Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực và đồng lòng tham gia của các tầng lớp nhân dân, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức thực hiện Tháng Nhân đạo (tháng 5 hằng năm) đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổng giá trị vận động trong Tháng Nhân đạo 4 năm (2018-2021) đạt hơn 1.513 tỷ đồng, vượt 144% so bình quân giá trị hoạt động các tháng trong năm, trợ giúp hơn 3,3 triệu lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2022 là năm thứ 5 triển khai Tháng Nhân đạo theo chỉ đạo của Ban Bí thư, cũng là năm tổng kết ở cấp Trung ương Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/6/2010 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” và là thời điểm các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức Đại hội Chữ thập đỏ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Với mục tiêu tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong công tác nhân đạo, đưa Tháng Nhân đạo thực sự trở thành Tháng toàn dân làm nhân đạo, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng Kế hoạch triển khai tháng Nhân đạo 2022 với chủ đề “Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái” với các hoạt động chính: phát động đợt cao điểm vận động nguồn lực vì mục tiêu nhân đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ, tăng cường các hoạt động trợ giúp nhân đạo tại cộng đồng; rà soát, đánh giá và tham mưu các cơ chế, chính sách liên quan hoạt động nhân đạo và tổ chức Hội.
Đặc biệt, Tháng Nhân đạo 2022 là sự kiện để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khởi động 2 Chương trình trọng điểm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ XI là “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hướng đến 1.244 hộ sống ở ghe, thuyền không bảo đảm điều kiện về chỗ ở, 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển, 90.600 tàu thuyền đánh cá và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hướng đến 1 triệu trẻ em suy dĩnh dưỡng thể thấp còi, tập trung trẻ em nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số sống ở khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu vực nông thôn, vùng bãi ngang, hải đảo…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Tháng Nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; hoan nghênh sự chủ động của Trung ương Hội đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ phát động và triển khai Tháng Nhân đạo năm 2022.
Theo Chủ tịch nước, Trung ương Hội cần xây dựng kế hoạch chu đáo, sâu sát, hỗ trợ người yếu thế trong Tháng Nhân đạo để ngư dân và trẻ em nghèo, người yếu thế được hưởng lợi với cách làm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm thực hiện tốt an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh đất nước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đề cập đất nước ta còn hàng triệu người cần sự trợ giúp của cộng đồng xã hội như: nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào thiên tai lũ lụt thiệt hại tăng lên hằng năm, Chủ tịch nước đề nghị Hội Chữ Thập đỏ phải thật sự phát huy vai trò nòng cốt trên mặt trận nhân đạo, thực hiện tốt chương trình trong Tháng Nhân đạo đã đề ra, xứng đáng với tổ chức Hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đông đảo người dân ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn; kêu gọi hệ thống chính trị, các cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tư tưởng nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phải xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm để giảm bớt đau thương cho họ”, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong toàn xã hội.
Thời gian qua đã có nhiều tập thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực đóng góp, chăm lo cho hoạt động nhân đạo, do đó Hội cần tiếp tục thu hút, kêu gọi sự chung tay, đồng hành hơn nữa, tham gia các hoạt động nhân đạo, có hình thức tuyên dương, khen thưởng tôn vinh kịp thời những tấm gương điển hình để thể hiện sự biết ơn và nêu gương.
Nêu rõ hoạt động nhân đạo phải duy trì liên tục, không phải định kỳ, với cách làm bảo đảm chắc chắn, hỗ trợ đúng đối tượng, huy động được nhiều nguồn lực, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương Hội tiếp tục đổi mới sáng tạo, đi sát thực tiễn đời sống nhân dân, tìm đúng địa chỉ, đối tượng, đi tận cùng khó khăn của nhân dân, tìm đến những đối tượng đang cần hỗ trợ nhất.
Hội Chữ thập đỏ các cấp, đặc biệt là Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, kiện toàn tổ chức cấp hội, hoàn thiện quy chế, chức năng, nhiệm vụ; khắc phục tồn tại, tiếp tục phát huy tinh thần hăng hái, đoàn kết xây dựng hội từ Trung ương tới địa phương thật sự vững mạnh, xứng đáng là tổ chức nòng công tác trong các hoạt động nhân đạo, là cơ quan tham mưu của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chủ tịch nước ủng hộ chủ trương tổ chức Lễ phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia theo đề xuất của Hội, tán thành việc triển khai sơ kết thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới. Cùng với đó rà soát lại các văn bản dưới luật liên quan các hoạt động nhân đạo và hoạt động của hội chữ thập đỏ về chính sách, chế độ cho đội ngũ cán bộ hội các cấp và cơ chế hoạt động của các cấp hội.
Nhấn mạnh nhân đạo là vấn đề lớn của đất nước và thế giới, Chủ tịch nước yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giao lưu nhân dân trong khu vực và quốc tế, qua đó tăng cường vận động thu hút sự ủng hộ nguồn lực, hỗ trợ về các phương diện hành động, chia sẻ kinh nghiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động nhân đạo quốc tế thiết thực và hiệu quả.
Tuấn Anh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/trien-khai-hieu-qua-thang-nhan-dao-lan-toa-hanh-dong-nhan-ai-trong-toan-xa-hoi-a3177.html