Nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm:
Một là, việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;
Hai là, trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này;
Ba là, việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Rà soát tổng thể hoạt động cơ sở xử lý chất thải trong năm 2022
Mở đầu phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp xử lý hiệu quả việc thu gom, xử lý rác, nhất là rác thải có chứa COVID-19; đánh giá về kết quả thực hiện chiến dịch hạn chế sử dụng túi nilon và giải pháp để chiến dịch này thực hiện tốt hơn. Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị cho biết biện pháp để xử lý chất thải đô thị, nước thải.
Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhiều năm qua vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải luôn là vấn đề bức xúc. Hiện nay đã có đầy đủ cơ chế chính sách, pháp luật, quy định trách nhiệm rõ ràng với Luật Bảo vệ môi trường và đồng bộ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi.
Chuyển hướng xử lý chất thải rắn sang từ chôn lấp không hợp vệ sinh, coi rác thải là một loại tài nguyên để được phân loại, tái chế, tái sử dụng theo đúng yêu cầu về kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng cho biết trong năm 2022 sẽ tiến hành tổng kết toàn bộ hoạt động các trung tâm xử lý chất thải, tình trạng môi trường và công nghệ và Bộ sẽ có công bố các công nghệ xử lý rác thải phù hợp để các địa phương lựa chọn. Trong đó, công nghệ được lựa chọn phải theo hướng tái chế, tái sử dụng, biến chất thải thành năng lượng. Như vậy, trong năm 2022 sẽ hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn và công nghệ; có hướng dẫn để các địa phương lựa chọn cách thức xử lý phù hợp. Trong quá trình này có vai trò của người dân và xã hội hóa dịch vụ xử lý rác thải.
Về vấn đề nước thải hiện nay, quan điểm rất rõ là đối với các trung tâm xử lý nước thải, chất thải rắn, phải coi là các trung tâm dịch vụ công và nhà nước phải cung cấp mặt bằng. Thông qua quy hoạch, lựa chọn công nghệ và hình thành cơ chế đấu thầu, đấu giá như nào và phải có sự hỗ trợ ban đầu từ nhà nước để làm sao chi phí xử lý nước thải thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Về chất thải y tế có COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay từ đầu đã xác định đây là vấn đề hệ trọng, xác định rõ đấy là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế. Bộ Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom. Bộ cũng đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành y tế.
Với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý. Đến nay, rác thải y tế của người bệnh ở nhà cũng phải coi là một nguồn lây bệnh để có quy trình phân loại, thu gom và xử lý theo hướng dẫn của địa phương.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về đấu giá đất
Liên quan đến quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phản ánh một số bất cập liên quan đến đấu giá đất. Ở nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm, có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả trúng đấu giá cao ngất ngưởng gấp nhiều so với giá khởi điểm làm nhiễu loạn thị trường đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao tạo ra sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự, an ninh xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đặt vấn đề có nên xử lý hình sự các hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ thực trạng thời gian vừa qua không chỉ có thổi giá mà còn có dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”. Điều này ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng làm biến động thị trường bất động sản; làm thất thoát tài sản của Nhà nước và làm thổi giá lên cao, tạo ra một mặt bằng giá mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. Đằng sau đấy còn rất nhiều hệ luỵ, đặc biệt là liên quan đến các ngân hàng khi đẩy giá lên cao, giá ảo để thế chấp sẽ làm mất an ninh tiền tệ.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có đánh giá, nghiên cứu cả những góp ý của các hiệp hội, cho thấy nguyên nhân các nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân về các quy định của pháp luật đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách pháp luật về Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai, các quy định liên quan đến về tài chính, thuế,…cs chế tài mạnh hơn xử lý các trường hợp đấu giá bỏ cọc, quy định chặt chẽ về năng lực của chủ thể tham gia đấu giá.
Liên quan đến “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá, Bộ cũng đang nghiên cứu lựa chọn cách thức tổ chức đấu giá phù hợp để lựa chọn đúng doanh nghiệp, người mua có năng lực; đồng thời tăng cường trách nhiệm, kỷ luật đối với đơn vị tổ chức đấu giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra, điều tra đối với các cơ quan công quyền suy thoái, cung cấp thông tin rồi cùng với các nhà đấu giá hưởng lợi phi pháp.
Liên quan đến chế tài xử lý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện luật pháp chưa chặt chẽ nên bị lợi dụng thì cần bổ sung chế tài; đồng thời cho rằng không cần hình sự hoá mà chỉ cần chế tài, chính sách kinh tế cũng đủ sức điều chỉnh.
Bộ trưởng nêu rõ vấn đề là phải làm thế nào để thấy rằng nếu có động tác này, động tác kia thì sẽ không còn hiệu quả kinh tế. Làm sao để khi người ta dám nâng giá lên 10 lần thì phải minh bạch nguồn tiền đấy ở đâu ra, nguồn gốc như thế nào? Hai nữa là thời gian thẩm định hồ sơ đất chỉ 15 ngày thì không ổn, khâu này cần phải đi trước một bước so với đấu giá. Khâu thẩm định cũng phải làm rất căn cơ, tức là thông qua ngân hàng, thông qua các hồ sơ đất đai, thông qua lý lịch của các nhà đấu giá.
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng nếu đã có dấu hiệu lũng đoạn, âm mưu lừa dối, lừa đảo, âm mưu phá hoại nền kinh tế của đất nước thì sao không xử lý hình sự. Đại biểu nhấn mạnh phải xử lý nghiêm thì mới chấm dứt được tình trạng hiện nay. Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân dẫn chứng từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, cho biết số tiền mà nhà đầu tư bỏ cọc không là gì so với lợi ích thu được khi giá đất khu vực xung quanh được đẩy lên cao, gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như nền kinh tế, do đó cần xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự.
Giải trình thêm tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng quan điểm của Bộ là ủng hộ việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Liên quan đến vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm cơ quan chức năng đang tiến hành điều ra làm rõ và sẽ có kết luận chính thức trong thời gian tới.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và quan điểm của các đại biểu Quốc hội không có sự mâu thuẫn mà đều thống nhất về việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm; trong đó sai phạm dân sự thì xử dân sự, sai phạm về hành chính thì xử lý hành chính, còn có sai phạm về hình sự thì xử lý hình sự.
Ngoài ra, cũng tại phiên chất vấn các đại biểu cũng đặt nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong sử dụng đất không theo quy hoạch; thông tin cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai; mất cân đối trong phân bổ đất nhất là đất cho mục đích công cộng; hướng dẫn sử dụng đất đa mục tiêu; việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương…
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có trả lời bổ sung liên quan đến giải pháp tài chính đất đai, hoàn thiện pháp luật về đấu giá đất./.
Bảo Yến - Phạm Thắng
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-tran-hong-ha-tra-loi-chat-van-tai-phien-hop-ubtvqh-a2714.html