có thể chủ động kiểm tra hàng hóa mà họ đã đặt mua trên mạng.
Với việc đạt đủ tiêu chí mới, khả thi và sáng tạo, tem định danh hàng hóa iSeal đã được cấp bằng sáng chế trong nước và quốc tế. Không chỉ dừng lại ở đó, vào năm 2021, iSeal đã giúp cho công ty Onyx Việt Nam vinh dự nhận được giải thưởng Sao Khuê trong lĩnh vực: Các giải pháp công nghệ mới.
Bên cạnh chiếc tem iSeal, công ty Onyx Việt Nam với người đứng đầu là giám đốc, nhà sáng chế Nguyễn Khương Tuấn còn sở hữu nhiều phát minh nổi bật khác như hàng rào điện tử Efence, mật mã OnyxCypher,... Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến là khóa mật mã an toàn CyLock, sản phẩm này đã đạt giải thưởng Sao Khuê năm 2020 và được hội đồng giải thưởng đánh giá là Sản phẩm công nghệ xuất sắc.
Thanh Vũ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nha-sang-che-nguyen-khuong-tuan-va-cu-dam-thep-vao-hang-gia-hang-nhai-a377.html