Thủ đô thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài

Trên chặng đường 25 năm thành lập và phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học TP Hà Nội là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp vào sự phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.

Nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa diễn ra tại Hà Nội, chúng tôi  có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội về phong trào khuyến học, khuyến tài của Thủ đô.

ngoc-minh-1-1638759199.jpg
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh

PV: Là trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước, phong trào khuyến học, khuyến tài của Thủ đô được quan tâm như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh: Có lẽ nhờ truyền thống hiếu học, trọng tài, hiện Hội Khuyến học TP Hà Nội có số hội viên trên tổng dân số đạt 17%, trong khi mức chỉ tiêu của Hội Khuyến học Việt Nam đặt ra là 15%. Về xây dựng tổ chức hội, ngoài 30 quận huyện, thị xã, Hội Khuyến học TP Hà Nội còn vận động được 29 tổ chức khuyến học ở các trường cao đẳng, đại học tham gia.

Ở Hà Nội, các phong trào khuyến học, khuyến tài được thực hiện sôi nổi từ cơ sở đến thành phố; việc xây dựng quỹ khuyến học được thực hiện từ từng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Mức bình quân tiền quỹ tính trên đầu người dân của Hà Nội đạt gần 50.000 đồng/người dân (mức quy định chung của Hội Khuyến học Việt Nam là 30.000 đồng/người dân). Hà Nội cũng có những mô hình hay như dân vận khéo trong xây dựng quỹ khuyến học các cấp của quận Cầu Giấy; dân vận khéo trong lôi cuốn người lớn vào phong trào học tập, học nghề của phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân)...

Đặc biệt, Hà Nội đi đầu về đẩy mạnh khuyến học đối với người lớn. Những năm qua, các tổ chức khuyến học của Hà Nội đưa điều kiện học tập đến gần với người dân hơn thay vì chỉ hoạt động tại xã, phường. Theo đó, các nhà văn hóa của khu dân cư cũng thành nhà khuyến học, nơi người lớn, trẻ nhỏ đều đến học. Những nhà khuyến học này ngoài được đầu tư từ cấp ủy, chính quyền địa phương còn nhận được nguồn vốn của chính người dân vì tính hiệu quả thiết thực.

PV: Theo bà, hoạt động khuyến học, khuyến tài của Thủ đô hiện gặp những khó khăn gì?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh: Nhìn chung chúng tôi được sự quan tâm của chính quyền, sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, Hà Nội mới chỉ có 10/30 quận, huyện, thị xã có chính sách đặc thù; 579 xã, phường, thị trấn thì chỉ có 50 cơ sở có chế độ này. Điều đó có nghĩa nhiều cán bộ hội của chúng tôi hiện chưa được hưởng công tác phí dành cho hội đặc thù.

Thực ra nếu không có chúng tôi vẫn làm và làm tốt nhưng đây là khoản tiền mang tính động viên nhiều hơn. Ngoài ra, tôi cho rằng một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sự học, công tác khuyến học, khuyến tài.

hoi-khuyen-hoc-1-1638759199.jpg
Hội Khuyến học TP Hà Nội tặng quà học sinh huyện Ba Vì trong chương trình "Sóng và máy tính cho em"

PV: Thời gian tới, phong trào khuyến học, khuyến tài của Hội Khuyến học Hà Nội cần tập trung vào những vấn đề gì?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh: Chúng tôi có khá nhiều chương trình cho tương lai, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong chương trình xây dựng Hà Nội-Thủ đô ngàn năm văn hiến, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội thành thành phố học tập. Hiện nay, Hội Khuyến học TP Hà Nội từng bước thí điểm các mô hình học tập, công dân học tập.

Chẳng hạn, khi Hội Khuyến học Việt Nam triển khai mô hình công dân học tập tại 3 địa phương tại mỗi tỉnh, thành phố; thì Hà Nội có tới 24 đơn vị quận, huyện, trường đại học, cao đẳng đăng ký triển khai thí điểm. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị cho tọa đàm ngày 14-12 tới về xây dựng các mô hình học tập trong điều kiện bình thường mới và gặp mặt các công dân học tập tiêu biểu đầu tiên của thành phố.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội nhưng không vì thế mà việc học bị dừng lại. Điều đó buộc chúng ta phải thích ứng linh hoạt với điều kiện bình thường mới. Khi ấy, những công dân học tập phải phấn đấu là những công dân số.

Bây giờ cư dân mạng rất nhiều nhưng công dân số mới là mục tiêu chúng ta hướng đến bởi họ là những người am hiểu luật pháp, có bản lĩnh và chính kiến để nhận thức đúng các vấn đề trong “biển thông tin” internet.

Trong xu thế này, vừa qua, Trường Đại học Mở Hà Nội đã giúp chúng tôi một khóa học trang bị kỹ năng tự học qua điện thoại thông minh. Họ cũng sẵn sàng có những đội tình nguyện để hướng dẫn tới từng quận, huyện, thị xã của Hà Nội trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên bởi công tác của hội khuyến học không chỉ là chăm lo quyền lợi cho hội viên mà là góp phần thúc đẩy phong trào học tập của toàn xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thu-do-thuc-day-phong-trao-khuyen-hoc-khuyen-tai-a319.html