Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau gần 05 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.
Cụ thể, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).
Chính phủ cũng đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu ban hành luật cần nhiều thời gian trong khi Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022 nên Chính phủ đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực UBKT đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của NHNN cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42.
“Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua theo Nghị quyết đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế” – cơ quan thẩm tra nhấn mạnh và cho biết thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại 1 kỳ họp (tháng 5/2022) nhằm bảo đảm sự kịp thời cũng như tạo cơ sở pháp lý liên tục cho công tác xử lý nợ xấu.
Về nội dung dự thảo Nghị quyết, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 trong thời hạn 2 năm. Loại ý kiến thứ hai cũng thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng như trên nhưng cần xem xét sửa đổi một số nội dung cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian kéo dài thí điểm.
Đa số ý kiến trong Thường trực UBKT tán thành loại ý kiến thứ hai. Ngoài ra, trường hợp được xem xét kéo dài thí điểm và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, trong đó đánh giá tác động cụ thể đối với từng chính sách lựa chọn sửa đổi, bổ sung để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3./.
Ngọc Thành
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chinh-phu-de-nghi-keo-dai-thoi-han-ap-dung-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-xu-ly-no-xau-a3408.html