Chuyện kể kỷ niệm một thời lãnh tụ Lê Duẩn

Một ngày đầu tháng 12 năm 2021, tôi và Nguyễn Đình Chiến lại thăm Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Giáo sư tiếp chúng tôi tại phòng họp tầng 1 trong dinh thự xây từ thời Tây giờ là di tích nơi ở, làm việc của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại số 06 đường Hoàng Diệu, Ba đình, Hà Nội.

Từ những thập niên 70 của thế kỷ XX, tôi lúc đó đang tuổi thanh niên cũng vài lần được vào đây. Cơ duyên là từ năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Lê Duẩn cùng Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều, em ruột nhà văn Nguyễn Công Hoan. Mấy anh em ông được bố mẹ đặt tên là Hoan, Hỷ, Mỹ, Miều. Các ông Hỷ, Mỹ đều mất sớm) ra tù Côn Đảo lần thứ hai rồi về Hà Nội có ở nhà cha tôi - nhà văn Vũ Ngọc Phan, mẹ tôi nhà thơ Hằng Phương một thời gian. Sau này ông Ba Duẩn gặp lại có nhắc: “ Chị Hằng Phương trước đẹp và nấu ăn ngon có tiếng”. Bên gia đình Mẹ tôi ở Điện bàn, Quảng Nam có nhiều người tham gia chống Pháp, chống Mỹ, tham gia cách mạng; có một người tôi gọi là anh Phan Đống Ngạc làm thư ký, sau là trợ lý suốt đời cho ông Ba Duẩn.

      Dinh thự số 6 Hoàng Diệu, Hà nội được xây dựng từ thời Tây có một tầng trệt và hai tầng lầu, mặt trước dinh thự có cầu thang bộ lớn lên thẳng tầng 1, khi vào sảnh có thang gỗ to rộng lên tầng 2 là phòng làm việc cơ mật của ông Ba Duẩn. Vợ chồng anh Hồ Ngọc Đại học ở Lomonoxop, Liên Xô về được ông Ba Duẩn cho ở một phòng  phía bên tay phải ở tầng 2 liền bên phòng cơ mật. Tôi cũng được gặp và quen biết Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ rất sớm. Dù ông lớn hơn tôi gần hai chục tuổi nhưng hai anh em hay chuyện bàn thế sự, về văn hóa,… Ông cũng quý mến tôi, đó là một vận may.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại vui kể lại kỷ niệm xưa:

     - “ Hồi ấy, ông Đào Duy Tùng Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, rồi ông Tố Hữu, sau là ông Lê Đức Thọ gọi sang nhà riêng ở số 06 Nguyễn Cảnh Chân bảo tôi nhận làm Thứ trưởng, sau vào Trung ương khóa này (Khóa IV) lên Bộ Trưởng Giáo dục”. Tôi nói: “ Làm Thứ trưởng, Bộ Trưởng có nhiều người giỏi hơn tôi để họ làm. Tôi xin được chuyên nghiên cứu, giảng dậy giáo dục thôi”.

        Sau đấy có một lần ngồi ăn cơm, Ba tôi (ông Ba Duẩn) nói: “Con cần phấn đấu rèn luyện để sau có được sự nghiệp”, tôi hỏi lại: “Theo Ba thế nào là sự nghiệp?”. Ông Ba Duẩn không trả lời. Lúc sau ăn cơm sắp xong, ông bảo tôi: “Giờ ba con ta ngồi đây, muốn đi ra khỏi đây thì đi chỗ nào?”, nói rồi ông chỉ tay ra cửa sổ và cửa đi. Tôi im lặng.

gs-ho-ngoc-dai-1638938022.jpg

Giáo sư Hồ Ngọc Đại tại phòng họp của TBT Lê Duẩn 01/12/2021.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể tiếp: “Khi ông Lê Đức Thọ bị bệnh nặng nằm trong Quân y Viện 108 có mấy lần nhắn tôi vào. Hồi đó thanh niên, cứ cuối buổi chiều là đi đá bóng rồi uống bia thành ra không vào được. Một buổi tối có người tức tốc đến nói: “Bác Sáu (Lê Đức Thọ) nói anh vào ngay gặp Bác”. Khi tôi vào, ông Lê Đức Thọ đã yếu lắm, ông nắm tay tôi nói: “Bác cả đời làm tổ chức mà không bảo được cháu,…” rồi giây lát ông buông tay, đầu ông nghẹo sang một bên qua đời. Lúc đó khoảng 21g30 phút. Tôi (Vũ Ngọc Phương) vào chậm sau đó ít phút, những người vây quanh chứng kiến việc ông Lê Đức Thọ trăn trối với Giáo sư Hồ Ngọc Đại nay vẫn còn khỏe mạnh. Ông Lê Đức Thọ là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam, ông rất sắc sảo, rất có tài nhìn ra và trọng dụng nhân tài cho đất nước. 

        Im lặng hồi lâu, chợt Giáo sư bảo: “Này, cái phòng của vợ chồng mình liền ngay phòng làm việc cơ mật của Ba (Lê Duẩn). Còn nhớ hồi đầu mùa hè 1967, nóng quá, mình bò ra sàn lau nước,… chợt Ba đi qua hỏi: “ Con làm gì vậy?”, “ Dạ, con lau cho mát”. Ba nói: “Các con sang phòng làm việc của Ba mà nằm”. Hồi đó duy nhất trong nhà phòng ấy có máy điều hòa, phòng cơ mật của ông đầy tài liệu toàn đóng dấu “Tuyệt Mật”, trong phòng có hai điện thoại hữu tuyến, một cái chỉ mình ông nghe, một cái khi nào bận hoặc vắng nhà thì tôi được nghe lúc có chuông gọi. Khi nhấc lên nghe,  các bác, các chú đều nói: “Đại hả, thằng Đại phải không,…?”

        Giáo sư Hồ Ngọc Đại tư lự: “Hồi ấy mình cũng hay được theo Ba (Lê Duẩn) sang ăn cơm với Bác Hồ. Một lần Ba bảo tôi: “Chiều nay Ba con sang ăn cơm với Bác. Con nhớ chào Bác”. Ồ mình thật ngạc nhiên, lớn thế này mà vẫn còn phải dặn. Chiều tối hai Ba con đi bộ sang bên nhà Bác Hồ. Bấy giờ chưa có nhà sàn, Bác Hồ ở trong nhà một tầng của ông thợ điện thời Tây trông coi Tòa Toàn quyền (sau là Phủ Chủ Tịch), gõ cửa, người mở là Bác Hồ mặc rất giản dị, chân vẫn đi dép lốp.  Ba tôi thưa:

      “Dạ thưa Bác đây là thằng Đại”. Bác Hồ cười cầm tay tôi: “Đại chào Bác đi”. Sau khi ăn cơm, lần nào cũng chỉ có hai món là canh và cá kho hay thịt kho, tôi đứng dậy xin phép: “ Thưa Bác, cháu ăn xong rồi”. Bác Hồ cười bảo: “Cháu đã xong đâu”. Tôi đứng phân vân: “Dạ, cháu ăn no rồi”. Bác Hồ vẫy tay: “Cháu ăn rồi, đứng dậy phải xếp lại ghế”. Sau mình mới thấy các cụ chu đáo, nghiêm cả về cách cư xử như là nhắn lại cho thế hệ mai sau truyền thống tôn ti của Dân tộc ta”.

vu-ngoc-phuong-gs-hongocdai-gs-nguyendinhchien-tbt-le-duan-1638938159.jpg
Từ trái sang phải: Vũ Ngọc Phương, Gs Hồ Ngọc Đại, Gs Nguyễn Đình Chiến trước Ban thờ TBT Lê Duẩn tại phòng họp di tích 6 Hoàng Diệu, Hà Nội

Theo lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Ông Lê Duẩn rất tôn quý Bác Hồ, thường gặp Bác Hồ xin ý kiến, chỉ thị. Sau khi Bác Hồ từ trần, những lúc đất nước lâm nguy, ông Lê Duẩn thường đến đứng lặng yên rất lâu trước bàn thờ Bác Hồ. Chuyện này thì tôi (Vũ Ngọc Phương) có được Chú Tố Hữu, ông Vũ Kỳ, anh Phan Đống Ngạc và Mẹ tôi – nhà thơ Hằng Phương kể lại rồi dặn: “Con không được nói với ai”. Thời ấy, hàng năm, đúng ngày mất của Bác Hồ là nhà thơ Hằng Phương lại mang 10 cành hoa Huệ trắng lên đặt vào bình hoa phòng Bác Hồ, đều như vậy cho tới khi nhà thơ Hằng Phương qua đời năm 1983. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng dấu tích vẫn còn hiển hiện như ngày xưa cũ.

          Chúng tôi được Giáo sư Hồ Ngọc Đại tiếp chuyện đã lâu lại còn xin Giáo sư cho phép ghi âm, ghi hình, chụp ảnh lưu niệm nên đến lúc phải xin phép ra về.

        Tiễn chúng tôi qua bậc thang đại sảnh, Giáo sư Hồ Ngọc Đại chợt bảo: “Hồi Ba (Lê Duẩn) nói làm gì, đi đâu rồi cũng phải về Hà Nội mới viết, mới nghĩ chín được. Hồi đầu mình không hiểu, sau này thì nghiệm ra. Ông (Lê Duẩn) nói Hà Nội tụ hội khí thiêng sông núi làm cho mình tĩnh tâm, sáng suốt”.

        Rồi Giáo sư cười sảng khoái: “Đời tôi có ba cái may. Thứ nhất là được học ở Liên Xô. Thứ hai được ở Hà Nội. Thứ ba là được sống cùng ông Lê Duẩn”.

        Gió lao xao luồn trên những tán cây cổ thụ trong vườn nhà số 6 Hoàng Diệu mênh mông yên bình và tĩnh lặng, thoảng đôi tiếng còi xe máy xa ngang đường vọng vào. Chú chó giống Alaska lẽo đẽo đi theo đánh hơi xem chừng khách có mang gì ở trong nhà ra không, Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở mạnh cánh cổng sắt sơn xanh đã hoen rỉ. Ông đã hơn 85 tuổi nhưng trực tính, quắc thước, nhanh nhẹn và cực kỳ sáng suốt. Có lẽ ông là một trong những nhà trí thức cuối cùng của thời đại Hồ Chí Minh. Tôi như chợt thấy hình ảnh hàng đoàn học sinh Trường Thực nghiệm của Giáo sư trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà nội đã thành danh ở nhiều nước Châu Âu, Bắc Mỹ  từ sân bay Nội Bài kéo thẳng về nguyên vali, balo trên vai đứng chật vỉa hè đợi Thầy Hồ Ngọc Đại làm xôn xao Hà Nội tháng 9/2018.

         Dưới ánh đèn đường phố, những chiếc lá vàng cuộn lăn theo gió heo may, đêm đã về khuya trên phố cũ êm đềm./.

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2021.

Vũ Ngọc Phương *

____________________________________________________________________________________________________________________________________________

* Hiện là Chủ Tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam.

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chuyen-ke-ky-niem-mot-thoi-lanh-tu-le-duan-a346.html