Theo nghiên cứu của Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia của Anh, khoảng 37% người đã bình phục từ 3-6 tháng sau khi mắc COVID-19 có ít nhất một biểu hiện của bệnh. Trong đó, nhiều người vẫn thấy mệt mỏi, đau đầu, khó thở nhiều tháng sau khi khỏi bệnh. Nghiên cứu này được thực hiện với sự tham gia của hơn 270.000 người bệnh đã hồi phục cho thấy, các triệu chứng này xảy ra thường xuyên hơn ở những người từng trở nặng, phải nhập viện và phổ biến hơn ở phụ nữ.
Song nghiên cứu không cung cấp bất kỳ nguyên nhân chi tiết nào của các triệu chứng COVID kéo dài hay hậu COVID, cũng như mức độ nghiêm trọng hoặc kéo dài bao lâu.
Tổ chức Y tế thế (WHO) cũng uớc tính, khoảng 10-20% số bệnh nhân COVID-19 có ghi nhận các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi điều trị khỏi.
Sau khi bệnh viện tiếp nhận những ca điều trị hậu COVID, BS. Lại Văn Hoàn- Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết, không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền, mà cả những bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi) không có bệnh lý nền và bệnh nhân trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ, không có triệu chứng; sau khi điều trị COVID-19 cũng có thể gặp những biến chứng nặng nề về nhiều hệ cơ quan. BS Hoàn nêu cụ thể:
- Hệ hô hấp (thường gặp nhất): Với các triệu chứng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng có thể xuất hiện và kéo dài; ho kéo dài; đau ngực; giảm chức năng hô hấp (khả năng hít thở, khả năng gắng sức); có thể tiến triển sang tổn thương xơ phổi…
- Tim mạch: Người bệnh có thể gặp tổn thương cơ tim (viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim); nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực; khó thở khi gắng sức.
- Tâm - Thần kinh: Người bệnh có thể gặp tai biến mạch não; suy giảm nhận thức ( sương mù não ); trầm cảm, rối loạn lo âu, stress…
- Cơ - xương - khớp: người bệnh có thể có các biểu hiện mệt mỏi, đau mỏi cơ, yếu cơ… Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như: Suy thận, rối loạn đông máu, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng...
Cũng theo các chuyên gia, không phải F0 nào cũng phải đi khám và điều trị hậu COVID, thậm chí nếu lo lắng thái quá sẽ dẫn đến di chứng này. Tại Hội nghị khoa học thường niên Medlatec Group “Quản lý chất lượng và phòng, chống COVID-19”, PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng tuy nhiều người gặp phải hội chứng hậu COVID-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người bệnh đều phải đi khám hậu COVID.
“Những người phải có triệu chứng của hậu COVID-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID”, bà Hoàng Thị Phượng khuyến cáo.
Các chuyên gia nhận định, khi số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 càng tăng cao, thì số người có triệu chứng hậu COVID cũng gia tăng. Song, không phải ai cũng bị hậu COVID và tỷ lệ này cũng thấp. Hiện nay, nghiên cứu về hậu COVID còn rất ít và không có nhóm đối chứng và các nghiên cứu chủ yếu ở mức thống kê.
Đáng chú ý, hậu COVID cũng có thể xuất hiện ở trẻ em. Tuy nhiên, ở trẻ em, triệu chứng cả khi nhiễm bệnh và hậu COVID đều nhẹ và ít hơn so với người lớn. Biểu hiện của hậu COVID với những trẻ từng mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với F0 chủ yếu là sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi, cha mẹ phải đưa con đi khám. Đồng thời, cha mẹ phải lưu ý trẻ có các triệu chứng như bị mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc. Trẻ bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…
“Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt”, PGS.TS Trần Minh Điển nói./.
Thiên Bình/VOV.VN
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khong-phai-f0-nao-cung-bi-hau-covid-a2595.html