Lao động ở nước ngoài gửi về 15-30 triệu đồng/người/tháng
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu, rộng của dịch Covid-19 nhưng công tác giải quyết việc làm của tỉnh Nghệ An vẫn vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 40.294 người (đạt 104,66% kế hoạch) trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 11.210 người (đạt 89,69% kế hoạch), tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Địa phương tại Nghệ An có số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cao như: Nghi Lộc (1.200 người), Diễn Châu (1.075 người), Yên Thành (1.163 người).
Số liệu thống kê cho thấy, lao động Nghệ An đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao đã tăng hơn so với các năm trước, cụ thể: 3.657 người đang làm việc tại Nhật Bản, 647 người làm việc tại Hàn Quốc, một số nước thuộc thị trường châu Âu cũng có số lao động xuất khẩu tăng. Đài Loan vẫn là thị trường lao động dẫn đầu về số lao động Nghệ An đang làm việc, với 4.847 người.
Trên 60% lao động đi xuất khẩu có trình độ tay nghề, chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, điều dưỡng, hộ lý... Đặc biệt, khoảng 5% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học cũng tham gia xuất khẩu, tập trung các ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên.
Theo ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 15-30 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình.
Nhiều người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có mức thu nhập cao và ổn định nhờ tay nghề tốt.
Còn nhiều "lực cản"
Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được xác định là mũi nhọn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân Nghệ An. Công tác này đã nhận được sự quan tâm và phối hợp có hiệu quả giữa ngành LĐ-TB&XH với chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ.
Tuy nhiên, kết quả XKLĐ trong năm 2021 chưa đạt được như kỳ vọng và chưa xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của người lao động trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nhiều hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan… làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân. Một bộ phận lao động làm việc tại Hàn Quốc hết thời hạn hợp đồng không về nước.
Những điều này đã gây thiệt hại nhiều mặt cho bản thân người lao động và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn. Thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An còn 3 địa phương đang bị "cấm cửa" sang Hàn Quốc, bao gồm: Nam Đàn, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.
Từ cuối năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lao động đã được đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhưng chưa thể xuất cảnh do phía bạn chưa tiếp nhận. Mặt khác, đại dịch Covid-19 làm nhiều lao động Nghệ An (cả trong và ngoài nước) rơi vào tình trạng không có việc làm, mất và giảm thu nhập.
Một lực cản nữa cần phải nhắc tới là nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lớn nhưng trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ còn yếu. Cùng với đó là ý thức chấp hành kỷ luật của một số lao động còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Australia...
Một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năng lực còn hạn chế. Hiện tại, Nghệ An mới chỉ có 3 doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp ở tỉnh ngoài về tuyển hoặc đặt văn phòng đại diện, điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh.
Thực trạng này dẫn đến công tác tạo nguồn gặp nhiều khó khăn và gây tốn kém cho người lao động trong đào tạo và giáo dục định hướng.
Trong năm 2022, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 42.900 người, trong đó đưa 13.550 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ, tỉnh Nghệ An chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động để có thể đáp ứng được các thị trường khó tính.
Bên cạnh duy trì thị trường truyền thống, ngành LĐ-TB&XH phối hợp các doanh nghiệp nghiên cứu, mở rộng thị trường lao động, chú trọng các thị trường có thu nhập cao, môi trường làm việc tiên tiến.
Ngoài giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, từng ngành, tỉnh Nghệ An huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền về pháp luật cũng như các chính sách hỗ trợ tư vấn, vay vốn, cung cấp thông tin thị trường lao động và doanh nghiệp XKLĐ cho người dân...
Hoàng Lam
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dia-phuong-dan-dau-ca-nuoc-ve-nguoi-di-xuat-khau-lao-dong-a2802.html