Từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên nhanh chóng. Phần lớn các bệnh nhân COVID-19 được theo dõi điều trị khỏi bệnh, nhưng sau đó xuất hiện triệu chứng kéo dài vài tuần tới vài tháng, một số trường hợp để lại di chứng nặng nề.
Hụt hơi, khó thở
Anh Nguyễn Hải A. (36 tuổi, Hà Nội) nhiễm COVID-19 từ 12/1 và được xác định khỏi vào ngày 21/1. Trong giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp, anh chỉ có biểu hiện nhẹ là chảy dịch mũi và đau mỏi người.
Đến thời điểm sau nhiễm COVID-19 gần 1 tháng, anh bị hụt hơi khi nói câu dài và cảm thấy khó thở khi đi lại nhanh. Anh đã đến khám tại phòng khám chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Qua thăm khám, chụp phim và đánh giá chức năng hô hấp, anh được chẩn đoán tổn thương phổi kẽ, khả năng liên quan đến COVID-19 có rối loạn thông khí hạn chế.
Ngoài việc được kê thuốc điều trị, anh đã được bác sĩ hướng dẫn tập thở và tập vận động để phục hồi chức năng hô hấp và thể lực.
Anh Đỗ Xuân T. khỏi COVID-19 đã 2 tuần nay cũng chia sẻ, anh vẫn thường bị hành hạ bởi những cơn ho, trong người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Không những thế, anh còn thấy mình bị giảm trí nhớ, mất tập trung khi làm việc.
Những triệu chứng hậu COVID-19 như anh Nguyễn Hải A và anh Đỗ Xuân T hiện không hiếm gặp. Vì thế, việc theo dõi sát các biểu hiện bất thường của bản thân là việc cần thiết, không nên chủ quan.
Các triệu chứng hay gặp sau mắc COVID-19 biểu hiện ở đa cơ quan, trong đó biểu hiện về hô hấp là phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy, ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và thường gặp, với tỷ lệ từ 42 - 66% trong vòng 3 tháng sau mắc bệnh.
Ngoài ra, sau giai đoạn COVID-19 cấp tính, 25% số bệnh nhân giảm hoạt động thể lực bằng việc khoảng cách đi bộ 6 phút thấp hơn giá trị tham chiếu bình thường. 50-60% những bệnh nhân sau mắc COVID-19 với triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương. Các tổn thương hay gặp nhất là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng... Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim X-quang ngực thẳng thông thường.
Bên cạnh các triệu chứng hô hấp như ho khan kéo dài, ho khạc đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực thì người bệnh có thể xuất hiện biểu hiện về tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa; về sức khỏe tâm thần mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc; biểu hiện về thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não), …
PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, “Hội chứng COVID-19 kéo dài” hay “Hội chứng hậu COVID-19” biểu hiện đa dạng và có thể gặp ở nhiều cơ quan trên cơ thể. Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID-19.
Những bệnh nhân nguy cơ cao mắc hội chứng hậu COVID-19 gồm: Người trên 60 tuổi, có bệnh lý nền kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, bệnh thận mạn tính, bệnh gan mạn tính, bệnh máu mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch…, những người bệnh có chỉ định liệu pháp oxy tại nhà, đặc biệt là nhóm người bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy trong thời gian bị COVID-19 và người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cơ bản.
Theo dõi sức khỏe thế nào?
PGS.TS Phan Thu Phương chia sẻ, để phòng di chứng hậu COVID-19, cần tiêm vaccine để phòng nhiễm bệnh. Nếu không may trở thành F0 thì người bệnh cần tuân thủ khai báo y tế tại địa phương để được quản lý và phân tầng với các mức độ từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, trung bình và nặng.
Nếu phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Dấu hiệu bất thường ở trẻ em như rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít; nhịp thở ở người lớn ≥ 20 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả…
Ngoài ra, khi có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe sau khi nhiễm COVID-19, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám hoặc liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn, nhằm phát hiện sớm các di chứng, biến chứng, bệnh lý mắc phải để điều trị kịp thời, hiệu quả.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, Đại học Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý, hậu COVID là vấn đề sức khỏe được người dân quan tâm, lo lắng, nhất là các những bệnh nhân vừa phục hồi sau khi khỏi bệnh. Vì vậy, sau mắc COVID-19 người dân nên đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe toàn diện.
Nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp ở hội chứng hậu COVID-19 (khó thở, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực,…), việc đến khám tại các cơ sở y tế sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý sớm những di chứng phổi sau COVID-19.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần chiến lược tiếp cận toàn diện về đánh giá và chăm sóc tình trạng hậu COVID-19 cho người bệnh cũng như cần phối hợp đa chuyên khoa trong quản lý, điều trị và theo dõi bệnh nhân sau nhiễm COVID do tổn thương đa cơ quan. Đặc biệt, cần chú ý phục hồi chức năng sớm nhất có thể và thích hợp.
THANH HẢI
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hau-covid-19-nhieu-nguoi-ho-khan-keo-dai-hut-hoi-rung-toc-mat-tap-trung-a2628.html