Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự thảo luật có bổ sung quy định trường hợp cần thiết giao thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là vấn đề mới. Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 quy định tần số cấp cho quốc phòng, an ninh thì chỉ phục vụ quốc phòng, an ninh, không phục vụ kinh doanh, nhằm tách bạch kinh doanh và công ích. Quốc phòng, an ninh là mạng chuyên dùng đặc biệt, có yếu tố bảo mật nên không dùng chung công nghệ và tần số với dân sự.
Khi sửa đổi luật lần này lại đưa vấn đề lưỡng dụng vào, cũng như việc cấp tần số kinh doanh đang rất khan hiếm cho mạng chuyên dùng, trong khi tần số cho chuyên dùng lại đang còn rất nhiều, chiếm tới 85% tổng doanh số thì lại không dùng. Đây là vấn đề cần được thảo luận và cân nhắc rất thấu đáo. Lĩnh vực công nghiệp sản xuất có thể lưỡng dụng, như công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh nhưng lĩnh vực dịch vụ thì phải cân nhắc - theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
"Ngành bưu chính viễn thông đã mất nhiều chục năm mới tách bạch được kinh doanh và công ích để phát triển và thực ra mới được hơn 10 năm, nay gộp vào cũng phải cân nhắc rất kỹ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc sử dụng tần số phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội phải được phân định rõ ràng theo các mục đích sử dụng khác nhau.
Việc sử dụng cùng một tần số, cùng một băng tần phân bổ với hai nhiệm vụ khác nhau là không tách bạch rõ ràng về mục đích, khó kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho từng loại nhiệm vụ và tài chính doanh nghiệp. Việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích quốc phòng, an ninh được ưu tiên, bảo mật đặc biệt; còn việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội theo cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh.
Do đó, việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích này là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn. Đề nghị báo cáo thêm kinh nghiệm quốc tế cụ thể về cho phép phân bổ cùng một tần số, cùng một băng tần vô tuyến điện vừa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh vừa kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm, tần số không phải là cơ sở hạ tầng đơn thuần, có tính bảo mật rất cao trong tình huống đặc biệt với quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Việc sử dụng băng tần, tần số cho mục đích quốc phòng, an ninh được ưu tiên bảo mật đặc biệt, còn khi sử dụng trong phát triển kinh tế - xã hội thì phải công khai, minh bạch, có tính cạnh tranh.
Đồng tình với Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dải sóng đã dành cho quốc phòng, an ninh thì nên để cho quốc phòng, an ninh. Dải sóng nào để phát triển kinh tế - xã hội và làm các mục đích khác thì tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đều có thể tham gia, không nên xác định theo hướng ngược lại.
Trước các ý kiến về việc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và doanh nghiệp an ninh cũng sử dụng tần số vô tuyến điện và có thể sử dụng kết hợp mục đích kinh tế và mục đích an ninh - quốc phòng trong trường hợp này, Đại tá Vũ Hữu Hanh, Phó tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng giải thích: Viettel được cấp băng tần theo diện doanh nghiệp như mọi doanh nghiệp viễn thông khác. Còn tần số trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng được cấp theo quy trình khác. Đây là hai việc độc lập với nhau.
Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sau khi được UBTVQH nhất trí sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ ba và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư.
Thùy Lâm
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/can-tach-bach-tan-so-kinh-doanh-va-tan-so-quoc-phong-an-ninh-a3527.html