Sau ba tuần xung đột, Nga và Ukraine dần có tiếng nói chung?

Nga và Ukraine cho thấy tín hiệu lạc quan từ đàm phán trong ngày 16/3, dù chiến sự vẫn tiếp diễn ở thủ đô Kyiv và các thành phố khác cùng ngày.

Điện Kremlin ngày 16/3 nói rằng việc Ukraine phi quân sự hóa như Áo hay Thụy Điển có thể được xem như động thái thỏa hiệp nhằm kết thúc xung đột. Theo đó, Ukraine sẽ không tham gia liên minh quân sự, hay cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ.

Tuy nhiên, Ukraine sau đó bác bỏ họ muốn theo mô hình giống hai nước trên, nói rằng các cuộc đàm phán với Moscow để chấm dứt giao tranh nên tập trung vào "đảm bảo an ninh".

Trong ngày 16/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với RBC rằng Moscow và Kyiv đang rất gần mục tiêu đạt được thỏa thuận về quy chế trung lập của Ukraine.

Theo ông Lavrov, nhiều điểm trong thỏa thuận hòa bình với Ukraine sắp được hai bên nhất trí, sau khi Kyiv đồng ý thảo luận về tình trạng trung lập. Dù vậy, ông nói thêm điều kiện để đàm phán là Ukraine không được sở hữu vũ khí có thể đe dọa tới Nga.

Hai bên đều đưa ra những lập trường và có những tín hiệu tích cực cho những vòng đàm phán sắp tới, mặc dù chiến sự ở Ukraine trong ngày 16/3 chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chiến sự tiếp tục tăng nhiệt
Trong ngày cuối cùng của tuần thứ ba, thủ đô Kyiv tiếp tục hứng chịu các cuộc tấn công của Nga trong ngày 16/3. Một tòa chung cư 12 tầng ở quận Shevchenkivskyi, Kyiv bốc cháy, khiến hai người bị thương, CNN dẫn lời Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Ukraine cho hay.

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko trước đó đã ban hành lệnh giới nghiêm trong vòng 35 giờ, kéo dài từ 20h ngày 15/3 đến 7h ngày 17/3.

Thành phố Kharkiv - lớn thứ hai Ukraine - cũng chịu những cuộc tấn công trong đêm. Cơ quan khẩn cấp xác nhận hai người chết, hai tòa chung cư bị phá hủy.

Trong khi đó, Zaporizhzhya, miền Trung Ukraine, lần đầu hứng chịu pháo kích của quân đội Nga. Oleksandr Starukh, người đứng đầu chính quyền thành phố, cho biết một nhà ga và nhiều nơi khác bị tấn công.

Tư lệnh quân khu phía nam của lực lượng vũ trang Ukraine cho biết có thể hai tên lửa đã bắn vào thành phố, nhưng một tên lửa không phát nổ.

sau-ba-tuan-xung-dot-nga-va-ukraine-dan-co-tieng-noi-chung-1647503029.jpg
Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh về chiến sự tại Nga ngày 15/3. Đồ họa: New York Times/ Việt hóa: Trần Hoàng.

Triển vọng đàm phán
Trong bài phát biểu trước toàn dân ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lạc quan về các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới với Nga.

“Các cuộc họp vẫn tiếp tục, và tôi được biết lập trường của các bên đang trở nên thực tế hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để đi đến quyết định dựa trên lợi ích của Ukraine”, ông Zelensky nói.

Mykhailo Podolyak, trưởng đoàn đàm phán Kyiv, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết có những “mâu thuẫn cơ bản” giữa hai bên, nhưng chắc chắn có chỗ cho sự thỏa hiệp.

Một cố vấn khác của ông Zelensky tên Ihor Zhovkva nói rằng cuộc thảo luận đã “mang tính xây dựng hơn”, và Nga không còn yêu cầu Ukraine đầu hàng.

Dù vậy, người đứng đầu phái đoàn Nga Vladimir Medinsky nói rằng mục tiêu của Moscow không đổi kể từ khi hai bên bắt đầu đàm phán.

Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời ông Medinsky ngày 16/3 cho biết nước này muốn một một Ukraine “hòa bình, tự do, độc lập và trung lập”, không phải thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Medensky nói thêm đàm phán Nga - Ukraine vẫn tiếp tục, tiến độ chậm chạp và khó khăn.

Về phía Ukraine, nước này cũng có động thái được cho là xuống thang căng thẳng khi thừa nhận họ khó có cơ hội trở thành thành viên NATO. Thay vào đó, ông Zelensky nhận định Ukraine nên tự vệ một cách độc lập với các “đảm bảo về an ninh”, theo Reuters.

Sputnik dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ lập tức ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt nếu chính quyền Kyiv sửa đổi hiến pháp và cam kết không gia nhập bất kỳ khối nào.

Các vấn đề khác đang được đàm phán gồm quy chế bán đảo Crimea, lãnh thổ ly khai từ Ukraine và bị Nga sáp nhập năm 2014, cũng như quy chế hai vùng lãnh thổ Luhansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine hiện do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.

NATO tăng cường lực lượng ở cánh đông
Mỹ và đồng minh NATO cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, đồng thời tăng cường quân đội để đảm bảo an ninh, đặc biệt ở các nước thành viên Đông Âu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ công bố gói hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá 1,01 tỷ USD dự kiến ​​bao gồm nhiều loại thiết bị quân sự mà Mỹ cho rằng Ukraine cần nhất là tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger.

10 nước lớn nhất trong NATO, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, đã triển khai thêm binh lính, tàu chiến, máy bay đến cánh đông và đặt trong trạng thái sẵn sàng.

sau-ba-tuan-xung-dot-nga-va-ukraine-dan-co-tieng-noi-chung2-1647503052.jpg
Cuộc họp giữa các quan chức Ukraine và lãnh đạo ba nước Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovenia ngày 15/3. Ảnh: Reuters.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine đã mở ra một “thực tế an ninh mới” ở châu Âu.

Ông Stoltenberg đã kêu gọi thêm vũ khí, thực hiện nhiều cuộc tập trận hơn và tăng cường sự hiện diện của khối ở châu Âu, theo RT.

Chuyến thăm của ba nhà lãnh đạo Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovenia đến Kyiv là biểu tượng cho thấy thành công của Ukraine trước những đợt công kích của Nga nhắm vào thành phố.

Dù vậy, chuyến đi này gây nhiều tranh cãi giữa các lãnh đạo châu Âu trong việc thể hiện sự thống nhất trong hành động ủng hộ Ukraine, theo New York Times.

Mateusz Morawiecki, người phát ngôn thủ tướng Ba Lan, cho biết ba nhà lãnh đạo “trên thực tế” (de facto) đại diện cho lập trường của Liên minh châu Âu ở Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức Brussels phủ nhận chuyện này. Nhiều quan chức EU cho rằng chuyến đi vừa rồi quá nguy hiểm, trong bối cảnh quân đội Nga đang bao vây Kyiv.

Một số khác ca ngợi hành động của ba nhà lãnh đạo Đông Âu, nói rằng đó là biểu tượng mạnh mẽ về sự ủng hộ Ukraine giữa các quốc gia ở cánh đông, nơi ít nhiều chịu sức ép từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Thách thức từ làn sóng tị nạn
Cập nhật từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết “tình hình tồi tệ nhất vẫn còn ở Mariupol, nơi quân đội Nga cố gắng phong tỏa vùng ngoại ô phía đông và phía tây”.

AP dẫn lời ông Pavlo Kyrylenko, Thống đốc tỉnh Donetsk, cho biết lính Nga đã tấn công vào một bệnh viện và bắt giữ khoảng 500 người vào tối 15/3. Nga phủ nhận thông tin này, theo TASS.

sau-ba-tuan-xung-dot-nga-va-ukraine-dan-co-tieng-noi-chung3-1647503178.jpg
Lực lượng cứu hộ sơ tán một phụ nữ khỏi tòa nhà bị pháo kích ở Kyiv ngày 16/3. Ảnh: Reuters.

Hơn 3.000 ôtô đưa người sơ tán khỏi Mariupol đã đến Zaporizhzhia - thành phố bị Nga không kích ngày 16/3.

Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc ước tính hơn 3 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát. Đặc biệt, trong 20 ngày qua, trung bình 55 trẻ em rời khỏi Ukraine mỗi phút, và con số này khó thay đổi khi Nga tiếp tục tiến công, theo Washington Post.

Các nhà tâm lý học cảnh báo chiến sự có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý những đứa trẻ, khi chúng không hiểu được lý do xa nhà, cũng như không được gặp cha mình - những người phải ở lại Ukraine để tham gia chiến sự.

 

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/sau-ba-tuan-xung-dot-nga-va-ukraine-dan-co-tieng-noi-chung-a2732.html