Số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tăng 46,2%

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê ngày 28/2, trong hai tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

nlntv-dn-xk-1646034843.jpg
Trong tháng 2/2022, Việt Nam ghi nhận 4.071 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động khởi sự kinh doanh trong tháng 2/2022 diễn ra khá trầm lắng so với tháng trước, do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ về kế hoạch hồi phục, mở cửa nền kinh tế đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Trong tháng 2/2022, Việt Nam có 7.284 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 85,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 72,6 nghìn lao động, giảm 44% về số doanh nghiệp, giảm 55,7% về vốn đăng ký và giảm 5,8% về số lao động so với tháng 1/2022. Song, so với cùng kỳ năm trước chỉ giảm 9% về số doanh nghiệp, giảm 53% về số vốn đăng ký và tăng 27% về số lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ghi nhận 4.071 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có gần 20,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 277,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 149,7 nghìn lao động, tăng 11,9% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 13,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 13,7 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 173,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 2.332 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2022 là 451,2 nghìn tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tính chung 2 tháng đầu năm là 32.700 doanh nghiệp, tăng 51% so với cùng kỳ và 8.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6%, gần 3.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9%. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân một tháng có 22.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đề cập về tình hình đầu tư, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 2/2022 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời hoạt động đầu tư trong các tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn trong năm. Các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư, do đó khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 8,8% so với kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 2/2022 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 8% và tăng 13,6%), gồm có: Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch năm và tăng 10,1%; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 39,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm và tăng 10,4%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/2 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/2, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022, ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 51,7 triệu USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước; có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh giảm 7,2 triệu USD.

 

Minh Phương/Báo Tin tức

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/so-doanh-nghiep-gia-nhap-va-quay-lai-thi-truong-tang-462-a2404.html