Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư gần 21 tỷ USD ra nước ngoài

Với 1.463 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 20,9 tỷ USD. Tại một số thị trường, Việt Nam dẫn đầu về số vốn.

thuong-hieu-metfone-tai-campuchia-do-viettel-dau-tu-duoc-dinh-gia-khoang-1-ty-usd-1645933656.jpg
Thương hiệu Metfone tại Campuchia do Viettel đầu tư được định giá khoảng 1 tỷ USD

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), riêng trong tháng 1-2022, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh đạt 36,9 triệu USD, tăng 11,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trong tháng có tới 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 44,2 triệu USD, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm trước; có 1 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 9,19 triệu USD và 1 dự án điều chỉnh giảm vốn 16,4 triệu USD.

Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua được rất khởi sắc.

Lũy kế đến 20-1-2022, Việt Nam đã có 1.463 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 20,9 tỷ USD. Trong đó, các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là: Lào (25%); Campuchia (13,6%); Venezuela (8,7%)…

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,4%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (16%).

Đáng chú ý, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm trước. Trong đó, một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại đây có hiệu quả, dự báo sẽ tiếp tục tăng vốn mở rộng đầu tư trong năm 2022 và những năm tới.

Còn với Campuchia, tính đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 188 dự án sang quốc gia này, với tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD, với kết quả trên, Việt Nam là quốc gia ASEAN có đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

Dự án điển hình tại Campuchia là dự án trong lĩnh vực viễn thông của Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông quân đội (Viettel) với thương hiệu Metfone. Sau hơn 15 năm đầu tư tại đây, hiện Metfone được định giá hơn 1 tỷ USD và trở thành một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất tại đây.

Ở chiều ngược lại, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, tính đến 20-2 cho thấy, Singapore là quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm với con số hơn 1,7 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD.

Trong 2 tháng đầu năm, vốn đăng ký mới vẫn giảm do không có nhiều dự án quy mô lớn. Tuy nhiên vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đều tăng so với cùng kỳ.

Các dự án FDI đã phủ sóng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với trên 52,8 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là Bình Dương với gần 37,8 tỷ USD (chiếm 9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với gần 37,6 tỷ USD (chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư).

Hà Linh

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/doanh-nghiep-viet-nam-dau-tu-gan-21-ty-usd-ra-nuoc-ngoai-a2376.html