Việc không thể ngăn chặn chiến sự Nga - Ukraine khiến đời sống chính trị quốc tế diễn ra nhiều thay đổi, buộc tất cả các quốc gia, từ lớn đến nhỏ, phải có những nhìn nhận mới, thích ứng với những thay đổi mới. Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu phát triển quốc tế, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng phân tích với ANTG GT-CT về hai vấn đề cốt lõi này.
Quan hệ tam giác của một cuộc chiến
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa giáo sư, Nga và Ukraine vốn là những người anh em gần gũi với nhau, còn với Việt Nam chúng ta, họ đều là những bạn bè, đối tác vô cùng thân thiết. Cho nên, chúng ta sẽ nhìn về họ một cách khách quan, chân tình, cẩn trọng. Là một nhà nghiên cứu quốc tế lâu năm, theo giáo sư chúng ta cần sử dụng một phương pháp luận như thế nào để có thể tiệm cận gần nhất đến bản chất thật sự của cuộc chiến này?
- Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh: Chúng ta phải nhìn cuộc chiến tranh này cùng lúc ở 3 cạnh của một tam giác: Nga -Ukraine - NATO. Nếu chỉ nhìn thiếu đi một cạnh sẽ không thể thấy được bản chất của nó. Và, chúng ta vừa phải nhìn ở góc độ an ninh chính trị hiện đại, vừa phải nhìn từ góc độ lịch sử xa xưa.
Xét về mặt lịch sử, Nga - Ukraine giống như anh em một nhà. Năm 2013, Tổng thống Nga Putin đã đến thủ đô Kiev của Ukraine và phát biểu thế này: Sự chia rẽ hai đất nước là do tác động nơi trần thế nhưng sự hợp nhất của hai đất nước là ý nguyện của chúa trời. Câu nói này khiến nhiều người nhớ lại rằng, từ cuối thế kỷ thứ IX đến giữa thế kỷ XII, từng có một đại công quốc có tên Kievskaya Russ bao gồm nhiều sắc tộc, trong đó có cả Nga, Ukraine và Belarus bây giờ. Thủ phủ của công quốc này đặt ở Kiev. Chính từ cội nguồn lịch sử như vậy mà nhà triết học Nga Ivan Ilyin cho rằng, nước Nga chỉ tồn tại khi giữ được sự kết nối với Ukraine và Belarus. Giới nghiên cứu Nga cho rằng Tổng thống Putin chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của nhà triết học này. Trong bài phát biểu hôm 21-2, Tổng thống Putin một lần nữa nhấn mạnh: Đối với chúng tôi, Ukraine không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần”.
Nhìn từ phía Ukraine, trong suốt chiều dài lịch sử, nước này quả nhiên phải đối diện với cái mà bây giờ người ta hay gọi là “lời nguyền địa lý”. Phía Bắc họ là đế chế Ba Lan - Litva, một đế chế rất đáng kể trong lịch sử, phía Tây là đế chế Áo - Hung, phía Nam là đế chế Ottoman và phía Đông là đế chế Nga. Một vị trí địa lý như thế khiến họ luôn bị chia cắt, tác động và rất khó khăn trong việc hình thành một nhà nước lâu dài, thống nhất. Mãi đến năm 1917, khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Lenin tuyên bố về quyền tự quyết của các dân tộc thì một nhà nước cộng hòa ở Ukraine mới ra đời. Nhưng, nhà nước này cũng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn trước khi nhập vào Liên bang Xôviết cùng 14 nước cộng hòa khác. Đến khi Liên bang Xôviết sụp đổ thì Ukraine trở thành một quốc gia như hiện nay. Cũng theo Tổng thống Putin: “Ukraine thực sự không bao giờ có truyền thống ổn định về tình trạng nhà nước thực sự”. Và, bản thân Ukraine cũng có nhiều vùng khác nhau, với nhiều tư tưởng khác nhau, nhằm “phân chia lại quyền lực và tài sản giữa các gia tộc đầu sỏ khác nhau”, mà chủ yếu vẫn xoay quanh một trục lớn nhất, đó là thân Nga hay không thân Nga.
Còn nhìn về phía NATO, lại có một bước ngoặt rất lớn diễn ra vào năm 2008, khi NATO cho biết Ukraine có thể trở thành một thành viên của NATO trong tương lai.Cũng trong năm đó Liên minh châu Âu (EU) ký một thỏa thuận rất quan trọng, để hỗ trợ cho Ukraine.Hai sự kiện này chắc chắn khiến Tổng thống Nga Putin khó chấp nhận. Thế nên, đến năm 2013, Nga quyết định tài trợ cho Ukraine một khoảng ước tính là 15 tỉ USD để phát triển quốc gia, đổi lại tổng thống nước này là Yanukovych rời bỏ sự hợp tác với EU để quay sang Nga. Ngay lập tức những cuộc biểu tình lớn đã xảy ra khiến ông Yanukovych bị lật đổ. Lúc đó Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu để hợp pháp hóa cuộc lật đổ này nhưng theo phát biểu của ông Gregor Gysi, Chủ tịch khối nghị sĩ đảng Cánh tả Đức ngày 13-3-2014 tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Đức thì cuộc bỏ phiếu đó vẫn chưa đạt đủ số phiếu cần thiết. Chỉ có 72,88% phiếu thuận, mà theo Hiến pháp Ukraine thì phải 75% mới đạt yêu cầu. Tuy nhiên, phương Tây vẫn lờ đi điều này để đồng thuận cho sự lật đổ ông Yanukovych, một người thân Nga. Lập tức, Nga sáp nhập Crimea, còn hai khu vực ở Donbass, nằm sát nước Nga cũng đòi ly khai khỏi Ukraine. Kể từ thời điểm này, rồi đặc biệt là khi ông Zelensky lên làm tổng thống thì Ukraine nghiêng hẳn về phương Tây. Tháng 1-2021, ông Zelensky kêu gọi Tổng thống Mỹ Biden kết nạp nước mình vào NATO, Nga lập tức đáp trả bằng cách dồn quân tới biên giới hai nước và cuối cùng là tạo ra một cuộc chiến như ta đã thấy.
- Như vậy, giữa Nga và Ukraine có yếu tố lịch sử rất lớn. Giữa Nga và NATO lại có yếu tố lợi ích rất lớn và Ukraine là một biến số trong câu chuyện lợi ích này?
- Đúng rồi! Cần nhìn lại tổng quan thế này: Việc Liên Xô tan rã năm 1991 đã phá đi sự cân bằng an ninh chính trị ở châu Âu. Trật tự hai cực giữa Mỹ và Liên Xô chính thức hình thành từ năm 1947. Lúc đó tình hình căng thẳng nhưng lại khá cân bằng nên ở châu Âu không có chiến tranh. Đến năm 1991, khi Liên Xô tan rã, khối Warszawa của phe xã hội chủ nghĩa giải thể thì xuất hiện những yêu cầu đề nghị khối NATO của phe tư bản cũng nên giải thể. Nhưng, NATO không giải thể, chỉ hứa là sẽ không mở rộng tổ chức.Mà cũng chỉ là một hứa miệng, chứ không có văn bản nào cả.Thực tế là sau đó họ tiếp tục mở rộng.Nhiều nước thuộc không gian hậu Xôviết cũng gia nhập NATO.Viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO là điều Nga không chấp nhận, bởi nếu nó xảy ra, tên lửa NATO đặt ở Ukraine thì quá nguy hiểm cho Nga. Đó chính là lý do ông Putin yêu cầu NATO phải cam kết bằng văn bản về việc không kết nạp Ukraine và các nước còn lại trong không gian hậu Xôviết, ví dụ như Gruzia. Và, khi NATO không chấp nhận điều này thì chiến tranh xảy ra.
Lời giải của Henry Kissinger
- Nhìn khách quan, cùng lúc về 3 cạnh của một tam giác lợi ích như giáo sư vừa phân tích thì chúng ta hiểu rằng, cuộc chiến sẽ chỉ thực sự kết thúc, những mâu thuẫn cốt lõi sẽ chỉ được giải quyết nếu cả 3 bên cùng ngồi lại và đạt được một sự thống nhất cao?
- Trách nhiệm cùng lúc phải được thể hiện ở cả 3 bên. Về phía Nga, như đã phân tích, chúng ta hiểu lý do tại sao họ chọn lựa chiến tranh nhưng phải khách quan thấy rằng việc giải quyết xung đột bằng chiến tranh là đi ngược với luật pháp quốc tế. Đây là một sự thật và việc 141/193 thành viên Liên Hợp quốc bỏ phiếu phản đối Nga chính là biểu hiện rõ nhất để củng cố sự thực này. Về phía Ukraine, việc ngả hẳn về phương Tây và có một thái độ quá khích với một nước Nga rộng lớn, ở ngay sát sườn mình đã chạm vào vấn đề an ninh, tồn tại, phát triển và lòng tự ái của người Nga. Một chọn lựa cực đoan như thế đã kích hoạt Nga hành động. Còn với các nước phương Tây, hàng loạt những hành động của họ thời hậu Xôviết, đặc biệt là việc mở rộng NATO, ngày càng khép chặt vòng vây với Nga, đẩy Nga vào thế đường cùng đã tạo nên một tình huống rất nguy hiểm. Khi chiến sự xảy ra, tôi đã đọc và hết sức chú ý tới một bài viết của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vào năm 2014. Theo ông ấy, bây giờ cả 3 bên phải ngồi lại để cùng nhau giải quyết, trong đó cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ Ukraine không được gia nhập NATO, Ukraine phải trở thành cầu nối giữa Nga và phương Tây, phải trở thành vùng đệm trong một cấu trúc an ninh mới ở châu Âu. Phải như vậy thì mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.Nhưng, cả NATO và Ukraine phớt lờ lời cảnh báo của ông Kissinger.
- Như giáo sư vừa nói, mâu thuẫn lợi ích giữa Nga và NATO xung quanh vấn đề Ukraine đã có từ lâu nhưng tại sao Nga lại chọn thời điểm này để hành động?
- Nếu nhìn về mặt hiện tượng, giới quan sát có thể bất ngờ một chút nhưng nếu nhìn vào một chuỗi logic hành động của Nga trước đó thì thực ra lại không bất ngờ. Nên nhớ là khi lợi ích của mình có nguy cơ ảnh hưởng thì năm 2008 họ đã động binh ở Gruzia, đến năm 2014 lại sáp nhập Cremia. Vậy thì lúc này, trong cái bối cảnh đứng trước “lằn ranh đỏ” việc họ động binh với Ukraine là điều có thể suy đoán được. Thêm nữa, đây là bối cảnh mà ở nước Mỹ, ông Joe Biden mới nhậm chức tổng thống trong vòng 1 năm và suốt 1 năm ấy câu chuyện đối nội lớn nhất của ông là hàn gắn nước Mỹ, còn câu chuyện đối ngoại lớn nhất là cạnh tranh với Trung Quốc. Châu Âu thì phụ thuộc vào Nga rất nhiều về vấn đề khí đốt, đã thế những người anh cả của Liên minh châu Âu là Đức và Pháp thì đều đang ở giai đoạn chính trị nhạy cảm. Nước Đức vừa có một vị thủ tướng mới, một chính quyền mới và vị thủ tướng mới đang phải đối diện với rất nhiều thách thức sau kỷ nguyên ấn tượng của người tiền nhiệm Angela Merkel.Nước Pháp thì chuẩn bị bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới.Đây cũng là thời điểm mà Trung Quốc đang tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông.
Ngoài ra, còn một yếu tố liên quan đến cá nhân Tổng thống Putin mà tôi thấy người ta cũng ít nhiều nói đến.Tính đến nay đã là năm thứ 22 ông liên tục cầm quyền, lúc ở ghế tổng thống, lúc ở ghế thủ tướng.Chúng ta nhớ là khi chính thức cầm quyền năm 2000, ông ấy mới 48 tuổi, bây giờ đã trở thành một ông già 70 tuổi.Có lẽ, thời gian cũng không còn chờ đợi ông nhiều nữa và đây là lúc ông muốn để lại một dấu ấn, một di sản nào đó chăng?
Sự thay đổi của bàn cờ thế giới
- Bây giờ chúng ta sẽ thử nhìn nhận về những được - mất của các nước lớn sau cuộc chiến này. Đầu tiên là từ phía Nga, theo giáo sư, vị thế của Nga sẽ thay đổi như thế nào?
- Có thể là với cuộc chiến này, mục đích của Nga là làm các nước phương Tây phải ít nhiều “tỉnh ngộ”. Nga muốn phương Tây hiểu rằng không thể cứ phớt lờ Nga, không thể không ngồi lại bàn bạc, thảo luận, đàm phán với Nga về các vấn đề an ninh ở châu Âu. Khách quan nhìn lại, kể từ năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ thì các nước phương Tây quả nhiên đã làm mưa làm gió, mà quên đi lời kêu gọi của ông Gorbachev về việc “xây dựng một ngôi nhà chung châu Âu”. Lời kêu gọi này thoạt nghe bình thường, giản dị nhưng thực chất lại có rất nhiều ý nghĩa, vì xét về bản chất, Nga và các nước phương Tây đều cần đến nhau.Phương Tây cần dầu mỏ, khí đốt của Nga và ngược lại, Nga cũng cần thị trường phương Tây.
- Nhưng, những đòn trừng phạt mà thế giới phương Tây đang và sẽ áp đặt lên Nga sẽ khiến Nga gặp không ít khó khăn?
- Chắc chắn là có rồi. Nhưng, nên nhớ nước Nga có diện tích 17 triệu km2, dân số hơn 144 triệu người và có nguồn tài nguyên rất phong phú. Cho nên, khả năng chống chịu của họ là rất lớn.Và, họ cũng ít nhiều thực hiện những cải cách để kịp thích ứng với những đòn trừng phạt của phương Tây.Nhưng, Nga bị ảnh hưởng thì phần còn lại của thế giới cũng bị ảnh hưởng. Tôi lấy ví dụ như giá dầu thế giới tăng, giá kim loại tăng, giá ngũ cốc tăng thì các nước bên ngoài Nga cũng bị ảnh hưởng không ít. Trong một thế giới phụ thuộc như hiện nay thì các đòn trừng phạt luôn tạo ra những tác động qua lại nhiều chiều.
Trong phiên bỏ phiếu ở Đại hội đồng Liên Hợp quốc vừa rồi, có 141/193 thành viên phản đối Nga, chiếm tỷ lệ tới 73%.Chỉ có 5 nước thẳng thừng ủng hộ Nga và 35 nước bỏ phiếu trắng.Vậy thì, về mặt uy tín chính trị, Nga cũng khó khăn chứ. Tôi nghĩ là họ cũng đã lường trước tất cả những điều này và họ sẽ đưa lên bàn cân cả những khó khăn, thách thức và những kết quả mà mình đạt được, đặc biệt là việc thức tỉnh phương Tây, khiến phương Tây không thể phớt lờ mình trong các vấn đề an ninh ở châu Âu. Khi họ tự đặt tất cả những yếu tố đó lên bàn cân thì sẽ trả lời được câu hỏi giữa cái được và cái mất, cái nào lớn hơn.
- Còn về phía Mỹ và Trung Quốc thì sao, thưa giáo sư? Trước căng thẳng mà Nga tạo ra ở Ukraine, cả thế giới đổ dồn vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung. 3 đời tổng thống Mỹ gần nhất đều nhấn mạnh kế hoạch xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng trong Thông điệp Liên bang mới đây, “châu Á - Thái Bình Dương” chỉ được Tổng thống Mỹ nhắc tới 2 lần, trong khi “Nga” được nhắc tới gần 20 lần. Chiến sự bất ngờ ở Ukraine liệu có khiến chính sách xoay trục của Mỹ ít nhiều ảnh hưởng và 3 cực quyền lực Mỹ - Trung - Nga thay đổi gì không?
- Mâu thuẫn Mỹ - Trung vốn đã đẩy Trung Quốc gần lại với Nga. Đến lúc này, khi xảy ra cuộc chiến Nga - Ukraine thì người ta lại nói nhiều tới mâu thuẫn Mỹ - Nga. Một khi Trung Quốc - Nga xích lại với nhau để cùng đối đầu với Mỹ thì rõ ràng Mỹ không thể không lo ngại. Trong mối quan hệ tam giác, luật chơi tối ưu nhất cho một bên là phải giữ được quan hệ tốt với cả hai bên còn lại, còn tối thiểu nhất là phải làm sao để hai bên còn lại không cùng liên kết với nhau. Còn trước và trong cuộc chiến này, sự gần gũi giữa Nga và Trung Quốc là rất rõ. Tuy nhiên, để cho khách quan thì cũng lại phải thấy mặc dù đang cùng xích lại nhau nhưng xét từ quá khứ đến hiện tại thì giữa Nga và Trung Quốc cũng tồn tại những khác biệt không nhỏ về lợi ích. Sự gần gũi của họ vì vậy chỉ là một sự gần gũi nhất thời, để phục vụ những mục tiêu nhất thời của cả hai bên, hay sẽ là một sự gần gũi bền vững lại là điều phải chờ đợi và phân tích thật kỹ lưỡng. Hơn ai hết, Mỹ sẽ phân tích điều này và xem nó như một yếu tố quan trọng tác động tới những hành động cụ thể của mình. Còn giới quan sát phải đặt tất cả những yếu tố này lên một bàn cân để xem trong từng câu chuyện cụ thể, từng thời điểm cụ thể, bên nào sẽ phát huy tối ưu lợi thế của mình và khai thác triệt để những khiếm khuyết hoặc những mâu thuẫn của đối phương. Tóm lại, một cuộc chơi mà bên nào cũng phải căng mình lên để tính toán và vì thế nó sẽ diễn ra hết sức khôn lường, không thể vội vàng dự đoán một cách giản lược.
- Điều duy nhất có thể kết luận là thế giới không còn ở thế đơn cực với sự thể hiện mạnh mẽ của người Mỹ như trong thời gian đầu khi Chiến tranh Lạnh vừa chấm dứt và Liên Xô vừa sụp đổ?
- (Gật đầu).
Muốn “đi dây” phải có 2 điều này
- Giờ thì chúng ta không nhìn ở góc độ của các cường quốc mà nhìn từ góc độ của những nước vừa và nhỏ trong cục diện chính trị của các cường quốc. So với Nga, Mỹ và khối NATO, Ukraine là một nước nhỏ và thật không may cho họ khi trở thành chiến trường cho lợi ích của các cường quốc. Theo giáo sư, các nước nhỏ có thể rút ra bài học gì từ chuyện này?
- Các nước nhỏ tuyệt đối không nên ngả hẳn về một bên để chống một bên khác trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Và, phải thể hiện quan điểm rõ ràng về việc phản đối chiến tranh, phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột. Đấy chính là cách bảo vệ an ninh quốc gia từ xa cho mình.
- Trong cái nhìn của các học giả phương Tây thì lâu nay nhiều nước vừa và nhỏ ở châu Á luôn chọn một phương thức ngoại giao “đi dây”, nghĩa là khéo léo tồn tại giữa lợi ích của các nước lớn, cùng chơi với các nước lớn trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và phục vụ lợi ích cốt lõi của quốc gia mình. Nhưng, thưa giáo sư, nếu tình huống xấu nhất từ cuộc chiến Nga - Ukraine xảy ra, thế giới biến động tới mức các nước lớn tạo ra những tình huống bắt buộc các nước nhỏ phải chọn phe thì sao? Tất nhiên, đây chỉ là một tình huống giả định nhưng theo tôi, nó là cái giả định không thể không lường trước.
- Đi dây hay không đi dây, suy cho cùng phụ thuộc chủ yếu vào nội lực của chính các nước nhỏ.Theo bạn, để đi dây lâu dài thì người đi trên dây cần những tố chất gì?Tôi nghĩ, thứ nhất là phải khỏe về thể chất, thứ hai là phải khỏe về thần kinh.Nếu không có sức khỏe thể chất thì đi dây được một đoạn thôi, người ta sẽ rơi gậy mà ngã xuống.Nếu không có sức khỏe thần kinh thì đi được một quãng, người ta có thể đột quỵ.Không có hai yếu tố quan trọng này, bạn đi dây được bao lâu? Tất nhiên, các yếu tố bên ngoài như “sức gió” hay “ánh sáng” cũng tác động vào quá trình đi dây nhưng điều cốt lõi vẫn nằm ở thể chất và thần kinh. Cần phải hết sức nhấn mạnh điều này.
- Một yếu tố nữa liên quan đến lợi ích của các nước vừa và nhỏ, đó là lâu nay vẫn tồn tại quan niệm các nước vừa và nhỏ vẫn có thể hấp dẫn nhân loại bằng quyền lực mềm của mình. Việc nhấn mạnh vào quyền lực mềm khiến ở đâu đó, trong một thời điểm nào đó xuất hiện ý nghĩ rằng quyền lực mềm là chìa khóa cốt yếu để mở ra cánh cửa phát triển bền vững.Nhưng, với sự xuất hiện bất ngờ của chiến sự Nga - Ukraine như vừa thấy thì chúng ta lại thấy rằng, quyền lực mềm là không đủ và quyền lực mềm chưa chắc đã là chiếc chìa khóa cốt lõi.Phải có sự kết hợp hết sức nhuần nhuyễn giữa quyền lực mềm và quyền lực cứng, mà phần cốt lõi của quyền lực cứng là năng lực quốc phòng của mỗi quốc gia.Giáo sư nghĩ sao ạ?
- Chính xác! Người ta vẫn nói thực lực giống như cái chiêng, còn ngoại giao giống như cái tiếng.Cái chiêng có to thì tiếng của nó mới vang xa và ngược lại. Nhìn lại các nước trên thế giới sẽ thấy, người ta thường chỉ sử dụng ngoại giao văn hóa hiệu quả khi trước đó người ta đã có một quyền lực cứng vững vàng. Khi đó, quyền lực mềm sẽ giúp người ta tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, hấp dẫn và chiếm được tình cảm của nhiều đối tượng hơn.Tất nhiên, quyền lực mềm là không thể thiếu nhưng xin nhấn mạnh, nó phải dựa trên nền tảng của quyền lực cứng.
Ở đây, tôi chợt nhớ lại nội dung của Nghị quyết 13 năm 1988 của Bộ Chính trị mà cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là kiến trúc sư của nghị quyết đó, rằng Việt Nam chỉ có thể giữ gìn được độc lập, chủ quyền khi có một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở. Như thế, có nghĩa ở đây phải có đủ 3 yếu tố và càng ngẫm về 3 yếu tố ấy, chúng ta càng thấy đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm trong câu chuyện bảo vệ chủ quyền quốc gia.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Phan Đăng
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/giao-su-tien-si-pham-quang-minh-tu-cuoc-chien-nay-the-gioi-thay-doi-nhu-the-nao-a2623.html