Lịch sử cũng chứng minh: Sự hưng thịnh và phát triển của một đất nước luôn gắn liền với quá trình đãi ngộ và sử dụng người tài. Nhưng để người tài trở thành nguồn lực của đất nước, là điều không đơn giản.
Trong “Bình Ngô Đại cáo”, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã có câu: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Điều này cho thấy nước ta từ xưa đến nay, không lúc nào là không có người tài, người có năng lực làm việc và cống hiến tốt.
Từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cho đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách trong tìm kiếm, thu hút, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Những chủ trương, chính sách này được thể hiện sinh động trong các kỳ đại hội đảng và thể hiện rõ quan điểm không chỉ thu hút người tài mà còn phải nghiên cứu, xây dựng chính sách thích hợp để tôn vinh, trọng dụng nhân tài, phát huy những năng lực, sở trường, trí tuệ của mỗi người cùng với các chính sách đãi ngộ thỏa đáng về vật chất, tinh thần, tạo lập môi trường, điều kiện làm việc để họ cống hiến, sáng tạo. Bên cạnh đó, còn có chính sách thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài về nước...
Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề trọng dụng đội ngũ trí thức nói chung, nhân tài nói riêng ở nước ta vẫn còn những bất cập và hạn chế so với yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Nó biểu hiện rõ nét là việc tuyển chọn, bố trí sắp xếp cán bộ, sử dụng đội ngũ cán bộ, người tài có lúc, có nơi chưa chính xác, vẫn còn biểu hiện áp đặt từ trên xuống cùng tư duy địa phương chủ nghĩa, thân hữu, cánh hẩu, chạy chức chạy quyền...
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, nước ta càng cần có đội ngũ cán bộ, trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Muốn vậy, Nhà nước cần sớm xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Việc trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục, như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu” như Bác Hồ đã từng nói.
Xã hội càng phát triển thì vai trò của trí thức nói chung và nhân tài nói riêng càng có vị trí, vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định hàng đầu đối với sự phát triển của đất nước. Nếu biết dùng người, chúng ta không lo thiếu cán bộ. Vì vậy, thời gian diễn ra đại hội đảng các cấp hiện nay, là điều kiện tốt để chúng ta lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài, đồng thời đưa ra các chủ trương, biện pháp hữu hiệu để tìm kiếm, thu hút và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Có như vậy mới giúp người tài phát huy tốt mọi khả năng và trách nhiệm của mình đối với xã hội, trở thành nguồn lực của đất nước và sức mạnh cho sự phát triển của quốc gia.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhan-tai-va-su-phat-trien-a351.html