Người thầy thuốc của chiến trường
Nhắc đến GS, TSKH, Thầy thuốc nhân dân, Thiếu tướng Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thế Trung, nhiều người nhớ đến một nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về y học điều trị bỏng, ghép tạng và y học thảm hoạ. Ông là người đầu tiên xây dựng chuyên ngành bỏng Việt Nam và khởi xướng xây dựng Viện Bỏng Quốc gia (Bệnh viện Bỏng Lê Hữu Trác), cũng là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các ca ghép thận và ghép gan đầu tiên ở nước ta. Đồng thời GS Lê Thế Trung cũng là người đặt nền móng cho chuyên ngành Y học thảm họa ở Việt Nam. Trong tâm trí của hàng trăm bệnh nhân, học trò và đồng nghiệp, GS,TSKH Lê Thế Trung gắn liền với hình ảnh về một người thầy thuốc, thầy giáo, một nhà khoa học tâm huyết, tận tụy, hết lòng phục vụ bộ đội và nhân dân, với tinh thần “lương y như từ mẫu!”.
GS, TSKH Lê Thế Trung sinh năm 1928, quê quán xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông tham gia cách mạng tháng 8-1945, được kết nạp vào Đảng năm 1948. Lúc nhỏ ông học tại Trường tiểu học Hàm Long, Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Tháng 7-1946, ông tham gia quân đội. Kể về người cha, người thầy đáng kính của mình, giọng Thiếu tướng GS, TS Lê Trung Hải, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, con trai cả GS, TSKH Lê Thế Trung, bùi ngùi xúc động. Ông tâm sự, cha mình vốn xuất thân từ công nhân ngành in, trước hoàn cảnh đất nước chiến tranh, cậu học trò yêu nước Lê Thế Trung đã gia nhập Vệ quốc đoàn, theo học khóa 1 y tá Vệ quốc đoàn, sau đó theo học lớp y sĩ khóa 1 của Trường Quân y sĩ Việt Nam, Liên khu Việt Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn, trưởng thành qua nhiều cương vị khác nhau. Trước sự hy sinh, mất mát lớn lao của bộ đội, thương bệnh binh, ông luôn trăn trở làm thế nào góp sức mình giúp bộ đội có sức khỏe tốt nhất, thương bệnh binh được điều trị nhanh khỏi bệnh, hạn chế thấp nhất tỷ lệ thương vong.
Từ tâm huyết đó, bác sĩ Lê Thế Trung đi sâu nghiên cứu những vấn đề lớn về ngoại khoa dã chiến, đem lại nhiều thành công trong xử trí vết thương chiến tranh, nhất là vết thương do bỏng. Năm 1968, ông trực tiếp vào chiến trường Khe Sanh nghiên cứu về ngoại khoa trong chiến tranh và hoàn thành công trình “Nghiên cứu về tổn thương do sóng nổ, xử trí ngoại khoa và bỏng chấn thương, ghép da tự thân tại chiến trường”. Năm 1972, ông tiếp tục hoàn thành công trình “Bỏng và phẫu thuật tiếp da”. Sau này, trên cơ sở Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 103, HVQY, ông đề xuất thành lập và là giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Chủ tịch của Hội Bỏng Việt Nam.
Tháng 8-1978, khi đang là học viên Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), TS Lê Thế Trung được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, vì những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1981, ông được phong hàm PGS, năm 1982, được phong hàm GS; năm 1986, ông bảo vệ xuất sắc luận án TSKH tại Học viện Quân y Kyrov, Liên bang Nga. Năm 1988, trên cương vị Giám đốc HVQY, được phong quân hàm Thiếu tướng.
Người khởi xướng việc ghép tạng
Năm 1992, HVQY tổ chức thành công ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam. Từ đó, nhiều bệnh viện trong cả nước đã ghép được thận. Năm 2004, ở cương vị đồng Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ghép tạng Việt Nam, GS, TSKH Lê Thế Trung cùng các đồng nghiệp tiếp tục tổ chức thành công ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, việc ghép tạng đã được nhân rộng ra ở nhiều bệnh viện trong cả nước, với những thể loại phức tạp hơn, như: Ghép tim, ghép phổi, ghép đa tạng... Qua đó cho thấy vai trò nổi bật của ông, vừa là người khởi xướng, vừa là người đi đầu một lĩnh vực của y học hiện đại tiên tiến. Năm 2015, khi Hội Ghép tạng Việt Nam được thành lập, GS, TSKH Lê Thế Trung được suy tôn là chủ tịch danh dự đầu tiên của hội.
Bên cạnh những thành công về lĩnh vực ngoại khoa dã chiến, bỏng, ghép tạng, ung thư, kết hợp 2 nền y học, GS, TSKH Lê Thế Trung còn cống hiến xuất sắc ở một số lĩnh vực khác, như: Xây dựng chuyên ngành Y học Thảm họa - một vấn đề hết sức mới mẻ đối với ngành y tế nước ta. Ông đã hoàn thành nhiều cuốn sách “Y học thảm họa” – những tài liệu quan trọng với các nhà chuyên môn và đầy giá trị với người làm công tác quản lý, hoạch định chính sách về phòng chống thảm họa. Một loạt các công trình nghiên cứu của ông đã được đưa vào điều trị bỏng, làm lành vết thương và hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả.
Đại gia đình theo nghề bác sĩ
Tiếp nối truyền thống gia đình, Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải, con trai cả GS, TSKH Lê Thế Trung cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về ghép tạng ở nước ta hiện nay. “Mình nghỉ hưu mấy năm rồi, nhưng công việc hiện tại cũng bận không kém khi còn công tác” - Thiếu tướng, GS, TS chủ động bắt chuyện.
Quả thật, mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện với GS, TS Lê Trung Hải, tôi đều cảm nhận sự say mê, yêu nghề và y đức mẫu mực của vị Thiếu tướng quân y. Nhớ lại chặng đường với những dấu son không thể nào quên trong cuộc đời làm thầy thuốc, GS, TS Lê Trung Hải chia sẻ: “Khi tôi thi vào HVQY, bố tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Mẹ tôi làm y sĩ trưởng của Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y (BVQY) 103, vì vậy từ nhỏ mình dần hình thành ý thức theo nghề y”.
Noi gương cha của mình, người từng đặt chân đến khắp mọi miền đất nước, qua nhiều chiến trường khốc liệt để cứu chữa, điều trị thương binh và người dân, bác sĩ trẻ Lê Trung Hải sau khi tốt nghiệp Đại học Quân y, đã có mặt ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đội hình của Sư đoàn 337 (nay là Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4), tại điểm cao 400, thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Lê Trung Hải đã cùng đồng đội vừa trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu, vừa cứu chữa thương, bệnh binh. Có ngày, người bác sĩ trẻ tham gia cấp cứu, xử lý vết thương cho hàng trăm thương binh, phải đứng mổ suốt ngày đêm vì nhiều thương binh từ tuyến trước chuyển về.
Ký ức về những trận đánh khốc liệt ấy mãi ghi sâu trong tâm khảm và cũng là sự thôi thúc, động lực giúp GS, TS Lê Trung Hải sau này nỗ lực trau dồi kiến thức, y đức để làm tốt sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc mặc áo lính. Ông từng nhiều năm tu nghiệp ở các nước tiên tiến, như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản… Nối tiếp sự nghiệp của cha mình, ông trở thành một trong những chuyên gia ghép tạng hàng đầu của Việt Nam, góp phần mang lại sự sống cho hàng trăm, hàng nghìn người.
Một trong những bệnh nhân từng được ghép thận năm 1993, là ông Lê Thanh Nghiêm, SN 1960, nguyên Bí thư Thị ủy Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Theo lời kể của ông Nghiêm, cuối năm 1992, trong lần đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, ông chết lặng khi các bác sĩ chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. Với quyết tâm còn nước còn tát, ông được gia đình đưa ra BVQY 103 chữa trị… Ngày 20-7-1993, ông được các GS: Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Lê Trung Hải cùng các chuyên gia đầu ngành ghép tạng tiến hành mổ ghép thành công. Đến nay, sức khoẻ của ông vẫn ổn định. Sau ca ghép lịch sử này, GS, TSKH Lê Thế Trung, GS, TS Lê Trung Hải còn thực hiện thành công rất nhiều ca ghép tạng khác, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc ấy, năm 2005, lần đầu tiên trong danh sách đồng tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ dành cho Cụm công trình ghép tạng có tên hai cha con: GS, TSKH Lê Thế Trung và con trai cả GS, TS Lê Trung Hải. Đặc biệt, năm 2010, người con trai út của GS, TSKH Lê Thế Trung là Đại tá, Thạc sĩ Lê Trung Thắng, Phó trưởng phòng Khoa học Quân sự kiêm Trưởng ban Công nghệ thông tin HVQY cũng vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, với vai trò đồng tác giả Cụm công trình Kết hợp Quân dân y. Đây là một điều vô cùng hy hữu và đặc biệt khi có 3 cha con trong một gia đình cùng nhận được giải thưởng cao quý này. Nhắc đến niềm vinh dự lớn lao này, Thiếu tướng GS, TS Lê Trung Hải khiêm nhường cho rằng, đó là sự may mắn bởi ông đã được học tập, làm việc trong một mô hình Viện - Trường Quân đội có tính tổ chức, tính tập thể cao, mà ở đó người thầy thuốc, thầy giáo cũng đồng thời là người lính.
Đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ chu toàn, người vợ hiền, dâu thảo và người mẹ đảm đang. Hậu phương vững chắc của GS, TS Lê Trung Hải - Đại tá, PGS, TS, bác sĩ cao cấp Phan Việt Nga, Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh, BVQY 103, HVQY người luôn kề vai sát cánh, động viên và cảm thông, tạo mọi điều kiện để ông có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Con trai cả của ông là Đại úy, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Trung Hiếu, tốt nghiệp thủ khoa HVQY, hiện đang làm tiến sĩ tại Nhật Bản. Vợ Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hiếu là bác sĩ Đỗ Thị Hải Linh, công tác tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội. Con trai thứ hai của GS Lê Trung Hải là Thượng úy, bác sĩ Lê Trung Đức, hiện đang công tác tại Khoa Nội Thần kinh, BVQY 103.
Những năm gần đây, mặc dù công việc bận rộn với vai trò là Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, song GS, TS Lê Trung Hải vẫn say sưa nghiên cứu khoa học, đào tạo và điều trị. Ông có nhiều báo cáo khoa học về ghép tạng, phẫu thuật nội soi, bệnh lý gan mật tuỵ được đánh giá cao tại các hội nghị quốc tế ở Anh, Đức, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc đồng thời chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa khọc cấp Bộ và Nhà nước. GS, TS Lê Trung Hải còn trực tiếp giảng dạy ngoại khoa bằng tiếng Anh cho nhiều lớp sinh viên y khoa của Đức, Singapore, Myanmar và đào tạo hàng chục nghiên cứu sinh các trường đại học y, dược trong cả nước.
Nguyễn Hồng Sáng
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dai-gia-dinh-thay-thuoc-quan-y-a2343.html