Bộ Giáo dục yêu cầu các trường THPT xây dựng một số tổ hợp khi triển khai lớp 10

Ngày 19/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những lưu ý cụ thể về việc tổ chức thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.

Ngày 19/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.

Theo văn bản, Bộ lưu ý việc tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục một số môn học, hoạt động giáo dục đối với lớp 10, liên quan đến xây dựng các tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học); vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

20210906-110157-2181-7511-9226-1650499395.jpg
Ảnh: Lã Tiến

Nhà trường công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.

Xây dựng các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp; học sinh chỉ được chọn cụm chuyên đề trong các môn học bắt buộc và các môn học đã lựa chọn.

Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật), nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn. Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục trung học triển khai môn tự chọn khi có điều kiện

Với môn Ngoại ngữ 1: Đối với các lớp chưa thực hiện dạy môn Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếp tục thực hiện môn Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Với môn học tự chọn: Khuyến khích các cơ sở giáo dục trung học triển khai dạy học các môn tự chọn khi nhà trường có điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Nội dung giáo dục của địa phương: Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên.

Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Về Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp: Chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lý, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên.

Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường; tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.

Cán bộ quản lý, giáo viên được phân công tổ chức hoạt động nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Hoài Ân

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bo-giao-duc-yeu-cau-cac-truong-thpt-xay-dung-mot-so-to-hop-khi-trien-khai-lop-10-a3611.html