Dù là F0 cũng chưa một giây ngơi nghỉ
Tâm sự về nghề, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền bày tỏ, chưa bao giờ áp lực công việc đè nặng lên chị như bây giờ. “Khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, lãnh đạo Bệnh viện CATP Hà Nội có đủ cả cấp trưởng, cấp phó. Nhưng tại thời điểm này chỉ có duy nhất giám đốc. Thế nên, ngay cả khi trở thành bệnh nhân Covid-19, tôi cũng chưa có một phút giây ngơi nghỉ” - chị Hiền chia sẻ.
Hàng ngày, công văn, giấy tờ vẫn cần chị xử lý, công tác chống dịch vẫn chờ chị điều hành. Chị xin được ở lại bệnh viện, tuy nhiên để an toàn cho chị và đảm bảo phòng chống dịch bệnh nên chị được phép về nhà để thoải mái hơn, có điều kiện chăm sóc bản thân tốt hơn. Nhưng trên thực tế, hàng ngày chị vẫn ký hàng nghìn tờ giấy xét nghiệm, giấy xác nhận tiêm chủng. “Hàng kilogam giấy tờ vẫn được gửi đến nhà tôi mỗi ngày. Tôi ký xong, khử khuẩn và các cán bộ mang lại vào bệnh viện. Tôi nhớ đó là thời điểm triển khai công tác năm nên rất nhiều đơn vị yêu cầu test nhanh Covid-19 trước khi vào hội nghị” - Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền kể.
Đây cũng không phải là nhiệm vụ duy nhất của Bệnh viện CATP trong lúc này. CATP Hà Nội còn tổ chức khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là can phạm, phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 với con số hàng nghìn người.
Thiếu tá, điều dưỡng Dương Thị Mai Loan nhớ lại: “Chúng tôi chia thành những tổ công tác nhỏ, mỗi tổ 5 - 6 người, ở tập trung tại Trại tạm giam số 1 trong thời gian 20 ngày. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên khi đội ngũ y tế Công an nhân dân (CAND) lên đường chống dịch. Ở những bệnh nhân bình thường, việc phải điều trị cách ly dài ngày rất dễ khiến họ thay đổi tâm lý, nổi nóng vô cớ với các y bác sỹ, thì với bệnh nhân là can phạm, tội phạm cực kỳ manh động, việc quản lý và điều trị tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn rất nhiều. Những can phạm, tội phạm này rất dễ tấn công nhân viên y tế và chỉ chờ cơ hội để tìm cách gây sự, đó là nhiệm vụ mà chúng tôi chưa từng thực hiện bao giờ” - Thiếu tá, điều dưỡng Dương Thị Mai Loan bày tỏ.
Bước sang tháng 2-2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp. Số ca tăng chóng mặt từng ngày. Suốt 2 năm ròng rã chống dịch, các y bác sỹ của Bệnh viện CATP Hà Nội đều cố gắng giữ cho mình không bị Covid-19 “hỏi thăm” để đảm bảo quân số làm nhiệm vụ, nhưng trong những ngày này, việc đó trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Trong số 800 chiến sỹ nghĩa vụ CAND vừa được tuyển chọn, có đến 200 trường hợp F0.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Bệnh viện CATP Hà Nội phối hợp với Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ CATP tổ chức cách ly, điều trị tập trung số chiến sỹ nghĩa vụ này ngay tại trung tâm. Thế nhưng, ngay trong chính gia đình của các anh, các chị cũng đã xuất hiện bệnh nhân Covid-19 và việc lây nhiễm là điều không thể tránh khỏi.
Nhiệm vụ trên hết
Thượng úy Trần Cẩm Tú, cán bộ Khoa Dược - vật tư - thiết bị y tế, Tổ trưởng tổ Công đoàn Bệnh viện CATP Hà Nội tự nhận mình là người làm việc “phía sau cánh gà” vì khoa của chị phụ trách việc tiêm chủng, phát khẩu trang y tế phòng chống dịch cho toàn CATP. Do ở “phía sau” nên rất ít người biết đến công việc của các chị, một công việc nghe tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng chỉ nguyên việc xuất, nhập vật tư y tế đã khiến các cán bộ của khoa không thể… thở nổi. Có những ngày, số lượng thiết bị, vật tư y tế về nhiều hay chuẩn bị cho các chiến dịch tiêm chủng quy mô, các anh các chị phải làm xuyên đêm. Ở thời điểm hiện tại, trong công tác phòng chống dịch, toàn bộ kit test, quần áo, thuốc điều trị phục vụ CATP đều thông qua bộ phận này của bệnh viện.
Bệnh viện CATP Hà Nội những ngày này vắng bóng người qua lại, F0 nhiều lên, bản thân trong gia đình mỗi cán bộ, chiến sỹ đều có con em bị lây nhiễm trong khi học tập hoặc đi làm, nhưng khu cách ly tập trung thì vẫn hoạt động suốt ngày đêm. Ở đó vẫn luôn có những cán bộ túc trực sẵn sàng phục vụ dù bệnh nhân là những đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Hà Nội cũng đang trong những ngày rét kỷ lục. Thời tiết tạo nên sự ảm đạm của cảnh quan dù đang trong những ngày lẽ ra là ngày vui của ngành y. Nhưng họ - những y bác sỹ, cán bộ của Bệnh viện CATP - dường như đã quên đi thời gian, quên mất cả ngày 27-2, ngày mà các chị, các anh được cả xã hội tôn vinh, chỉ để dành cho một sự cần phải nhớ và đặt lên hàng đầu, đó là: Tất cả vì nhiệm vụ chống dịch.
Châu Anh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ban-linh-bac-si-cong-an-nhan-dan-trong-mua-dich-a2372.html