Áp lực học tập từ phía cha mẹ là nguyên nhân liên tiếp những vụ học sinh tự tử

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ học sinh tự tử vì áp lực học tập từ cha mẹ dấy lên hồi chuông cảnh báo. Theo chuyên gia tâm lý, cha mẹ Việt đang quên điều cốt lõi này mà dễ đẩy trẻ tới “cái chết”.

Nguyên nhân học sinh tự tử vì áp lực học tập

 Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập từ cha mẹ khiến nhiều người không phải xót xa. Vào cuối tháng 3, nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội; một nữ học sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. Nguyên nhân của các em tự tử đều liên quan đến học hành.

ap-luc-hoc-duong-va-ap-luc-hoc-tap-tu-phia-cha-me-la-nguyen-nhan-lien-tiep-nhung-vu-hoc-sinh-tu-tu-1649397895.png
Ảnh: minh họa

Nam sinh có tên L.N.N.M (SN 2006) học chuyên tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Theo những dòng chữ cuối cùng nam sinh để lại, cậu đã chịu nhiều áp lực từ việc học tập cũng như không nhận được sự động viên, cảm thông đúng mực từ phía bố mẹ. Nhiều hôm cậu đã phải học tới tận 3 -4 giờ sáng. Trước áp lực học hành ấy, cậu đã dại dột mà nhảy lầu tự tử.

Mới đây nhất (Theo ANTĐ) Nam sinh lớp 8 có tên B.Đ.K (SN 2008) học trường THCS Ngô Mây, Thị xã Buôn Hồ Tỉnh Đắc Lắc. Vào sáng 6/4, em K. không có thời khoá biểu học online nên lấy điện thoại chơi điện tử thì bị mẹ phát hiện la mắng. Sau đó mẹ em K. khép cửa ra vườn hái tiêu. Đến khoảng 9h sáng cùng ngày, mẹ em K. không thấy con mình ra phụ hái tiêu nên vào nhà để kiểm tra thì phát hiện em K. nằm tử vong trong nhà bếp. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện trước khi tử vong, em K. có để lại một bức thư với nội dung “Do áp lực cuộc sống gia đình làm em không thoải mái”. Được biết, em K. bố mất từ nhỏ, đang sống với mẹ và chị gái. 

Trao đổi với PV, TS. Vũ Việt Anh - Chuyên gia Giáo dục, Học viện Thành Công cho rằng, sự việc học sinh tự tử chỉ vì áp lực học tập như trường hợp bạn học sinh ở trường chuyên bị ép học tới 3 – 4 giờ sáng không phải là hiếm. Sự việc cho thấy bạn trẻ không có kĩ năng quản lý thời gian, không có kĩ năng sắp xếp công việc và giao tiếp ứng xử nên khi gặp những xung đột, vướng mắc trong gia đình không biết cách giải tỏa.

Thiếu kiến thức thì mình chỉ lãng phí một vài phần của cuộc sống nhưng mất đi kĩ năng thì mất đi cả cuộc đời. Nhiều khi áp lực tạo ra kim cương, nhưng đừng vì áp lực quá mà bị vỡ vụn. Trẻ em không phải là robot, là máy học mà có thể có kết quả hoàn hảo, ép cho giỏi toàn diện. Thế nhưng, hầu hết cha mẹ Việt đều quên điều cốt lõi này mà vô tình đẩy con tới "cái chết" vì thành tích. Cha mẹ coi con cái như một món đồ trang sức để khoe khoang, để kỳ vọng.

Trẻ IQ cao chưa hẳn là phát triển toàn diện

Việc học không chỉ đơn giản là học kiến thức, đo bằng điểm số. Để con người phát triển toàn diện không phải chỉ phát triển về mặt trí tuệ mà cần phát triển đều, toàn diện về các chỉ số thông minh khác nữa. Trẻ có rất nhiều các loại hình thông minh khác nhau, trong đó có các loại hình thông minh logic, trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh vận động, trí thông minh tương tác, trí tuệ về mặt cảm xúc…

Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, để đánh giá khả năng, năng lực của trẻ em không thể đánh giá qua một loại hình thông minh duy nhất là IQ. Trẻ cần được phát triển toàn diện theo tiêu chỉ của Unesco về học tập. Tức học để hiểu biết, để làm việc, học để sống chung và quan trọng nhất là học để làm người.

Một người Singapore có hiệu suất làm việc rất cao, hơn hẳn người Việt không phải họ học giỏi hơn mình mà chỉ là có kĩ năng áp dụng vào cuộc sống tốt hơn mình. Học sinh bắt buộc phải học 10 kĩ năng mềm thiết yếu ở trong cuộc sống như kĩ năng lí luận tính toán, kĩ năng giao tiếp ứng xử, kĩ năng xử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, kĩ năng quản trị cảm xúc bản thân… Đó là những kĩ năng rất quan trọng giúp họ biến các kiến thức thành các hành động phục vụ được bản thân, xã hội. Đừng ép buộc trẻ con trong việc học thật giỏi mà phải trang bị cho con các kĩ năng và thái độ sống đúng đắn.

"Ai cũng mong muốn cuộc sống hướng tới hạnh phúc, bởi vậy mà hãy cho con cuộc sống hạnh phúc ngay từ thời điểm hiện tại chứ đừng đợi tới tương lai thành công mới hạnh phúc. Người cha, người mẹ phải là người đồng hành, hiểu biết về câu chuyện tâm sinh lý của con cũng như xu hướng của thế giới. Qua đó cần cân đối cho con giữa kiến thức – kĩ năng – thái độ sống và đặc biệt là sức khỏe tinh thần" – TS Vũ Việt Anh chia sẻ.
nlntv-ts-vu-viet-anh-16488969526451380754579-1649386287.jpg
TS Vũ Việt Anh- Chuyên gia giáo dục, Học viện Thành Công

Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh cũng nhấn mạnh rằng, để bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý, về phía nhà trường, thầy cô giáo cũng cần tìm sự đa dạng trong công tác giảng dạy, giảm tải về nội dung, có nhiều hoạt động tương tác, gắn kết với học sinh. Thầy cô luôn nhớ rằng, không có học sinh dốt, chỉ có phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Việc học tập, đổi mới trong giảng dạy, tìm tòi những phương pháp giáo dục mới là việc làm thường xuyên của người giáo viên thời đại 4.0.

Hơn nữa, chính bản thân mỗi học sinh cũng cần có một kế hoạch học tập, nghỉ ngơi khoa học, có mục tiêu cho mỗi môn học và biết các tự tạo động lực trong học tập bằng việc tạo cho mình một không gian học tập yên tĩnh, gọn gàng, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, được trang trí theo sở thích.

Huyền Anh

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ap-luc-hoc-duong-va-ap-luc-hoc-tap-tu-phia-cha-me-la-nguyen-nhan-lien-tiep-nhung-vu-hoc-sinh-tu-tu-a3255.html