“Ukraine đang đề xuất mô hình giống của Áo hoặc Thuỵ Điển về một nhà nước phi quân sự trung lập, nhưng vẫn có lục quân và hải quân riêng”, ông Medinsky nói, đồng thời cho biết thêm rằng “quy mô quân đội Ukraine” cũng là một trong những vấn đề đang được thảo luận.
Trước đó, Nga từng nhiều lần nhấn mạnh mong muốn Ukraine trở thành một quốc gia trung lập, không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Medinsky nhắc lại rằng Mátxcơva muốn Kiev công nhận Crimea là một phần của Nga, đồng thời công nhận nền độc lập của 2 nước ly khai tự xưng "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và "Cộng hoà Nhân dân Lugansk".
Ông Medinsky cho biết một số vấn đề quan trọng khác mà Mátxcơva quan tâm là việc “phi phát xít hoá” Ukraine, và quyền bình đẳng của cộng đồng người nói tiếng Nga ở nước này.
“Một số vấn đề có tiến triển, nhưng không phải tất cả”, ông Medinsky nói về các cuộc đàm phán với Kiev.
Bình luận về mô hình trung lập của Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “nó có thể được xem như một sự thỏa hiệp nhất định”.
Tuy nhiên, không lâu sau khi phía Nga đưa ra tuyên bố trên, nhà đàm phán Ukraine Mikhailo Podolyak cho biết Kiev chỉ muốn an ninh của nước này được đảm bảo bởi các lực lượng quốc tế. Ông Podolyak bác bỏ phương án Ukraine áp dụng quy chế trung lập tương tự với Áo hoặc Thụy Điển.
Ông Podolyak kêu gọi xây dựng thỏa thuận an ninh có tính ràng buộc pháp lý, được ký kết bởi các đối tác quốc tế, trong đó yêu cầu họ "không đứng ngoài cuộc trong trường hợp có xung đột ở Ukraine như lúc này".
Áo tuyên bố là một quốc gia trung lập vào năm 1955. Luật pháp Áo ghi rõ nước này sẽ không tham gia các liên minh quân sự và không cho phép đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Áo.
Ngoài Áo, Thuỵ Điển cũng được mô tả là quốc gia “không liên kết” (non-aligned) do có truyền thống không gia nhập bất cứ khối quân sự nào. Quốc gia này không phải thành viên NATO, cũng không có căn cứ nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, NATO đã mời các quốc gia như Thuỵ Điển, Phần Lan tham gia khối quân sự do Mỹ dẫn đầu, và quyết định chia sẻ thông tin tình báo với họ.
Ban lãnh đạo Ukraine trước đó cho biết họ sẵn sàng thảo luận về trạng thái trung lập. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine phải nhận được "sự đảm bảo an ninh" từ Nga và phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine và tất cả những ai muốn hoà bình ở Ukraine, nhưng với điều kiện phải đáp ứng các đề nghị của Mátxcơva. Những đề nghị này bao gồm việc Ukraine phải giữ lập trường trung lập và duy trì trạng thái phi hạt nhân, phi quân sự hoá - phi phát xít hoá đất nước, công nhận Crimea là một phần của Nga, công nhận chủ quyền của “Cộng hoà Nhân dân Donetsk” và “Cộng hoà Nhân dân Lugansk” trong biên giới hành chính của các khu vực Donetsk và Lugansk.
Minh Hạnh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nga-noi-ukraine-de-xuat-mo-hinh-quoc-gia-trung-lap-nhu-ao-thuy-dien-a2715.html