Kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2022): Vì nhân dân mà dấn thân, cống hiến

Hai năm qua là khoảng thời gian thử thách đầy cam go đối với đội ngũ thầy thuốc, những đóng góp của họ không thể đong đếm được. Những chiến sĩ áo trắng đã và đang âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc...

nlntvt1-3-1645904650353-1645923382.jpg
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Bích lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Trong hơn 150 cán bộ y tế được tôn vinh tại lễ tôn vinh thầy thuốc, cán bộ y tế có thành tích xuất sắc trong công tác y tế năm 2021 trong dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam có bốn cán bộ tuyến cơ sở. 

Sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc

Nhắc đến bác sĩ Nguyễn Tấn Chiến, người dân xã Trung An, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh xem anh như người hùng của địa phương trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát. 

Bác sĩ Nguyễn Tấn Chiến được bổ nhiệm làm Trưởng Trạm Y tế xã Trung An vào đầu tháng 4/2021. Chỉ hơn một tháng sau, dịch bắt đầu bùng phát trên toàn thành phố, xã Trung An trở thành điểm “nóng” của huyện khi riêng đoạn đường 455 chưa đến 1 km, với 5.000 người dân thì đã có gần 2.000 người nhiễm Covid-19. Nhà nào cũng có phòng trọ cho công nhân thuê, cộng với thói quen sinh hoạt hay tụ tập vào mỗi chiều nên số ca nhiễm ở đây lây lan rất nhanh. 

Trước thực trạng trên, bác sĩ Chiến tham mưu với chính quyền địa phương phải phủ nhanh việc tiêm vắc-xin cho người dân, đồng thời đẩy mạnh truy vết để sớm đưa F0 đi cách ly. Không ngại nguy hiểm, bác sĩ Nguyễn Tấn Chiến cùng các nhân viên y tế của trạm ngày nào cũng đến các điểm nóng để xét nghiệm, bóc tách F0, vận động người dân thực hiện nghiêm giãn cách, thực hiện tốt 5K. 

Trong những ngày chiến đấu với dịch bệnh ấy, bác sĩ Chiến không may bị nhiễm Covid. “Lúc đó tôi chuyển vào làm việc tại khu cách ly tạm thời của xã, cùng các đồng nghiệp chăm sóc cho hơn 400 F0”- bác sĩ Nguyễn Tấn Chiến nhớ lại. 

Đó cũng là khoảng thời gian mà anh không thể nào quên. Hầu như đêm nào anh cũng cùng đồng nghiệp thức trắng để chăm sóc cho các F0 trở nặng. Vừa nhiễm bệnh, lại liên tục di chuyển từ phòng này đến phòng khác nên nhiều lúc bác sĩ Chiến kiệt sức, nhưng anh luôn nỗ lực, nhờ đồng nghiệp hỗ trợ để “không cho phép mình gục ngã”. 

Không chỉ là chỗ dựa cho người bệnh, bác sĩ Nguyễn Tấn Chiến còn là điểm tựa của đồng nghiệp. Nhiều người ban đầu không chịu nổi áp lực, định buông xuôi, nhưng anh kịp thời động viên, thuyết phục để anh em thấy được trách nhiệm, sứ mệnh của mình, từ đó vực dậy tinh thần tiếp tục sát cánh bên nhau thực hiện nhiệm vụ. 

“Giờ đây, khi những ngày tháng khốc liệt đã qua, tôi hỏi lại những anh em đó còn muốn nghỉ việc nữa không. Ai cũng nhất quyết “không nghỉ”, tiếp tục cống hiến sức mình để chăm sóc sức khỏe cho người dân quê nhà”- bác sĩ Nguyễn Tấn Chiến chia sẻ. 

Chính những nỗ lực quên mình đó, anh đã góp phần không nhỏ để huyện Củ Chi trở thành một trong hai địa phương được công nhận là “vùng xanh” đầu tiên của thành phố.

Được hỏi cảm tưởng khi ra Thủ đô dự lễ tôn vinh bác sĩ Chiến cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Anh chia sẻ, bản thân tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất có thể để cứu sống bệnh nhân. Bác sĩ, nhân viên y tế nào trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” ấy cũng làm như thế. Vì cứu người chính là sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc.

Thoạt nhìn, người ta cứ ngỡ bác sĩ Trần Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh mới chỉ là nữ sinh. Khi dịch Covid-19 tràn vào Phước Ninh, Bích gần như gục ngã trước hàng trăm công việc không tên, từ phân công lực lượng trực tại trạm đến dự trù, cung ứng thuốc để kịp thời phục vụ nhân dân rồi khử khuẩn, xét nghiệm nhanh, tiêm ngừa vắc-xin… 

Trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, Trạm Y tế xã nơi Bích công tác vẫn bảo đảm tốt công tác chuyên môn, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không gián đoạn bất cứ thời gian nào. Bác sĩ Bích luôn có mặt tại tất cả các “điểm nóng”. 

Người dân địa phương cho biết, trong đợt đi xét nghiệm cộng đồng, bác sĩ Bích bị ngã xuống nước lúc giữa đêm, nhưng nhờ mặc đồ bảo hộ trắng nên đã được người dân phát hiện kịp thời... Khi được đưa lên nghỉ ngơi chút xíu, chị lại tiếp tục công việc. 

Tháng 11/2021, bác sĩ Bích và gia đình đã trở thành F0. Vậy nhưng trong suốt thời gian cách ly điều trị qua zalo, bác sĩ Bích vẫn tham mưu về chuyên môn cho cấp ủy, chính quyền, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch; tham gia tuyên truyền, giáo dục đối với người dân và cộng đồng về phòng, chống dịch. 

Khi vừa khỏe lại, chị lại xung phong tham gia đội test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc cộng đồng; tổ chức tiêm ngừa Covid-19 cho người dân. 

Khi được hỏi, nhiều người dân xã Phước Ninh hết lòng ngợi khen nữ bác sĩ tâm huyết với nghề, luôn nhiệt tình với quê hương, làng xóm.

“mình bỏ cuộc thì ai sẽ làm thay”

nlntv-t4-4-1645904832058-1645923457.jpg
Dược sĩ Trần Thị Hồng Gấm, nhân viên Trạm Y tế xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri là tấm gương tiêu biểu trong phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bến Tre. 

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Dược sĩ Trung học, Trần Thị Hồng Gấm về công tác tại Trạm Y tế xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, Bến Tre. 

Sau đó, tiếp tục học thêm ngành Cử nhân công tác xã hội và được phân công nhiệm vụ phụ trách mảng dân số, kế hoạch hóa gia đình tại địa phương. 

Do nhu cầu công việc, Gấm thông thuộc địa bàn đến tận các xóm, ấp để tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm ngừa vắc-xin… Vì vậy, tháng 7/2021, ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận trên địa bàn, Gấm là một trong ba cán bộ tại Trạm Y tế được phân công truy vết; chuyển ca F0, F1 đi cách ly, điều trị; tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

Số ca mắc ngày càng gia tăng. Do không ai có kinh nghiệm, nên vừa làm vừa học, áp lực càng thêm lớn khi liên tục phải mặc đồ bảo hộ rồi đi về tận xóm, ấp bất kể ngày đêm. Chị Gấm và các đồng nghiệp luôn động viên nhau: Mình mà bỏ cuộc thì ai sẽ vào thay nên quyết tâm làm bằng tất cả sức lực với mong muốn dịch Covid-19 mau đi qua để người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Xã An Ngãi Trung có 2.725 hộ với gần 10 nghìn người nhưng chỉ có sáu cán bộ y tế, trong khi đó công việc lại quá nhiều. Ban ngày làm việc, ban đêm phải thức để nhập liệu, làm báo cáo. 

Suốt một tháng cao điểm của dịch (từ tháng 7 đến tháng 8/2021) là thời điểm Gấm cùng cán bộ y tế tại địa phương căng mình chống dịch. Hiện địa phương hơn ba tháng liền không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. An Ngãi Trung được Trung tâm Y tế huyện Ba Tri đánh giá là xã có hoạt động chống dịch rất hiệu quả… 

Nghe tin sẽ được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được gặp Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam tôi thấy rất vinh dự và tự hào khi những đóng góp, hy sinh của cán bộ y tế tuyến cơ sở được ghi nhận. 

Thành quả này là sự đóng góp của cả tập thể trạm y tế cùng các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương chứ không riêng gì bản thân. Bây giờ nếu được lựa chọn lại nghề nghiệp mình vẫn chọn nghề này dù gian khó, vất vả đến đâu cũng chịu vì đó không chỉ niềm đam mê mà còn góp một phần công sức giúp cộng đồng, làm những việc có ích cho xã hội...”, chị Gấm chia sẻ.

Để thực hiện tốt mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” ngành Y tế tiếp tục là lực lượng tiên phong với vai trò nòng cốt nơi tuyến đầu. Những cán bộ y tế tuyến cơ sở đang phát huy vai trò “người gác cổng” mang lại cuộc sống an toàn cho người dân.

 

MẠNH HẢO, MINH ANH và HOÀNG TRUNG

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ky-niem-67-nam-ngay-thay-thuoc-viet-nam-2721955-2722022-vi-nhan-dan-ma-dan-than-cong-hien-a2362.html