Làm gia vị phở, bún... bán cho Nhật, kiếm trên 1 tỉ đồng/tháng

Hàng năm Việt Nam xuất khẩu nhiều gia vị thô như quế, hồi, đinh hương, thảo quả… nhưng để phát triển tăng giá trị gia vị thô phải chuyển hóa sản xuất từ bếp ăn thành sản phẩm đóng gói.

Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) vừa tổ chức tọa đàm “Dòng chảy thị trường gia vị”. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, một trong các thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam là gia vị. Gia vị xuất hiện dưới nhiều hình thức tươi, khô, bột…

Thời gian qua có sự cạnh tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp (DN) làm gia vị Việt Nam với các công ty đa quốc gia cũng như sản phẩm ngoại nhập. Sự cạnh tranh này có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt.

Bà Hạnh dẫn chứng, có những tháng liên tiếp nhau tương ớt của công ty này vượt lên sau đó công ty đối thủ khuyến mãi nhiều hơn để giành lại vị trí. Tuy nhiên, điều này cho thấy tín hiệu tốt sản phẩm gia vị Việt Nam ngày càng có vị thế thị trường nội địa và thế giới.

Có mặt ở thị trường 10 năm và khởi nghiệp từ một công ty nhỏ, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát nói không xem đối thủ là cạnh tranh mà luôn học hỏi, tìm ra những hướng đi mới để thu hút khách hàng.

Đơn cử, cách đây vài năm có một khách hàng Việt kiều đề nghị công ty sản xuất tương ớt tương tự một thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ và phải ngon như chất lượng thị trường Mỹ. Mặc dù tốn nhiều chi phí và rủi ro, dù số lượng nhỏ nhưng công ty vẫn nghiên cứu phát triển sản phẩm cho đối tác.

Bằng việc chọn các nguyên liệu tươi xuất xứ từ Việt Nam như ớt xiêm xanh, tỏi, trái cây...đã tạo ra sản phẩm đa dạng mang hương vị đặc thù của Việt Nam.

gia-vi-viet-9000-1650165823.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Tú Uyên

Ban đầu (2013-2014) mỗi tháng công ty xuất khẩu sang Mỹ vài ngàn chai xốt ớt nhưng đến nay mỗi tháng 40 ngàn chai. Đặc biệt, đây là sản phẩm không chỉ bán cho người Việt tại Mỹ mà cả người Mỹ tiêu dùng.

“Do tin tưởng, đối tác Mỹ đã nhờ công ty trồng và phát triển sản phẩm xốt mới bằng giống ớt Habanero với độ cay gấp 300 lần ớt thường Việt Nam”, bà Vân Anh kể.

Cũng theo bà Vân Anh, hàng năm Việt Nam xuất khẩu nhiều gia vị thô như quế, hồi, đinh hương, thảo quả…nhưng để phát triển tăng giá trị gia vị thô phải chuyển hóa sản xuất từ bếp ăn thành sản phẩm đóng gói.

Đơn cử người Nhật rất thích các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở bò nhưng làm sao mang hương này vị qua Nhật. Sau đó, đối tác nhờ công ty làm gói gia vị phở và họ đang đặt thêm gia vị bún mắm, bún chả cá Nha Trang, bún bò Huế…đóng gói cùng bún, phở để xuất khẩu sang Nhật.

“Ba năm qua, hợp tác với đối tác Nhật tại Việt Nam mang lại doanh số đạt 1-1,2 tỷ đồng/tháng. Công ty mới xuất khẩu container 22.320 sản phẩm gia vị phở qua Nhật. Cuối tháng 5 tiếp tục xuất khẩu một container 200.000 sản phẩm gia vị bún bò, bún mắm, bún cá… để họ bán vào siêu thị Costco Nhật”, bà Vân Anh nói.

Theo bà Vân Anh, thị trường gia vị của Việt Nam rất tiềm năng, riêng gia vị ở dạng xốt và bột khô cho doanh số rất lớn.

Cụ thể, từ giữa năm 2021 công ty mới quyết định ra sản phẩm riêng và dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19 doanh số đạt 121 tỷ đồng. Năm 2022 công ty đẩy mạnh thị trường nội địa, dự kiến doanh số đạt 180 tỷ đồng (chưa tính xuất khẩu).

Theo chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, người tiêu dùng ngày càng thích sự thuận tiện nên các loại gia vị đóng gói sẵn như tương ớt, các loại nước xốt, nước chấm càng phổ biến.

Cách đây vài năm, các loại muối để chấm trái cây chưa nhiều nhưng bây giờ từng loại muối chấm cho từng loại trái cây trở nên phổ biến hơn.

Song song đó, “gu” ẩm thực của các quốc gia khác nhau, gia vị sẽ có đặc thù riêng. Vì vậy, thị trường gia vị Việt Nam chưa có nhiều DN nước ngoài đầu tư vào, đây cũng là lợi thế cho DN Việt.

Tú Uyên

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/lam-gia-vi-pho-bun-ban-cho-nhat-kiem-tren-1-ty-dongthang-a3489.html